NHỮNG CHUYỆN HÀI NGÀY 30 THÁNG TƯ Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nó chấm dứt cuộc chiến “Nồi da xảo th...
NHỮNG CHUYỆN HÀI NGÀY 30 THÁNG TƯ
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nó chấm dứt cuộc chiến “Nồi da xảo thịt”, “Huynh đệ tương tàn”, nó bức tử một nhà nước có chủ quyền đã tồn tại hơn 20 năm qua. Đó là nhà nước Việt Nam Cộng Hòa(1954-1975)
Xung quanh ngày 30 tháng Tư này có nhiều chuyện hài, nhưng không phải mang lại tiếng cười sảng khoái hài hước dân gian, mà là những chuyện hài đầy mỉa mai khinh bỉ và đáng bị lên án của một số kẻ có chức có quyền, có địa vị của “Bên thắng cuộc”, đã bịa đặt và xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn, trơ trẽn và vô liêm sỉ, vơ thành tích của kẻ khác làm thành tích của mình để từ đó chui sâu leo cao lên những nấc thang quyền lực.
Có thể nói đây cũng là một dạng tham nhũng, là tham nhũng thành tích, từ chỗ có thành tích cùng với nghệ thuật lươn lẹo bậc thầy, một số họ đã nhờ đó tô vẽ cho mình ánh hào quang lấp lánh về những “chiến công hiển hách vang dội” để lòe bịp thiên hạ và “làm rạng rỡ trang sử vàng oanh liệt”của kẻ chiến thắng.
Trước hết là câu chuyện trưa ngày 30/4/1975, cánh cổng dinh Độc Lập bị xe tăng húc đổ. Và nếu có thì đó chiếc xe tăng nào?
Sau năm 1975, khi quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng, vì Việt Nam ngả về phía Liên Xô. Vì vậy chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 do Liên Xô sản xuất được cho là chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, khi quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc nồng ấm trở lại, tình hữu nghị giữa 2 nước được dệt bởi Mười sáu chữ Vàng, Trung Quốc trở thành người bạn 4 Tốt, và nhất là sau đó Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Việt Nam và Nga không còn khăng khít đầm ấm như xưa, thì người ta lại cho rằng chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 do Trung Quốc sản xuất mới là chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Đến lúc này thì cuộc chiến tranh giành thành tích của những người lính trên 2 chiếc xe tăng này xảy ra tranh cãi gay gắt, vì ai cũng muốn cho rằng chính chiếc xe tăng bên mình húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập.
Và để làm vừa lòng giữa 2 người anh đã có công viện trợ vũ khí đạn dược và các khí tài quân sự và quân trang quân dụng cho Việt Nam trong cuộc chiến này và 2 nhóm người trên 2 chiếc xe tăng 843 và 390, một giải pháp dung hòa được mở ra. Người ta sắp xếp bố trí cho chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 do Liên Xô sản xuất đã húc đổ cổng phụ của dinh Độc Lập. Còn chiếc T59 số hiệu 390 do Trung Quốc sản xuất thì húc đổ cổng chính. Sau đó cả hai chiếc xe tăng này đều được đưa về Hà Nội. Chiếc xe tăng số hiệu 843 được trưng bày trong Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội). Còn xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Vậy là nghĩa tình trọn vẹn cả đôi đường, 2 ông anh lớn đều có phần, không còn tranh giành nhau nữa(1).
Về việc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập.
Vì trưa ngày 30/4, nội các Dương Văn Minh đã ngồi chờ tại dinh Độc Lập để “bàn giao chính quyền cho cách mạng”. Vậy có phải cổng dinh Độc Lập lúc đó đang đóng và bị xe tăng húc đổ hay không?
Đây là lời của tướng Nguyễn Hữu Hạnh trong cuốn Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh, được báo Tuổi trẻ ra hôm 04/10/2019 đăng lại như sau:
“Vào trưa ngày 30/4/1975: Tuyên bố của ông Dương Văn Minh, nhận lệnh(đầu hàng) của tôi được truyền đi trên Đài phát thanh Sài Gòn hồi 9h30.
Tôi trở về Phủ thủ tướng, nơi đây im vắng không còn ai dù mới sáng nay có nhiều nhân vật trong chính phủ cũ và mới lần lượt đến để chuẩn bị ra mắt nội các Vũ Văn Mẫu dự kiến tổ chức lúc 10h ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.
Tôi quay xe đến nhà ông Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quí Cáp (giờ là đường Võ Văn Tần - PV) thì được biết ông Minh và gia đình đã vào dinh Độc Lập.
Tôi đến dinh. Suốt trên mấy con đường đều im phăng phắc không một bóng người. Không khí kỳ lạ.
Tôi vào dinh Độc Lập bằng cửa chính, lúc đó cửa mở toang không lính gác (ông Minh đã cho giải tán hết lính gác dinh).
Đến thềm dinh thì thấy có một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ trang. Gặp một trung úy, tôi hỏi thì biết một thiếu tá tiểu đoàn Lôi Hổ đang gặp ông Minh ở tầng 1. Tiểu đoàn này phụ trách phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhứt(2).
Theo sử gia Trần Gia Phụng:
“Trong thực tế, một người tận mắt chứng kiến. Đó là giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Thành, hiện nay đang giảng dạy tại đại học Oslo, Na Uy (Norway).
Lúc đó, giáo sư Thành còn trẻ, nhà ở vùng cầu Sài Gòn, ngồi trên yên sau xe vespa của phụ thân, tò mò chạy theo sau đoàn quân của CS. Ông Thành đã chứng kiến tận mắt đầy đủ sự việc tại cổng dinh Độc Lập hôm đó: Sáng 30-4-1975, cổng dinh Độc Lập đã mở sẵn. Xe thiết giáp CS khi đến dinh Đôc Lập, chạy thẳng vào trong dinh, không có gì trở ngại. Vào bên trong rồi, có thể do lệnh trên, tài xế lại lái xe thiết giáp chạy trở ra ngoài. Khi đó, lính CS đóng cổng dinh, quàng dây xích sắt, nhưng không khóa. Xe thiết giáp quay đầu trở lại, chạy đến tông sập cánh cổng dinh Độc Lập, rồi chạy vào bên trong, để cho các nhiếp ảnh viên chụp hình và quay phim”(3).
Hơn nữa tại dinh Độc Lập lúc đó, ngoài nội các của Dương Văn Minh đang ngồi chờ, còn có nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder, người được cho là đã chụp bức ảnh chiếc xe tăng 390 ủi sập cánh cổng dinh Độc Lập, và nhà báo Đức, ông Borries Gallasch, người đã cho ông Tùng mượn máy ghi âm.
Nếu cổng dinh Độc Lập đóng thì làm sao những người này có mặt trong dinh được?
Tướng Phạm Xuân Thệ tự nhận thảo tuyên bố đầu hàng?.
Ngày 30/4/2008, báo điện tử "Đại biểu Nhân dân" có bài: "Ai thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh?".
Theo đó: “Ông Bàng Nguyên Thất, chiến sỹ thông tin liên lạc thuộc Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, là một trong 2 người có mặt vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30.4.1975 tại dinh Độc Lập, chứng kiến Tổng thống và Thủ tướng Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng…
Lúc đó là 11 giờ trưa. Xe đỗ ở cửa Đài phát thanh (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Dinh khoảng 2km), chúng tôi áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên phòng thu âm… Đến đây đồng chí Phạm Xuân Thệ mới bắt đầu thảo lời tuyên bố đầu hàng. Dương Văn Minh hỏi: Tôi đồng ý đầu hàng, nhưng tôi nói gì? Đồng chí Thệ trả lời, ông nói theo lời mà tôi sẽ viết. Sau khi viết xong, đồng chí Thệ đưa cho Dương Văn Minh đọc để ghi âm. Nhưng, chữ viết của ông Thệ rất khó đọc, Dương Văn Minh nói rằng, “cấp chỉ huy đọc cho tôi ghi lại”. Đồng chí Thệ đọc cho ông Minh ghi lại lời tuyên bố đầu hàng. Ghi hết thì ông Minh đọc lời chuẩn để phóng viên người Đức ghi âm. Lúc đó là 11h20 trưa 30.4.
15 phút sau, ông Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 mới có mặt tại Đài phát thanh. Sau khi nghe lời tuyên bố đầu hàng xong, đồng chí Thệ và đồng chí Tùng bàn với nhau: Đã có lời tuyên bố đầu hàng thì phải có lời chấp nhận đầu hàng. Đồng chí Tùng viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng”(4).
Và cuộc chiến xác định ai là người soạn thảo Bản tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30/4/1975 bắt đầu:
Báo Tuổi trẻ ra ngày 28/4/2007 có bài: “Nhân chứng đặc biệt - Kỳ 1: Trung tá Tùng hay đại úy Thệ?”
Theo đó: “Ai là người đã chấp bút soạn thảo văn kiện đầu hàng cho tướng Dương Văn Minh ngày 30-4-1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn? Hơn 20 năm qua, cả ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ đều trả lời: Tôi!
Tại TP.HCM, trong nhiều dịp kỷ niệm 30-4, ông Bùi Văn Tùng thường xuất hiện như một nhân chứng lịch sử. Ông được biết đến như một sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ông khẳng định vô số lần rằng chính ông đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh, và chính ông cũng đã đại diện cho quân giải phóng miền Nam chấp nhận sự đầu hàng đó tại đài phát thanh.
Nhưng từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ (lúc này đã leo lên hàm Thượng tá),bắt đầu xuất hiện trên báo chí và các cuộc hội thảo, cũng với tư cách một nhân chứng lịch sử và cũng khẳng định chắc nịch rằng chính ông đã trực tiếp thảo văn bản nói trên”.
Cho đến năm 2016, cuộc chiến vẫn diễn ra hết sức căng thẳng và quyết liệt, chưa phân thắng bại.
Theo trang điện tử của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia:
Ngày 27/04/2016 có đăng bài "Gặp người cựu chiến binh từng đi trên xe Jeep 15770 áp giải tổng thống Dương Văn Minh" Theo đó:"Tại Đài phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, đồng chí Bùi Tùng tiếp tục hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.”
Nghĩa là Viện lịch sử Quân sự Việt Nam muốn chia đôi thành tích như vụ 2 chiếc xe tăng nói trên cho đẹp lòng hai bên.
Trong khi cuộc chiến đang giằng co thì ngày 7/8/2018, báo Kinhtebien online đăng bài của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,. với bài “Nói lại điều này để không bàn đến nữa”.
Theo đó: “Sự thật là anh Tùng thảo thư đầu hàng của Dương Văn Minh và thư chấp nhận đầu hàng của Quân Giải phóng. Anh Thệ có mặt trong dinh và dẫn Tổng thống Dương Văn Minh ra xe đi cùng Dương Văn Minh sang Đài phát thanh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kết luận: “Lý Thông thì thời nào cũng có, Và nhà báo Đức, ông Borries Gallasch, người có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đã phải lên tiếng:Ông Thệ vào Dinh trước ông Bùi Tùng. Nhưng khi đó trong Dinh rất hỗn loạn. Chẳng ai bảo được ai. Trật tự chỉ được thiết lập khi ông Bùi Tùng xuất hiện sau đó ít phút. Và rồi sau đó,ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Tùng đã rời khỏi phòng để sang đài phát thanh…. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Ông viết khá vất vả. Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”(5).
Cuộc chiến chỉ thật sự kết thúc khi Báo Chính phủ ra ngày 30/4/2020 có bài: “45 năm trước, có một chương trình phát thanh lịch sử”.
Theo đó: “Một trong những nhân chứng chứng kiến, tham gia sự kiện lịch sử đó là kiến trúc sư, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái - trong vai trò người dẫn chương trình.
Ông Thái cho biết sáng 30/4/1975, ông cùng Phó Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ đưa giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn gồm Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh.
Ông Thái mượn nhà báo Đức Borries Gallasch chiếc máy cassette để thu lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và lời chấp nhận sự đầu hàng ấy của chính quyền cách mạng do Phó Chính ủy Bùi Văn Tùng viết(6).
Không biết trước những chứng cứ rõ như ban ngày như vậy thì Lý thông Phạm Xuân Thệ chắc phải cứng họng?Và nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải chăng nhờ vơ thành tích của kẻ khác vào mình mà Phạm Xuân Thệ đã leo lên đến chức Trung tướng, Tư lệnh Quân khu I và được phong Anh hùng? nhiều ý kiến cho rằng ông Phạm Xuân Thệ phải công khai xin lỗi nhân dân và xin lỗi ông Bùi Văn Tùng vì hành động đê hèn này.
Chú thích:
(1): (https://vnexpress.net/hai-chiec-xe-tang-tien-vao-dinh-doc-lap-40-nam-truoc-3203028.html)
(2): (https://tuoitre.vn/but-ky-nguyen-huu-hanh-ky-cuoi-ngay-lich-su-20191001113028232.htm)
(3): ( https://baotiengdan.com/2020/04/30/chuyen-cong-dinh-doc-lap-ngay-30-4-1975)
(4): (https://bigschool.vn/ai-thao-loi-tuyen-bo-dau-hang-cho-duong-van-minh-doc)
(5):(https://kinhtebien.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1048:noi-li-iu-nay--khong-ban-n-na-trn-ng-khoa-&catid=85:vn-hoa-ha-ni&Itemid=70)
(6): (http://baochinhphu.vn/Van-hoa/45-nam-truoc-co-mot-chuong-trinh-phat-thanh-lich-su/392818.vgp)
T.N 5/5
Không có nhận xét nào