[ THÁP MASLOW VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM ] Để hiểu tâm lý cũng như tư duy con người Việt Nam hiện tại thì bạn cần tham khảo “Tháp nhu cầu của Mas...
[THÁP MASLOW VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM] Để hiểu tâm lý cũng như tư duy con người Việt Nam hiện tại thì bạn cần tham khảo “Tháp nhu cầu của Maslow.” Tuy nó không chính xác hoàn toàn nhưng tương đối khá đúng khi áp dụng trong bối cảnh hiện tại. Nó giải thích vì sao đa số người dân không quá mặn mà với chính trị và những khái niệm như tự do hay dân chủ. Nếu nhìn từ quy luật nhu cầu con người thì đó chưa bao giờ là sự ưu tiên, nhất là khi họ chưa có đủ thời gian rảnh và sức mạnh kinh tế.
Bạn có thể chia xã hội hoặc con người theo 5 cấp bậc như sau, theo Maslow.
1. Physiological (Nhu cầu cơ bản) - Đa số người Việt Nam nằm ở bậc này. Họ chỉ cần việc làm, có lương đủ ăn, có chỗ để ở, ngồi chơi với bạn bè, quan hệ trai gái và có chút tiền bạc.
2. Safety (Nhu cầu an toàn) - Khi khá hơn thì con người bắt đầu có nhu cầu an toàn. Cho nên họ lập gia đình, lo cho sự nghiệp, đầu tư dài hạn và tích luỹ. Đây là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện tại, không nghèo cũng không giàu.
3. Love/belonging (Nhu cầu giao lưu tình cảm) - Khi ổn định rồi thì họ sẽ có nhu cầu tìm kiếm tình cảm. Cho nên họ gia nhập các câu lạc bộ, hội nhóm hay tổ chức để có cảm giác tập thể. Số ít người Việt Nam nằm trong bậc này. Chủ yếu tầng lớp doanh nhân hay người cùng chí hướng. Ngoài ra thì có nhiều người tìm hiểu về chính trị hay xã hội, nhưng rất ít.
4. Esteem (Nhu cầu được quý trọng) - Khi khá giả rồi thì họ thèm khát được ngưỡng mộ bởi người khác. Họ muốn thiên hạ tôn trọng và quý mến mình. Cho nên họ thành ngôi sao, làm KOL hay đại diện cho tập thể nào đó để cất tiếng nói. Đây giải thích vì sao ở Phương Tây giàu rồi mới làm chính trị. Còn ở Việt Nam thì người giàu hay xuất hiện trên báo với những danh ngôn gây tranh cãi để người khác nhớ đến mình.
5. Self-actualization (Nhu cầu thể hiện bản thân ở cường độ cao) - Đây là đỉnh cao. Khi đã đáp ứng được mọi nhu cầu trong cuộc sống thì con người sẽ tìm kiếm lý tưởng. Có thể là trong chính trị, từ thiện hay hoạt động xã hội. Họ muốn tìm cái gì đó quý giá và cao thượng hơn đời thường. Chính lúc này, họ nghĩ đến những giá trị như dân chủ và tự do. Họ thèm được thể hiện và muốn góp phần trong sự điều hành của xã hội. Cho nên ở các quốc gia thịnh vượng, con người tham gia chính trị nhiều hơn, không chỉ vì có tự do ngôn luận mà vì đó là nhu cầu của họ.
Người Việt Nam hiện tại đa số rất nghèo, lương chỉ đủ ăn, nhà thì cấp 4 và sự nghiệp thì bất ổn. Họ không ao ước điều gì khác trừ việc được ăn ngon và ở bên cạnh người thương. Dân chủ, tự do, biểu tình, ngôn luận, luật pháp hoặc chính kiến là những thứ xa vời. Nó không quá quan trọng và được đặt lên hàng đầu.
Khi đọc thì có thể bạn sẽ tức giận. Nhưng tôi cá rằng đa số cũng chỉ lướt qua, cùng lắm suy ngẫm, chứ ít ai hoạt động hay làm gì ngoài đời. Cơ bản vì không có nhu cầu và cũng muốn an phận. Cùng lắm là lên mạng chửi bới hoặc tham gia tranh luận. Từ lời nói đến hành động thì rất khó và xa.
Chính vì điều đó nên dân chủ ở Việt Nam là một tương lai quá không gần. Chỉ khi người dân khá giả hơn, có dư thời gian và muốn thể hiện bản thân thì may ra mới bắt đầu tìm hiểu. Còn đa số hiện tại thì muốn mọi thứ ở yên tại chỗ. Maslow miêu tả khá đúng xã hội và con người Việt Nam. [23.5.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào