THỐNG NHẤT VÀ GIẢI PHÓNG Hình như lâu rồi tôi không còn quan tâm đến tranh luận về ngày 30/4 hàng năm nữa. Đơn giản là vì các lập luận từ ha...
THỐNG NHẤT VÀ GIẢI PHÓNG
Hình như lâu rồi tôi không còn quan tâm đến tranh luận về ngày 30/4 hàng năm nữa. Đơn giản là vì các lập luận từ hai phía đưa ra không có gì mới. Ôn lại lịch sử chỉ mang đến giá trị cao nhất khi vận dụng lịch sử cho sự phát triển của hiện tại. Còn nếu không thì tôi nghĩ nên để lịch sử ngủ yên cho đến khi có đầy đủ thông tin để phán xét công tâm nhất có thể.
Năm nay ngành tuyên giáo của đảng CSVN đã chỉ đạo các cơ quan báo chí lề phải thay từ “giải phóng” bằng từ “thống nhất”. Có ý kiến nói rằng đây là sự thay đổi mang tính đột phá chiến lược để đoàn kết dân tộc. Tôi thì chưa nghĩ đảng đã được xa như thế. Nếu các bạn chịu khó nghe loa phường thì từ “giải phóng” vẫn vang lên chan chát. Nghĩa là quyết định thay thế này chỉ mới xuất hiện ở trung ương gần đây, chưa kịp lan toả về địa phương.
Hẳn nhiên đảng CSVN phải thay thế từ ngữ cho phù hợp để hạn chế đảng CSTQ lợi dụng khe hở về lý luận nhiều hơn lúc này và sau này. Nếu dùng từ “giải phóng” thì mặc nhiên coi như Miền Nam trước đây cũng là thuộc VNDCCH, mà đã như thế thì không thể lý luận là công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị. Thế nên bỏ đi từ “giải phóng” không chỉ “hợp thời” mà còn “hợp thế”.
Sinh sau 1975 và nhận thức chính trị bắt đầu có khi đất nước đã dần hội nhập và bắt đầu “đổi mới 1” nên những gì tôi nghĩ về hai phía là một nỗi buồn dân tộc. Với lãnh đạo miền Bắc, tôi rùng mình khi nghe câu “dù có phải đốt sạch dãy Trường Sơn..”, với lãnh đạo Miền Nam thì tôi thở dài khi nhớ đến “Mỹ đưa 3 đồng thì chống cộng 3 đồng, mà đưa 5 đồng thì chống cộng 5 đồng”. Đó không nên là lời các lãnh đạo có tâm có thể nói ra.
Đảng CSVN thay từ “giải phóng” bằng từ “thống nhất” thì cũng chỉ là đoàn kết dân tộc trên giấy. Cái người dân trông đợi là những chính sách cụ thể. Mà cái cụ thể và đơn giản nhất là chính quyền sau kế thừa quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước. Ở đây muốn nói là đảng CSVN phải có chính sách hậu chiến, dù muộn, đối với thương phế binh VNCH.
Bởi vì không có giải phóng thì không có “nguỵ”, cũng không có “tay sai cho bọn xâm lược” mà chỉ là khác nhau về quan điểm “muốn hay không muốn có XHCN ở Việt Nam” mà thôi. Những người “không muốn” thất thủ trước những người “muốn”. Nếu đảng CSVN nhận là mình lãnh đạo dân tộc thì phải có lòng bao dung dân tộc, phải giúp đỡ những người bị thiệt hại trong cuộc chiến, dù là phía nào.
Muốn làm điều này không khó, chỉ cần tiền thất thoát do tham nhũng, lãng phí tiêu cực... giảm đi một chút, là có phần kinh phí để bắt đầu đoàn kết dân tộc rồi. Không có sự đoàn kết nào vững bền và hiệu quả bằng đoàn kết qua bao tử. Nếu đảng không có tiền để trợ cấp một chút cho thương phế binh VNCH mà vẫn có tiền nuôi tham nhũng thì mọi lời kêu gọi đoàn kết chỉ là để kiếm USD của VNCH ở hải ngoại mà thôi.
Một khi đã có quyết tâm giảm tham nhũng để có tiền cho thương phế binh VNCH mà vẫn không đủ thì đảng CSVN có thể “ăn vạ” Mỹ để vận động Mỹ cùng làm điều này. Tôi nhớ rằng khi Mỹ quyết định ký kết hiệp định Paris 1973, Mỹ đã không có một cuộc khảo sát thật sự nghiêm túc với người dân Miền Nam Việt Nam là VNCH có cần Mỹ giúp đỡ nữa hay không.
Với sự khôn ngoan về chính trị của Mỹ, tôi cho là Mỹ thấy trước số phận của quân cán chính VNCH khi Mỹ không viện trợ cho Miền Nam nữa trong khi Trung Quốc vẫn viện trợ cho Miền Bắc, nhưng Mỹ đã bỏ qua điều đó. Nếu căn cứ vào các lý luận dân chủ của Mỹ thì điều này Mỹ cũng có sai. Họ đã phạm vào nguyên tắc cơ bản “thấy trước một sai lầm mà không góp phần ngăn chặn thì cũng là gián tiếp tiếp tay”. Nếu Mỹ không thấy trước thì còn ai thấy trước ?
Tuy “thống nhất” đã thay cho “giải phóng” nhưng tôi nghĩa hiện nay ta vẫn cần “giải phóng”. Đó là giải phóng khái niệm “độc lập dân tộc” ra khỏi cái đuôi “gắn liền với CNXH”.
Độc lập dân tộc là bất biến, còn chủ nghĩa thì có thể thay đổi theo thời gian và theo tư duy của người lan truyền chủ nghĩa. Ví dụ dễ thấy nhất là CNXH của Mác là khác, của Lê Nin lại khác, của Mao lại càng khác, rồi của đảng CSVN là khác nữa. Như vậy có thể thấy CNXH là cái có thể biến đổi. Đem gắn cái bất biến vào cái có thể biến là tự bản thân đã mâu thuẫn về lý luận. Thành ra cứ phải lo là “đừng thấy đỏ là chín”, rồi “trăm năm nữa liệu có XHCN hay không”...
Đây là thời điểm Việt Nam cần bắt đầu “giải phóng độc lập dân tộc ra khỏi CNXH” để tiến tới thống nhất dần dần một hệ tư tưởng quốc gia. Độc lập dân tộc phải là mục tiêu tách rời khỏi chủ nghĩa của bất kỳ chế độ nào từng tồn tại trong lịch sử quốc gia.
H.M
Không có nhận xét nào