Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TÌM ĐÂU RA NGƯỜI KHÔNG THAM VỌNG QUYỀN LỰC?

TÌM ĐÂU RA NGƯỜI KHÔNG THAM VỌNG QUYỀN LỰC?  Phát biểu Khai mạc Hội nghị 12 (11/5/2020) về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Tổng bí ...

TÌM ĐÂU RA NGƯỜI KHÔNG THAM VỌNG QUYỀN LỰC? 

Phát biểu Khai mạc Hội nghị 12 (11/5/2020) về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần thể hiện mong muốn “Không chọn người tham vọng quyền lực vào Trung ương”(Tổng Bí thư: Không chọn người tham vọng quyền lực vào BCH Trung ương;  https://laodong.vn/thoi-su/tong-bi-thu-khong-chon-nguoi-tham-vong-quyen-luc-vao-bch-trung-uong-804489.ldo).

Câu hỏi là: Tìm đâu ra người không tham vọng quyền lực?

I. KHÔNG PHẢI 3 ĐẦU 6 TAY 

Việc ông Nguyễn Văn Thắng (Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) được ông Đặng Huy Hậu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long hôm 18/5/2020 là chứng cứ sống động rằng không thể tìm ra người ‘không có tham vọng quyền lực’ theo thể thức lựa chọn nhân sự hiện hành (https://tuoitre.vn/chu-tich-tinh-kiem-hieu-truong-dai-hoc-tinh-noi-dung-quy-dinh-chuyen-gia-buon-cuoi-20200520215713817.htm).

Quảng Ninh là một tỉnh giữ vị trí chiến lược quan trọng, có diện tích 6 178,2 km2 với dân số hơn 1 triệu 320 ngàn người. Dẫu làm việc 24/24 giờ vẫn không đủ để hoàn thành trách nhiệm của chức Chủ tịch tỉnh Quảng ninh. Dẫu làm việc 24/24 giờ cũng không hết việc của chức Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Vậy lấy thời gian đâu để ông Nguyễn Văn Thắng cùng lúc đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và chức Hiệu trưởng Đại học Hạ Long?

Chức vụ Hiệu trường trường Đại học đòi hỏi một người giỏi làm việc toàn thời gian. Nếu chỉ đứng tên - đẩy việc cho Hiệu phó đảm nhiệm thì đứng tên làm gì? Những việc làm “bù nhìn” không bao giờ được chấp nhận bởi một người nghiên cứu khoa học đích thực. Những việc làm “bù nhìn”  xa lạ với tư cách nhà giáo.

Sòng phẳng, thì ông Nguyễn Văn Thắng không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Đại học kể cả 2 phương diện - tự do bàu cử lẫn chiếu theo tiêu chí bổ nhiệm. Nhắc lại trường hợp GS Trương Nguyện Thành không được bổ nhiệm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - đối chiếu với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng ĐH Hạ Long để thấy sự phi lý của các quy định trong quản lý giáo dục ở Việt Nam. Ngoài sự phi lý ra, ở Việt Nam, luật giáo dục được áp dụng cho ông GS Trương Nguyện Thành mà lại không được áp dụng cho ông Chủ tịch tỉnh - Ủy viên dự khuyết trung ương Nguyễn Văn Thắng.

Điều biết trước, là ông Nguyễn VănThắng sẽ không thể nào làm tốt công tác của Hiệu trưởng Đại học Hạ Long vì ông không có thời gian (chưa nói về chuyên môn). Do vậy, nên một cách sòng phẳng, thì rồi trước sau ông cũng sẽ bị Hội đồng trường miễn nhiệm nếu Hội đồng trường không sợ nể chức vụ Chủ tịch tỉnh của ông. Còn nếu ông Nguyễn Văn Thắng dành trọn tâm lực cho Đại học Hạ Long thì ông sẽ phải thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

II. KHOÁC CHỨC LÊN NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI KHOÁC CHỨC LÊN CHỨC 

1. Ở Việt Nam tồn tại những điều làm ngược. Thay vì tìm đúng người để để bổ nhiệm - tức là  KHOÁC CHỨC LÊN NGƯỜI thì ở Việt Nam hiện nay đang làm là KHOÁC CHỨC LÊN CHỨC.

2. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ cần tìm một người đủ tài năng đức độ đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng ĐH Hạ Long và cử họ làm đại diện cho chính quyền Quảng Ninh ở ĐH Hạ Long. Thế là bài toán được giải quyết. Chính quyền là của nhân dân. Sao người dân không thể đại diện cho chính quyền? Ông Nguyễn Văn Thắng cũng từ đâu mà chạy đến Hạ Long để đại diện cho chính quyền Quảng Ninh thì người khác cũng có thể tin tưởng được như ông Nguyễn Văn Thắng mà đại diện cho chính quyền Quảng Ninh ở ĐH hạ Long.

3. Mở rộng ra, các Bộ trưởng không cần phải là Ủy viên trung ương. Tìm được Bộ trưởng giỏi là quan trọng nhất. Còn nếu thấy cần - thì khoác cho Bộ trưởng cái danh Ủy viên trung ương – nghĩa là KHOÁC CHỨC LÊN NGƯỜI. Còn lấy Ủy viên trung ương làm Bộ trưởng là KHOÁC CHỨC LÊN CHỨC. Thời cụ Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều Bộ trưởng không phải là Ủy viên trung ương, cũng không phải là đảng viên.

III. KHÔNG TÌM ĐƯỢC NGƯỜI KHÔNG THAM VỌNG QUYỀN LỰC TRONG CHỐN QUYỀN LỰC 

1. Muốn giỏi điều gì thì phải đam mê dâng hiến cho điều đó. Muốn nhiều tiền thì phải có máu tham tiền. Muốn lên cao trên con đường quyền lực thì phải có máu tham quyền lực. Người không tham vọng quyền lực thì sẽ không ở trong chốn quyền lực. Người không tranh dành với đời thì đi tu ở ẩn.

2. Vì thế, chọn người không tham vọng quyền lực để trao quyền lực là mâu thuẫn với tính biện chứng. Vì thế, không tìm được người không tham quyền lực trong chốn quyền lực.

3. Quyền lực không thể kiểm soát bằng con đường tự phê bình và phê bình. Quyền lực không thể kiểm soát bằng tự giác cá nhân. Quyền lực phải kiểm soát bằng pháp luật. 

4. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng chỉ là “con muỗi” so với nhiều trường hợp khác. Muốn chứng minh - thì đơn giản chỉ cần đặt câu hỏi: “Có ai trong số các Ủy viên trung ương mà không kiêm nhiệm”? 

Ngôi vị càng cao thì kiêm nhiệm càng nhiều. Kiêm nhiệm đã trở thành căn bệnh kinh niên. Bệnh kiêm nhiệm là một hình thái biểu hiện của bệnh tham quyền lực.

5. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng cho thấy sự không giới hạn của lòng tham quyền lực. Tới được Ủy viên trung ương là cả chặng dài chạy đua trên con đường quyền lực. Đã đi trên con đường quyền lực thì không thể “không tơ tưởng” đến quyền lực.  

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng thêm một lần minh chứng rằng: Không thể tìm được người không tham quyền lực trong chốn quyền lực. Cho nên, cần phải nghĩ lại cách lựa chọn Ủy viên trung ương.

Nguyễn Ngọc Chu






Không có nhận xét nào