Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LÀM SAO ĐỂ HẾT OAN SAI?

LÀM SAO ĐỂ HẾT OAN SAI? Tôi vừa đọc được đâu đó một ý kiến cho rằng muốn giảm oan sai thì nên cho hội đồng xét xử chịu 1/2 án của bị cáo. Đâ...

LÀM SAO ĐỂ HẾT OAN SAI?

Tôi vừa đọc được đâu đó một ý kiến cho rằng muốn giảm oan sai thì nên cho hội đồng xét xử chịu 1/2 án của bị cáo. Đây là một ý kiến hết sức ...ngây thơ. 

Có vẻ, người viết không hề phân định được đâu là nguyên nhân gây ra oan sai và dường như, tác giả nhắm đến lỗi cá nhân hơn là lỗi hệ thống. Một khi sáng kiến này được thực thi, đảm bảo oan sai sẽ tăng lại càng tăng, vì như đã biết, các quan chức Việt Nam không bao giờ nhận lỗi bởi lo sợ sẽ ảnh hưởng lớn đến con đường quan lộ của họ vốn nhiều kẻ thèm thuồng. Nên lỡ kết án sai, họ sẽ cho nó thành thật luôn (như trường hợp anh Lương Hữu Phước, anh tài xế Lê Ngọc Hoàng).

Thế nên, việc cấp thiết là phải vạch rõ nguyên nhân gây ra oan sai trong xét xử để ngăn chặn hơn là đặt ra hình thức nghiêm trị khi hậu quả xảy ra như tác giả của ý kiến trên đề cập. Như đã biết, tại Việt Nam, 99% án đều tại hồ sơ chứ không phải tại Tòa. Điều này có nghĩa, công an gần như đóng vai trò phán quyết tội danh của bị cáo; khi ra Tòa, chỉ áp dụng theo khung án đã định sẵn theo cáo trạng của phía CA. Như vậy, CA chính là thủ phạm đầu tiên gây ra oan sai (nếu có). Nguyên nhân thứ hai là Tòa án không được độc lập khi xét xử, cán bộ Tòa không chuyên tâm ngồi ghế xử án mà còn ngó nghiêng qua các ghế lãnh đạo Hành pháp (đồng chí Nguyễn Hòa Bình là một ví dụ) nên như đã đề cập bên trên - xử án với họ là thành tích chứ không phải nhiệm vụ. Nguyên nhân thứ ba là mối quan hệ giữa các đồng chí lập án và kết án. Có những vụ án thật sự không phải do hung thủ là tai to mặt lớn hoặc gia thế giàu có đút lót, mà chỉ vì CA lỡ sai nên Tòa xử sai theo vì.. nể tình đồng chí (có thể tham khảo vụ án công an quăng ma túy vào nhà dân ở Bình Dương ngày 27/7/2013 làm minh chứng).

Cả 3 nguyên nhân trên đều đến từ lỗi hệ thống khi luật pháp không có bất kỳ một quy định nào bảo vệ người bị tình nghi trong quá trình điều tra. Và, một phần trách nhiệm trong quá trình xảy ra oan sai lại đến từ thái độ vô cảm của người dân. Chỉ cần một vài bài báo, một tin tức trên đài có hơi hướm định hướng người này, người kia phạm một tội nào đó thì y như rằng tâm lý dân chúng sẽ phán luôn: "cho chừa! Thứ đó chết cũng đáng". Người dân ở các nước phát triển họ đấu tranh đòi quyền lợi công bằng cho các bị cáo trong quá trình điều tra và xét xử (cho dù đó là tên tội phạm thật) vì họ nhận ra rằng một mai nếu các yếu tố kết tội không đủ thuyết phục mà vẫn cấu thành tội thì rất có khả năng mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo ngay cả khi bản thân không có tội nhưng vô tình có mặt, có liên quan trong một vụ án nào đấy. Người Việt thì khác, trước khi Tòa chứng minh bị cáo có tội, đã có báo chí và tivi và sau này xuất hiện cả một đội ngũ dư luận viên kết án trước để hợp thức hóa bản án của Tòa.

Muốn giảm oan sai, phải trị từ gốc. Thứ nhất: Tư pháp phải riêng biệt, minh bạch, chỉ xử dựa vào chứng cứ, luật phù hợp với Hiến pháp, thẩm phán được bổ nhiệm phải do Hội đồng Tư pháp gồm các luật sư có chuyên môn, tách biệt hẳn với đảng phái. (Điều này ở nước ta là không thể, vì như thế thì đảng viên ở tù hết, không còn ai làm việc😑)

Thứ hai: Báo chí, truyền thông phải tường thuật sự việc trung thực, khách quan, không trích dẫn quá khứ của người khác để định hướng dư luận hướng việc người đó có tội ở thời điểm hiện tại (điều này cũng cực kì khó vì truyền thông Việt phải đưa tin tức theo ý kiến của Đảng. Đảng nói đúng là đúng, sai là sai, cấm cãi).

Đảng sợ mất quyền lực nên nắm quyền kiểm soát tất tần tật từ quyền chỉ đạo, xét xử, đưa tin nên không thể tránh khỏi việc các cán bộ cậy quyền bao che cho nhau một khi lợi ích của họ xung đột với lợi ích của người dân. Như vậy, ít nhất người dân phải có quyền bảo vệ mình khi bị buộc tội. Đó là quyền im lặng, quyền có luật sư trong các buổi hỏi cung, và nên chăng, là quyền được bảo lãnh tại ngoại (cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra án liên quan). Chỉ có như vậy mới tránh khỏi việc bị ép cung, nhục hình trong đồn CA khi bị tạm giam trong thời gian quá lâu.

Việc lên tiếng giúp một người thoát khỏi hàm oan là việc tốt, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì cũng chỉ cứu được một người, không thể đảm bảo các oan sai sau này sẽ không xuất hiện. Chỉ có dám chỉ ra những điều luật, chính sách sai lầm từ cơ quan Nhà nước, bắt buộc nó phải thay đổi mới có thể cứu lấy nhiều người, thậm chí là cả dân tộc. Bằng không, sợi dây kinh nghiệm của họ chính là sợi dây để..thắt cổ các bạn!


Nhật Quỳnh




Không có nhận xét nào