VÌ SAO NGƯỜI VIỆT THIÊN TẢ? Nhân vụ George Floyd mình nhận thấy đa số người Việt (chém FB mà mình đọc được) là thiên tả, kể cả anh em ...
VÌ SAO NGƯỜI VIỆT THIÊN TẢ?
Nhân vụ George Floyd mình nhận thấy đa số người Việt (chém FB mà mình đọc được) là thiên tả, kể cả anh em (đang đấu tranh) DC. Định nghĩa sơ bộ về tả và hữu xem link đính kèm. Stt này không nhằm phân tích xem tả hay hữu là tốt hay xấu, nhưng lạm dụng 1 bên sẽ không tốt. Mình cho là không có bên nào tuyệt đối xấu hay tuyệt đối tốt, mà 2 cánh như âm và dương, cùng song song tồn tại như 2 mặt đối lập để điều chỉnh lẫn nhau để cùng phát triển.
Chính vì thế nên chính trị nước nào có ít nhất 2 đảng đại diện cho tả và hữu cùng tồn tại thì nước đó dễ phát triển, do luôn có sự đấu tranh giữa 2 mặt đối lập. Nước nào chỉ có độc tôn 1 cánh thì sẽ ít có sự đấu tranh, phản biện, do đó sẽ khó phát triển bền vững.
Tương tự vậy, dân nước nào mà tư tưởng quá thiên về 1 cánh thì cũng dễ bị chính trị cánh đó dắt mũi. Mà theo lẽ thường thì dân theo cánh tả thường đông hơn cánh hữu. Bởi vì tư tưởng cánh tả nó phục vụ số đông quần chúng, hướng tới sự bình đẳng, cào bằng, mà đa số dân, nhất là với các nước nghèo, là nằm trong nhóm đó. VN là 1 ví dụ. Mình sẽ phân tích cụ thể hơn ở bên dưới.
Bắt nguồn từ truyền thống văn hóa, người VN ai cũng thuộc nằm lòng mấy câu: "Lá lành đùm lá rách". "Thương người như thể thương thân"... Thế nên ai ai cũng dạy con cái là phải hào phóng cho tiền người nghèo, giúp đỡ kẻ khó khăn, cho tiền người ăn xin...Người hay cho tiền kiểu đó được mặc định cho là người tốt và hành động đó là hành động tốt.
Từ quan niệm đó nên bây giờ động tý thì người dân lại nhao nhao rủ nhau đi GIẢI CỨU. Hết giải cứu dưa hấu, đến thanh long, vải...vừa rồi dân nghèo còn giải cứu cả chính phủ để chống dịch Covid!
Đó chính là tư duy cánh tả.
Không phải lúc nào hào phóng thế cũng là tốt, cho tiền cũng phải đúng chỗ, đúng người, đúng lúc. Cho tiền bừa bãi là làm hại xã hội, tạo nên 1 lũ người ăn bám, phát sinh nghề ăn xin chuyên nghiệp, rồi hộ nghèo bền vững. Mình không có số liệu chính thức nhưng dự đoán theo trải nghiệm bản thân là phải 90% những người ăn xin là chuyên nghiệp. Thậm chí họ còn giả làm sư đi khất thực, để đánh vào việc mộ đạo, thương người của chúng ta.
Việc giải cứu cũng vậy, cơ bản đó là việc làm phi thị trường. Nếu nông dân rơi vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh thì giải cứu đã đành, nhưng hầu hết là do họ không có kế hoạch sản xuất và kênh tiêu thụ hợp lý. Cứ để cho doanh nghiệp chết mới là bài học tốt cho họ, để đào thải tự nhiên, sẽ tốt cho sự phát triển.
Người này giúp người kia 1 cách vô ý thức là 1 phần của tư tưởng cánh tả, xét về đạo đức thì có thể là hay, nhưng xét về sự phát triển thì nhiều khi là có hại.
Trong văn học, thơ ca, truyện cổ tích VN hay đề cao việc lấy của người giàu chia cho người nghèo, coi ăn cướp của người giàu thì không phải là ăn cướp. Anh em Tây Sơn được sử gia CS ca ngợi kiểu như vậy, trước khi họ thành công.
Thời phong kiến, theo truyền thống Nho giáo người ta chia vai vế các hạng người trong xã hội là: Sĩ, nông, công, thương. Nên người dân vẫn có tâm lý coi trọng kẻ sĩ và coi thường thương gia. Bây giờ cũng thay đổi nhiều rồi nhưng trong sâu thẳm mỗi người dân thì người ta vẫn coi việc lấy của người giàu để cho người nghèo là thế thiên hành đạo, chống bất công, chống áp bức, bóc lột.
Khi CS lãnh đạo dân cướp chính quyền, giương ngọn cờ cướp của nhà giàu chia cho người nghèo, thế là dân (đa số là nghèo và nông dân) đã nhao nhao ủng hộ. Vì cách làm đó hợp với cách suy nghĩ của họ.
Đó chính là tư tưởng CS, cực tả, mà người dân bị nhiễm vào tiềm thức, dù họ chả biết CS hay cánh tả là gì.
Nhưng bây giờ chúng ta đều thấy, việc cướp của nhà giàu, chia cho người nghèo, tiêu diệt giai cấp thống trị, chỉ là hình thức dân túy để mua chuộc nhân tâm. Việc giải cứu nông sản chính là 1 hệ quả lâu dài của CCRĐ và chia ruộng kiểu cào bằng sau khi HTX tan rã, khiến ruộng đồng manh mún, người nông dân nào cũng phải làm chủ, không có sản xuất lớn, không có tư duy chiến lược, không có mối quan hệ để bao tiêu sản phẩm, do đã tiêu diệt địa chủ, chính là những người có khả năng quản lý trong sản xuất nông nghiệp.
Trong lịch sử của CNTB, cánh hữu nguyên thủy chính là giai cấp thống trị, khởi nguồn thời phong kiến là các quý tộc, quan lại, địa chủ, thương gia. Cánh hữu thời hiện đại đã thay đổi rất nhiều nhưng vẫn dựa trên nền tảng đề cao sự phát triển kinh tế. Mục tiêu của những người cánh hữu là làm gia tăng lợi nhuận cho cá nhân và tổ chức của họ và từ đó là làm giàu cho xã hội (tham khảo thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith). Cánh hữu chính là nền tảng của CNTB. Ban đầu, dưới chế độ tư bản hoang dã, giới chủ chỉ quan tâm đến lợi nhuận cho họ là chính. Nhưng sau này, dưới sức ép của giai cấp bị trị (công nông) và cùng sự lãnh đạo của phe cánh tả/CS, thì chế độ tư bản ngày càng nhân văn hơn. Họ nhận thức được rằng mối quan hệ win - win giữa giới chủ và người lao động mới là cách kiếm tiền bền vững. Vì thế mà cánh hữu mới tồn tại bền vững đến ngày nay, đặc biệt là ở những nước có tự do kinh tế.
Thời Pháp thuộc, chính là thời điểm phôi thai cho cánh hữu VN, nhất là tại Nam Kỳ, thuộc địa Pháp, 1 nước TBCN. Nhưng không may cho xứ Đông Dương, nước Pháp lại là nơi khai sinh ra tư tưởng cánh tả! Khái niệm tả, hữu được sinh ra từ 2 phe ngồi ở 2 phía ở quốc hội Pháp. Mà trí thức VN lại bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của mẫu quốc rất nhiều, do họ được người Pháp đào tạo.
Cho đến nay, Pháp vẫn là nước tả nhất Tây Âu. Tuy đảng CS Pháp chưa từng được nắm quyền nhưng phe tả (liên minh bao gồm cả CS) đã từng nắm quyền ở Pháp sau thế chiến. Đến bây giờ, các trí thức học ở Pháp chắc chắn sẽ có tư duy thiên tả ít nhiều do môi trường học tập và sinh hoạt.
Xin lưu ý là ông Nguyễn Ái Quốc từng là thành viên đảng Xã hội Pháp (cánh tả), sau này (được cho là?) người đồng sáng lập đảng CS Pháp. Trong 1 stt khác viết về quá trình nhập khẩu tư tưởng CS vào VN, mình đã viết là có 1 nhánh CS ở VN được nhập khẩu thẳng từ Pháp, khác nhánh thân LX, TQ của ông Hồ. Đó là nhóm đệ tứ (Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu...) và đệ tam (Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai...). Họ chính là 19 SV VN bị Pháp trục xuất do hoạt động CS chống chính quyền ở Pháp. Đó là những người đem tư tưởng cánh tả và CS về Nam Kỳ. Những thanh niên đó éo le thay, lại hầu hết là con nhà địa chủ tới đại điền chủ! May là CS Pháp không cực đoan như CS LX và TQ.
Nhóm lãnh đạo Khmer đỏ là Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan cũng là những trí thức theo CS Pháp về Campuchia. Nên cũng có thể nói Pháp cũng là 1 cái nôi đào tạo CS và cánh tả cho Đông Dương.
Về chính quyền, ở cả nước, nền tảng cánh hữu mới nảy mầm được trong 4 tháng, là CP Trần Trọng Kim, thậm chí nó chưa rõ màu sắc gì rõ rệt, nhưng có vẻ nó được copy từ mô hình chính quyền tại Nhật, nên mình tạm cho là mầm mống của cánh hữu. Sau đó có thêm khoảng 5 năm của chính quyền QGVN, nhưng vì chính quyền này còn phụ thuộc nhiều vào Pháp nên chưa có màu sắc tư tưởng tả hữu rõ rệt, chỉ là chống CS thôi.
Ở miền Nam thì giai đoạn cánh hữu nắm quyền cũng khá ngắn ngủi, trong vòng 20 năm, của VNCH. Trong giai đoạn đó, đệ nhất CH mới đang xây dựng nền tảng cánh hữu thực thụ. Còn đệ nhị CH đã có màu sắc thiên tả, do nhận quá nhiều viện trợ, CP được quyền phân phối lại tiền viện trợ cho người dân. Nhìn cách ông Diệm và ông Thiệu cải cách ruộng đất cũng có thể thấy màu sắc thiên hữu (muốn duy trì địa chủ và tá điền) của ông Diệm và màu sắc thiên tả của ông Thiệu khi muốn giảm thiểu địa chủ (cho sở hữu ít đất hơn).
Nhưng với cả QGVN và VNCH thì vì chiến tranh liên miên nên chính quyền cũng chả có điều kiện để tẩy não dân, xây dựng 1 hệ tư tưởng cánh hữu cho 1 bộ phận dân chúng. Vì vậy, ngay cả ở VNCH, thì dân chúng, đặc biệt là trí thức, thiên tả rất nhiều. Đa số họ chính là thành phần thứ 3, thân CS và chống chính quyền. Học giả Nguyễn Hiến Lê là 1 điển hình của trí thức thiên tả, không CS. Không có 1 chính đảng cánh hữu nào tồn tại để định hướng tư tưởng cho người dân. Không có 1 chính trị gia cánh hữu nào nổi bật.
Tóm lại, về mặt lịch sử, VN coi như không có nền tảng tư tưởng cánh hữu đáng kể. VN chỉ có 1 thành phần chống cộng, chứ chưa hề được giáo dục 1 cách bài bản về tư tưởng cánh hữu. Chính vì thế, tư tưởng cách hữu là rất xa lạ với đa số người Việt.
Theo quan sát của mình, thì ngay cả anh em đang được coi là đấu tranh DC cũng ít người có kiến thức đầy đủ về khoa học chính trị, về nền tảng tư tưởng mà họ hướng tới. Nên vô tình họ đi theo đám đông, tức là thiên tả, thoát cộng đã là tốt lắm rồi! Mình có cảm giác là anh em hành xử theo cảm tính, theo cách mà anh em mơ tưởng về 1 xã hội dân chủ, với bình đẳng, bác ái, điều đó lại gần với tư tưởng cánh tả. Trong khi thực tế thì các nền dân chủ phương Tây vẫn đang tồn tại song hành 2 hệ tư tưởng, đâu phải dân chủ nghĩa là phải thiên tả.
Ngay cả 1 số anh em VN đang cuồng Trump, họ yêu quý ông ấy chỉ đơn giản vì ông ấy chống Tàu (hộ VN!), chứ cũng không phải do anh em đó hiểu về cánh hữu và có tư tưởng cánh hữu. Kiểu này cũng giống hệt bần nông ngày xưa đi theo ông Hồ để được cướp kho thóc, được cướp ruộng của địa chủ mà không bị mang tội, chứ không phải vì bần nông yêu thích chế độ CS, thực tế họ biết quái gì đâu! Bây giờ họ đi theo ông Trump để Trump giải phóng VN khỏi TQ và CNCS!
Rất đáng buồn là thời gian qua, anh em DC người Việt bị chia rẽ quá nhiều vì Trump và Obama. Điều đó là không đáng có, nhất là khi họ mạt sát nhau vì không đồng quan điểm. Mình nhất quyết không tham dự vào những vụ cãi nhau mà mình cho là vô bổ đó. Người VN không thể làm thay đổi TT Mỹ, nên với TT Mỹ nào đương nhiệm thì anh em DC cũng nên lợi dụng quan điểm của người đó sao cho có lợi nhất cho phong trào DC VN.
https://www.lagi.cc/t/canh-ta-la-gi-canh-huu-la-gi-chung-khac-nhau-ra-sao/577d55bc41.html
Dương Quốc Chính
Không có nhận xét nào