CHỈ ĐẠO CAN THIỆP KẾT TỘI Trong bản án sơ thẩm của toà án huyện Sóc Sơn, trong vụ án xét xử Đặng Thị Huệ và Bùi Mạnh Tiến chống BOT Bắ...
CHỈ ĐẠO CAN THIỆP KẾT TỘI
Trong bản án sơ thẩm của toà án huyện Sóc Sơn, trong vụ án xét xử Đặng Thị Huệ và Bùi Mạnh Tiến chống BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, phần nhận định của toà án, hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định rằng các hành vi và hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra và kiểm sát viên là đúng luật vì không bị khiếu nại.
Trong khi đó, tại phiên toà, tôi đã đưa ra quan điểm đánh giá về vấn đề can thiệp chỉ đạo án từ giai đoạn điều tra bởi Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án và là viện phó VKS, và của chính Chánh án toà án nhân dân huyện Sóc Sơn. Đây là một hành động xâm phạm vào hoạt động tố tụng hình sự (hoạt động tư pháp) nghiêm trọng.
Các luật sư chúng tôi đã có văn bản kiến nghị, thay vì tố cáo, gửi tới Uỷ ban Tư pháp quốc hội, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam để đề nghị họ phải đưa ra biện pháp xử lý với những hành vi của những người nêu trên. Nhưng không một cơ quan hay đơn vị nào trả lời hoặc có phản hồi hay động thái thực sự nào để giải quyết vấn đề này.
Nếu không giải quyết tình trạng can thiệp chỉ đạo án bằng họp liên ngành nội chính thì mọi nguyên tắc của Hiến pháp về quyền công dân, quyền được xét xử công bằng và quyền được hưởng nguyên tắc suy đoán vô tội và sự độc lập của toà án đều bị phá huỷ hoàn toàn và không có giá trị gì trên thực tế. Mà điều này lại bị xâm phạm bởi chính những người đáng ra phải tuân thủ cao nhất các nguyên tắc căn bản ấy.
Thật khó có thể đòi hỏi một xã hội pháp trị có thể tồn tại trong một bối cảnh dị ngược như thế.
Lê Luân
Không có nhận xét nào