Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á? Đó là ước vọng của ông Vương Đình Huệ [1]. Đã là ước vọng thì nói sao cũn...
Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á?
Đó là ước vọng của ông Vương Đình Huệ [1]. Đã là ước vọng thì nói sao cũng được, nhưng có phải là ước vọng quá trán không? Những con số về công bố khoa học có lẽ giúp chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn và khiêm tốn hơn.
Công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt là một chỉ số tương đối khách quan phản ảnh tình hình hoạt động khoa học của một quốc gia. Có nhiều nguồn để thẩm định con số này. Nguồn uy tín nhứt là Clarivate, nhưng cách lấy số liệu hơi khó khăn. Nguồn thứ hai kém hơn chút là danh mục Scopus có nhiều tập san hơn, nhưng cũng bao gồm 'vàng thau' trong đó. Dùng con số của Scopus thì chúng ta sẽ thấy Việt Nam tuy có tăng tưởng về công bố khoa học trong thời gian 2010 – 2019 [2], nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong vùng về lượng lẫn phẩm chất.
Lượng
Năm 2019, Việt Nam công bố được 12475 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Scopus. Con số này tăng gấp 5.7 lần so với năm 2010, và đó là một tín hiệu rất tích cực. Nhưng chúng ta phải nhìn sang các nước khác nữa để biết mình đang ở đâu.
Trong năm 2019, Mã Lai công bố 36037 bài báo khoa học, cao hơn Việt Nam gấp 2.9 lần. Singapore công bố 23079 bài, Thái Lan thì 19628 bài. Tất cả đều hơn Việt Nam. Thật ra, Việt Nam chỉ hơn Phi Luật Tân (5201 bài).
Đặc biệt là Nam Dương chỉ trong năm 2019 công bố 44576 bài, tăng gấp 15 lần so với con số năm 2010! Nam Dương ngày nay đã vượt qua cả Singapore và Mã Lai về số bài báo khoa học. Là người hay theo dõi tình hình, tôi thấy rất ngạc nhiên về trường hợp của Nam Dương, và hi vọng trong tương lai sẽ có thời giờ xem kĩ hơn.
Phẩm chất
Tuy nhiên, đó chỉ là phần lượng, còn phần chất quan trọng hơn, nhứt là muốn trở thành 'hàng đầu'. Phẩm chất khoa học có thể 'đo' qua chỉ số trích dẫn, tuy không chính xác nhưng cũng được. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng tự trích dẫn (self-citation) để nâng cao con số cho mình, nên điều này cũng cần phải xem xét đến.
Năm 2019 các công trình nghiên cứu từ Việt Nam được trích dẫn 12150 lần, nhưng vấn đề là gần 40% con số đó là nhờ tự trích dẫn. Con số trích dẫn độc lập thấp hơn nhiều. Thật ra, tỉ lệ tự trích dẫn của Việt Nam chỉ kém hơn Nam Dương (56%). Còn các nước 'đàng hoàng' khác như Singapore và Thái Lan thì tỉ lệ tự trích dẫn dao động từ 10-23%.
Tóm lại, những dữ liệu về hoạt động khoa học trên cho thấy vị thế của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn trong vùng. Khiêm tốn cả về lượng lẫn chất. Tỉ lệ tự trích dẫn quá cao là điều đáng quan tâm, vì tình hình giống như đi theo vết xe đổ của Tàu (tự mình khen mình). Trong 10 năm qua Việt Nam đã đạt được một sự tăng trưởng về công bố khoa học cao, nhưng đó là vì Việt Nam xuất phát từ cái 'base' thấp hơn các nước như Thái Lan, Mã Lai và Singapore. Việt Nam tăng thì các nước khác cũng tăng, chớ họ đâu đứng một chỗ. Có lẽ Việt Nam chỉ hơn Phi Luật Tân thôi.
Đó là tình hình cả nước, còn chỉ riêng Hà Nội thì chẳng nhằm nhò gì so với Singapore và các thành phố như Kuala Lumpur. Những con số về số đại học và viện nghiên cứu mà ông Huệ đề cập chẳng có ý nghĩa gì. Thật ra, các đại học Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới, trong khi Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và Singapore đều có đại học hàng đầu ở Á châu. Nghiên cứu cơ bản về y sinh thì Việt Nam chẳng nhằm nhò gì so với Singapore. Do vậy, ước vọng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học số 1 của Đông Nam Á có lẽ chỉ là ước vọng thôi. Hiện nay, Việt Nam thậm chí còn không nằm trong radar quan sát của giới khoa học trong vùng. Thay vì tuyên bố quá cao, cách tốt nhứt là tập trung làm cho tốt và có thực chất cái đã.
Nguyễn Tuấn
______
[1] https://vnexpress.net/ha-noi-se-tro-thanh-trung-tam-khoa-hoc-hang-dau-dong-nam-a-4130398.html
[2] https://www.scimagojr.com/countryrank.php?region=Asiatic%20Region&year=2010
Không có nhận xét nào