Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

PHÂN TÂM HỌC: BỆNH NGỘ NHẬN CỦA QUYỀN LỰC

PHÂN TÂM HỌC: BỆNH NGỘ NHẬN CỦA QUYỀN LỰC Báo Vnexpress đăng rõ ràng thông tin: "Bé Diệu Nhi mỉm cười, nhấc tay sau ca mổ tách". L...

PHÂN TÂM HỌC: BỆNH NGỘ NHẬN CỦA QUYỀN LỰC

Báo Vnexpress đăng rõ ràng thông tin: "Bé Diệu Nhi mỉm cười, nhấc tay sau ca mổ tách". Lý do: "Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đưa đồ chơi và nói chuyện cùng em". Không có chỗ nào nói mỉm cười và chào lãnh đạo. Vậy mà nhiều trang mạng tuyên truyền rằng: Thật diệu kỳ khi bé Diệu Nhị vừa mổ xong đã biết mỉm cười, giơ tay chào Phó Chủ tịch nước khi bà đến thăm! Ngộ nhận hết cỡ!

Tôi cũng không thích bọn thù địch, phản động khi dựa vào đó làm cuộc phản tuyên truyền rằng, bé Diệu Nhi bé xíu, chưa có ngôn ngữ mà đã biết... nịnh hót. Tội nghiệp em bé! Cười cầu tài và giơ tay chào nịnh lãnh đạo chỉ có ở người nhớn.

Freud do chỉ chú ý triệu chứng Oedipus ở nạn nhân là trẻ em mà chưa diễn giải triệu chứng ngộ nhận ở quyền lực. Khi quyền lực áp đặt cấm kỵ lên nạn nhân, ắt quyền lực cũng rơi vào triệu chứng tâm lý. Đó là triệu chứng ngộ nhận, rằng cấm kỵ của mình có hiệu lực và tất cả đang yêu quyền lực, sẵn sàng làm nô lệ, phục tùng quyền lực. Phân tâm học mới của Lacan và Foucault đưa ra cái hình ảnh mà em bé nằm giữa bố và mẹ, nó vung tay về phía bố, bề ngoài rất dễ ngộ nhận, rằng em bé nằm giữa tình yêu thương của bố mẹ, bàn tay nhỏ nhắn, xinh xẻo của nó đang vẫy chào bố nó một cách thân thiện. Sự thực, một cách vô thức, nó đang muốn nói: "Tôi muốn đấm vào mặt ông ấy!", hay "Tôi muốn giết ông ấy!" Đó là dấu hiệu của sự phản kháng đầu tiên đối với quyền lực. Bởi vì, sau thời gian dỗ dành, các cấm kỵ của người bố bắt đầu có hiệu lực: cấm miệng bú bên này tay giữ bên kia, nằm hẳn trên mình mẹ để ngủ, bắt bé cai sữa hay ngủ sớm, tách bé ra khỏi mẹ... Thực chất là cuộc tranh chấp dục tính của bố và con qua thân xác của người mẹ. Cấm kỵ càng khắt khe càng nuôi mầm phản kháng.

Quyền lực hiện diện bằng các cấm kỵ với những lời ngọt ngào của thứ đạo đức đầy tình yêu thương, nhưng ẩn giấu bên trong là tham vọng của dục tính với những tranh chấp quyết liệt. Kẻ mạnh đè lên kẻ yếu nhưng nhân danh đạo đức, và vì thế, "chân lý thuộc về kẻ mạnh" như một triệu chứng ngộ nhận của quyền lực. Quyền lực thường ngộ nhận mình ở bề trên được kẻ dưới yêu thương, được phục tùng vô điều kiện. Đó là dục tính của quyền lực, nó có sức mạnh đến mức kẻ nắm quyền lực rơi vào hoang tưởng mà không thấy sự thực của cái mầm phản kháng do chính mình nuôi trong vô thức của kẻ yếu. Tham vọng dục tính nên hiểu trong nghĩa rộng hơn là quan hệ xác thịt như Freud nghĩ.

Nhớ một lần, đồng nghiệp tôi vừa sinh con đầu lòng, nó khoe: "Anh ơi, con em ngộ lắm! Em làm việc khuya, mỗi lần đi ngủ, vừa vào nằm bên cạnh nó, nó đã mỉm cười và giơ tay chào em!" Tôi bật cười và vỗ vai nó: "Thằng bé nó muốn đấm vào mặt mày đó!" Vị đồng nghiệp đó thô lố con mắt vì không hiểu gì. Tôi gợi ý: "Lúc đó mày leo lên bụng vợ mày, mày sẽ thấy thằng bé khóc thét lên, đúng không?"

Chu Mộng Long
------------
Ghi chú: Hình ảnh 1: Báo Vnexpress, Hình 2, 3 lấy từ các sách Phân tâm học mới.







Không có nhận xét nào