THUỴ SĨ VÀ CÁC CUỘC CHIẾN TRANH Như lâu nay chúng ta đã phân tích là Mỹ-Trung sẽ có cuộc đối đầu tất yếu ở Trung Đông thì nay mùi khói...
THUỴ SĨ VÀ CÁC CUỘC CHIẾN TRANH
Như lâu nay chúng ta đã phân tích là Mỹ-Trung sẽ có cuộc đối đầu tất yếu ở Trung Đông thì nay mùi khói đã ngày càng đậm đặc hơn. Tôi đánh giá như vậy không phải chỉ nhìn vào sắc mặt của Mỹ, EU hay Trung Quốc mà nhìn vào một nơi ít ai chú ý khi phân tích nguy cơ chiến tranh vũ trang.
Nơi đó là Thuỵ Sĩ, đây là một quốc gia nhỏ bé và đặc biệt. Nước này ít phát triển quân sự hơn các nước khác tương đương họ ở Châu Âu. Vậy mà hôm nay Thuỵ Sĩ đã chính thức ban hành chính sách gia tăng sức mạnh quân sự.
Từ trước chiến tranh thế giới thứ nhất đến chiến tranh thế giới thứ hai thì Thuỵ Sĩ luôn được giữ vai trò trung lập vì là kho giữ tiền cho những thế lực phe phái có thể tham gia tác động mạnh đến bàn cờ thế giới. Bên cạnh vai trò kho giữ tiền thì nước này còn là nơi để các cơ quan tình báo các nước từ các phe đến gặp gỡ và đàm phán. Thế nên nơi đó phải được yên ổn.
Làm chính trị cấp cao là dù có đánh nhau ở đâu thì cũng phải chừa ra một nơi để ngồi nói chuyện với nhau. Còn ai thắng ai bại là một việc khác.
Thời thế chiến thứ 2 thì Mỹ là nước mạnh nhất thế giới nhưng Mỹ vẫn phải nể mặt Thuỵ Sĩ. Năm 1944, khi Mỹ ném bom nhầm vào Thuỵ Sĩ, tham mưu trưởng quân đội Thuỵ Sĩ đã phản ứng rất dữ dội. Đến mức giám đốc cơ quan tình báo Mỹ OSS (tiền thân của CIA) lúc đó phải làm báo cáo mật cảnh báo quân đội Mỹ về sự tức giận này.
Không chỉ Mỹ, “điên cuồng” như Hitle cho quân Đức chiếm cả Pháp, đánh Nga... nhưng không hề tấn công Thuỵ Sĩ dù Đức giáp biên giới với xứ này. Lenin cũng từng ở Thuỵ Sĩ từ 1914-1917 rồi quay về Nga thực hiện Cách Mạng Tháng 10. Nói vậy để thấy Thuỵ Sĩ là một cột mốc chỉ dấu quan trọng cho bàn cờ quốc tế.
Nói đến chuẩn bị chiến tranh là nói đến tiền bạc. Nên các quan chức Thuỵ Sĩ chỉ cần nhìn các con số tiền bạc luân chuyển nhảy múa thì họ sẽ biết bước chân của thần Ares sắp bước đến nơi nào. Một khi Thuỵ Sĩ tăng cường quốc phòng thì sau đó chiến tranh khu vực và chiến tranh thế giới tất yếu sẽ đến.
Nghĩa là hôm nay Thuỵ Sĩ tăng cường quân sự tức là vấn đề Iran ở Trung Đông đã được nước này đánh hơi. Năm 1914 và 1940 thì Thuỵ Sĩ đều tăng cường quân sự và ngay sau đó là hai cuộc thế chiến nổ ra. Lần này thì sao ?
Người Thuỵ Sĩ hôm nay lo ngại là đúng khi trong bối cảnh bàn cờ Mỹ-Trung đã vỗ mặt tướng nhau chan chát thì Iran ký với Trung Quốc hiệp ước đồng minh chiến lược. Trung Quốc cần dầu với số lượng vô hạn của Iran, đồng thời ngược lại thì Iran cần ngay một lượng lớn đầu tư vào hạ tầng công nghiệp Iran để nước này gia tăng quân sự tạo thế có lợi cho quan hệ Iran-Trung Quốc trong khu vực. Đây là hai điều cốt lõi nhất vừa được hai nước ký kết mới đây.
Giới quan sát quốc tế cho là bàn cờ Trung Đông đang rất phức tạp. Mới đây nhất là Tổng tư lệnh của Bộ tư lệnh trung ương Mỹ (CENTCOM) đã đi công du các nước vùng Trung Đông. Nếu chúng ta biết rằng CENTCOM đã đóng vai trò quan trọng tác chiến trực tiếp trong chiến tranh Vùng Vịnh thì chúng ta càng hiểu thêm sự lo ngại của người Thuỵ Sĩ.
Không chỉ CENTCOM và Thuỵ Sĩ chuẩn bị chiến tranh mà Anh cũng đã chuẩn bị song song. Nước này đã bỏ cấm vận vũ khí với Arap Saudi. Phe đồng minh muốn đánh Iran thì sự đóng góp của Arap Saudi luôn có vai trò quan trọng.
Một bên khác có vai trò quan trọng trong chiến tranh Iran tới đây là EU do Đức dẫn dắt cũng cần được xét tới khi ta đánh giá về sự lo ngại của người Thuỵ Sĩ. Mặc dù dư luận nói nhiều về sự chia rẽ của Đức-Pháp với Mỹ nhưng tôi cho là người Thuỵ Sĩ biết EU vẫn ủng hộ là phe đồng minh tư bản phải ngăn chặn lá cờ đỏ của đảng CSTQ không được dựng quá cao tại Trung Đông. Tình báo Đức liên tục công bố các báo cáo tố cáo Iran là để dọn đường cho sự thay đổi chính sách của Đức tới đây sau khi nước này có thủ tướng mới thay cho bà Merkel.
Thủ tướng Đức Merkel là người tài ba, tuy nhiên không phải cái áo đẹp nào cũng hợp cho cuộc hẹn hò mới.
Một thế lực quân sự khác cần xét đến là Nga. Trước đây có nhiều bạn đọc nghĩ rằng tôi đánh giá là Nga sẽ làm lơ Iran để tập trung giữ Syria là đánh giá hời hợt thì nay diễn biến khu vực cho thấy là tôi có lý. Iran đang phải vuốt ve Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria để mượn tay hai nước này kềm chế Mỹ. Nhưng tôi đánh giá là nước cờ này của Iran sẽ không thành công vì Mỹ-Anh, EU-Đức-Pháp có thể cho Nga và Thổ nhiều thứ hơn Iran có thể hứa hẹn.
Nga thì cũng như Mỹ, sự suy yếu của Trung Quốc là cơ hội của Nga. Nếu Trung Quốc mất nguồn dầu khí tại Trung Đông thì Nga càng có lợi khi gần như độc quyền bán dầu cho nước này. Buông tay khỏi Iran không chỉ có lợi là nắm chặt Syria hơn mà còn được lòng Mỹ, EU và NATO, lại thêm lợi ích kèm theo là tăng giá bán dầu cho Trung Quốc. Putin không biết thì còn ai biết lúc này.
Thuỵ Sĩ, nơi được hứa hẹn bảo đảm hoà bình cao nhất đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.
Hữu Minh
Không có nhận xét nào