NGUY KỊCH, NẶNG, TIÊN LƯỢNG NẶNG Theo Vnexpress, cho đến hôm nay, nước Mỹ có 4.813.647 ca nhiễm cúm Tàu (chiếm gần 1,46% dân số), trong đó c...
NGUY KỊCH, NẶNG, TIÊN LƯỢNG NẶNG
Theo Vnexpress, cho đến hôm nay, nước Mỹ có 4.813.647 ca nhiễm cúm Tàu (chiếm gần 1,46% dân số), trong đó có 158.365 ca tử vong (chiếm khoảng 3,29% số người bị nhiễm, gần bằng 5,45% tổng số người chết do tất cả các nguyên nhân của nước Mỹ trong năm 2019).
Ở Việt nam, con số và tỉ lệ nhiễm cúm Tàu (khoảng 0,00064% dân số) cũng như con số và tỉ lệ tử vong do cúm Tàu (dưới 1% số bệnh nhân nhiễm) còn rất thấp so với Mỹ, và thấp hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài một số người trong chúng ta ra, không ai cho rằng y tế của chúng ta giỏi hơn Mỹ cả, nên chúng ta phải thấy, rằng như vậy là chúng ta vẫn còn may mắn hơn họ.
Ở nước nào thì bệnh nhân cúm Tàu cũng đều chết rất nhiều, không có lí do gì mà ở Việt nam lại không có bệnh nhân chết vì cúm Tàu. Chẳng qua là trước đây, đa số người nhiễm virus Wuhan là người trẻ, là du học sinh, lao động hợp tác, và đa phần là người khỏe mạnh, thì tỉ lệ bệnh nhân trở nặng thấp.
Khi số lượng bệnh nhân nhiễm cúm Tàu ít, số lượng bệnh nhân nặng ít, mà bệnh nhân trở nặng lại ít có bệnh nền, thì không có ca tử vong là chuyện may mắn, và cũng dễ hiểu. Còn bây giờ, dịch bùng phát, số người nhiễm nhiều, người bị nhiễm lớn tuổi hơn, có nhiều bệnh nền sẵn, thì tỉ lệ tử vong lớn hơn, đó là chuyện cũng có thể hiểu được. Đừng ai nghĩ rằng cứ bác sĩ, cứ ngành y là phải cứu sống tất cả người bệnh.
Thế nhưng, tôi vẫn có chút băn khoăn, khi đọc thông tin về các ca bệnh tử vong. Tôi còn nhớ, ngoài bệnh nhân 91, hai bệnh nhân 19 và 26 được theo dõi và hồi sức khá tích cực. Tuy nhiên, những ca tử vong mà tôi được xem báo cáo diễn tiến rút gọn, thì ngoại trừ ca đầu tiên, các ca khác có thời gian từ khi trở nặng đến khi tử vong rất ngắn, thời gian hồi sức không lâu.
Ngoài ra, tôi không hiểu định nghĩa của Bộ Y tế về nguy kịch, nặng, và tiên lượng nặng khác nhau như thế nào. Hồi tôi còn làm bệnh viện nhà nước, khi thấy bệnh nhân gần như chắc chắn chết, không còn khả năng cứu sống, người nhà xin về, chúng tôi ghi tình trạng bệnh nhân là "nặng xin về".
Có ca thực sự đã tử vong, nhưng nếu ghi nhận tử vong thì người nhà sẽ gặp khó khăn khi mang thi thể về. Nếu bệnh lí rõ ràng, nguyên nhân tử vong cũng rõ, không phải bệnh lí truyền nhiễm, không có rắc rối pháp lí, thì chúng tôi cũng ghi vào hồ sơ và giấy ra viện là "nặng xin về". Còn những bệnh nhân mà chúng tôi ghi "tiên lượng nặng", hay tiên lượng dè dặt", thì hầu hết cũng sẽ tử vong.
Nếu Bộ Y tế cũng có định nghĩa tương tự như vậy, thì trong vòng vài ngày tới, số lượng bệnh nhân tử vong có lẽ sẽ tăng cao rất nhanh. Tuy nhiên, ngay cả khi hầu hết số bệnh nhân đó tử vong, thì tỉ lệ tử vong của chúng ta cũng chưa hơn nhiều nước tiên tiến.
Tôi cũng có xu hướng tin rằng, tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhiễm cúm Tàu của chúng ta thấp hơn các nước phát tiển. Vì dân số của chúng ta nhìn chung trẻ hơn họ nhiều.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào