SÀI GÒN NGẬP Nhìn cảnh ngập lụt ở TP HCM, nhiều bạn nói Sài gòn trước đây không ngập. Sai. Tôi vào Sài gòn ngay năm 1975. Đến khoảng tháng ...
SÀI GÒN NGẬP
Nhìn cảnh ngập lụt ở TP HCM, nhiều bạn nói Sài gòn trước đây không ngập.
Sai.
Tôi vào Sài gòn ngay năm 1975. Đến khoảng tháng 8 năm đó, nhà tôi mua một căn nhà ở hẻm 304 Hòa Hưng, ngay trước cửa khám Chí Hòa. Chỉ vài ngày sau khi dọn về nhà mới, chúng tôi được chứng kiến cảnh ngập. Nước ngập khá sâu ở hẻm. Còn trong nhà, nước lên khoảng 15 đến 20cm.
Là một người lớn lên vùng trung du, tôi rất ngạc nhiên khi thấy con hẻm và nhà mình bị ngập. Lúc đó tôi mới hiểu, tại sao hẻm thì nhỏ, mà nhà nào cũng xây cao hơn hẻm cả nửa mét, dắt xe ra vô nhà rất khó. Cũng từ đó, tôi mới biết, để xem con hẻm, hay đường đó có bị ngập hay không, thì nhìn độ cao nền nhà so với mặt đường, và cái dấu mớn nước ở trên tường các dãy phố.
Sau khi mua nhà được ít bữa thì mẹ tôi nhận công việc tại Quốc gia Hành chánh, ở đường Trần Quốc Toản (tên đường hồi đó, bây giờ là 3/2), hình như lúc ấy cùng là phường Chí Hòa, quận 10, với nhà tôi. Tôi không biết mùa mưa năm 1974 thì sao, chứ năm 1975, cứ mưa xuống thì sân trường Quốc gia Hành Chánh lại ngập. Mà ngập là ngập từ ngoài đường trở vô, chứ không chỉ ngập ở trong sân.
Kỉ niệm về ngập ở Sài gòn của tôi sâu đậm nhất là năm 1978. Mặc dù lúc ấy Sài gòn đã mang tên Hồ Chí Minh, nhưng tôi tin, đó vẫn là đặc sản Sài gòn.
Bồ tôi hồi đó có nhà ở đường Đỗ Quang Đẩu, gần chợ Thái Bình, quận 1, cuối khu phố Tây Bùi Viện bây giờ. Cô ấy ở một mình trên một cao ốc, nên khi đến chơi thì tôi phải gởi xe ở bãi giữ xe của chợ Thái Bình. Một hôm trời mưa. Khi tôi xuống ra về thì nước ngập đến ngang bụng. Nơi giữ xe đã về, và họ mang xe của tôi gởi ở đâu đó. Tôi phải quay lại nhà bồ, tắm rửa, giặt đồ, chờ phơi đồ đến sáng cho khô. Vậy là từ hôm đó, cứ thấy trời chuyển mưa là tôi lại vội vàng chạy đến thăm bồ.
Cho nên, nói Sài gòn không ngập là không đúng. Nhưng hồi đó, ở những con đường trung tâm, nếu có ngập thì chỉ là lấp xấp, sâu lắm là chừng 1 tấc, do nước không kịp rút, chỉ hết mưa khoảng 30 phút là không còn miếng nước nào. Chứ không phải ngập dữ dội, gây chết máy xe, và kéo dài có khi đến tận hôm sau mới hết.
Và cái từ triều cường, thì tôi tin là vài năm đầu khi tôi vô Sài gòn, chỉ có người dân vùng ven hoặc xuống Miền Tây, mới biết (tôi cũng có sống ở Miền Tây một thời gian hồi 1977 nên biết). Chứ không như bây giờ, cứ triều cường là ngay cả những khu phố sầm uất, tấp nập cũng bị ngập.
Vấn đề là tôi không biết chính quyền Sài gòn xưa có bỏ ra nhiều tiền để chống ngập hay không, nhưng chính quyền Hồ Chí Minh bây giờ thì bỏ ra quá, quá nhiều tiền để chống ngập. Nhưng ngập ngày càng nhiều, càng dữ dội. Rõ ràng là đồng tiền thuế của người dân không được sử dụng hiệu quả. Hoặc do ăn dày quá, hoặc do trình độ của đội ngũ chống ngập tệ hại quá, hoặc cả hai.
Công bằng mà nói thì có một vài điểm ngập trầm kha từ hồi Sài gòn xưa để lại, như khu Lê Văn Duyệt Gia Định (mới mấy hôm trước còn mang tên Đinh Tiên Hoàng Bình Thạnh), hoặc khu Cây Gõ, Minh Phụng đã không còn ngập. Nhưng những điểm ngập mới xuất hiện nhiều hơn, và dễ bị ngập hơn, diện rộng hơn, mức độ ngập khủng khiếp hơn nhiều.
Lại thêm cái cách chống ngập hết sức vi diệu mà chính quyền Hồ Chí Minh đang thực hiện: nâng cao đường. Sau khi đường được nâng cao, có bao nhiêu nước tồn đọng lại đổ hết vào nhà dân và các con hẻm. Tất nhiên, dân ta lại ra sức đổ nền, đắp hẻm. Được vài năm, nước lại đổ ra đường. Lại nâng đường, đắp hẻm, đôn nền... Có lần, con tôi nói, chắc ít năm nữa không cần phải đi Đà lạt, vì khi ấy Hồ Chí Minh đã cao bằng Đà Lạt.
Cho nên, nói Sài gòn không ngập là không đúng. Nhưng nếu cứ đổ hết ngập cho Sài gòn mà không thấy vai trò của Hồ Chí Minh trong việc ngập lụt thì lại càng sai.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào