Thấy gì từ đề văn THPT 2020? Nhân vụ bài văn điểm 10 của cô học trò An Giang, mình tìm thử đề văn năm nay. Đọc xong mình cảm thấy hiểu vì sa...
Thấy gì từ đề văn THPT 2020?
Nhân vụ bài văn điểm 10 của cô học trò An Giang, mình tìm thử đề văn năm nay. Đọc xong mình cảm thấy hiểu vì sao học sinh chán học văn và vì sao học văn 12 năm nhưng rất nhiều em không thể viết được 1 đoạn văn chặt chẽ, thuyết phục. Và hỏi 10 người có thể đến 7 người nói rất sợ viết. (Bài viết là quan điểm cá nhân)
Tìm nhanh thì thấy mục tiêu môn Văn ở các cấp tập trung: 1) năng lực giao tiếp (nghe nói đọc viết đặc biệt tập trung các văn bản văn học), 2) năng lực thẩm mỹ, 3) phát triển các phẩm chất cao đẹp như yêu nước, yêu thiên nhiên…
Có một hiểu lầm đáng lo ngại: nói đến làm văn là nói đến cảm xúc, sáng tạo, thẩm mỹ, chứ không phải là tư duy mạch lạc, nói viết rõ ràng, cấu trúc, logic, khách quan, khoa học. Điều này có thể đúng đối với các nhà thơ, tiểu thuyết gia, chứ không đúng với trẻ em đang tuổi đi học.
Từ hiểu lầm trên dẫn đến sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản cần có trong 12 năm học làm văn:
1. Không hiểu rõ các khái niệm, thuật ngữ, từ vựng, hoặc chỉ hiểu một cách sơ sài, nên không thể diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng, hiệu quả.
2. Thiếu khả năng lập luận và đánh giá lập luận, ý tưởng của người khác thông qua nói hay viết. Ví dụ rất ít người có thể nói, viết theo mô hình Luận điểm- Lập luận- Bằng chứng – dẫn Nguồn (ARES: Argument, Reasoning, Evidences, Sources). Rất nhiều người nghĩ rằng viết văn là viết các câu văn hoa mỹ.
3. Không biết tìm kiếm, so sánh, đối chiếu giữa các nguồn thông tin, để đi tìm sự thật, mà chỉ quen sử dụng 1 nguồn duy nhất là Sách giáo khoa và cho đó là sự thật duy nhất. Nhiều học sinh không biết trích dẫn, tài liệu tham khảo là gì. Nếu có dùng thì cũng rất ít em có khả năng đánh giá độ tin cậy của tài liệu tham khảo và không hiểu tầm quan trọng của việc này.
4. Không biết cách đặt câu hỏi, khai thác vấn đề.
5. Không phân biệt được ý kiến chủ quan vs. dữ kiện khách quan, ngụy biện vs. logic, kết luận khoa học vs. cảm tính. Do vậy, các em rất cả tin, bốc đồng, không biết suy xét vấn đề. Nghe ai nói “hay hay” là tin, vì chỉ được dạy “cảm tính” chứ không được dạy “tư duy khoa học”.
6. Hạn chế trong khả năng nhìn nhận ở góc nhìn đa chiều, mà quen chấp nhận ý kiến của Sách giáo khoa, của thầy cô một cách máy móc (có lẽ vì thầy cô cũng được yêu cầu chấp nhận SGK như sự thật duy nhất).
Cả 6 điểm yếu này đều thể hiện khá rõ trong đề văn năm nay.
Phần 1- đọc hiểu, trích dẫn 1 đoạn trong “Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường” của Inamori Kanzou.
Thoạt xem, đoạn văn có vẻ cảm xúc, thuyết phục, nhiều khái niệm rất thời thượng “sống hết mình, trân trọng cuộc sống…”. Tạm bỏ qua cảm xúc, thử xem tác giả “khuyên” điều gì? Và dựa trên lập luận, bằng chứng nào? Chúng có khoa học không hay chỉ là chủ quan của tác giả? Tác giả sử dụng những khái niệm nào? Chúng có rõ ràng và chính xác không?
Khuyên: mọi sự sống nhỏ nhoi trong tự nhiên đều dạy cho loài người chúng ta biết tầm quan trọng của việc “sống hết mình ở thời khắc này”.
Lập luận và bằng chứng:
- Tại Bắc cực, giữa mùa hè, các loài thực vật đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt
- Tại sa mạc Sahara, mỗi khi mưa xuống các loài thực vật lại vội vã nẩy mầm và nở hoa.
Từ đó đi đến kết luận:
- Rõ ràng chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm
- Quả thật là muôn loài trong tự nhiên đều sống hết mình, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc.
Có thể thấy từ quan sát ‘cỏ cây hoa lá mọc nơi khắc nghiệt’, đến chỗ kết luận “rõ ràng là chúng thực sự sống không ảo tưởng, không phân tâm, sống hết mình, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc” thì thật là “anh đi xa em quá” rồi! Cố lắm thì có thể chấp nhận chữ “sống hết mình”, còn “không ảo tưởng, không phân tâm, sống nghiêm túc” thì hoàn toàn là cảm tính, gán ghép, khiên cưỡng.
Từ kết luận này đi đến khuyên con người phải sống nghiêm túc để không thua cỏ cây, muông thú. Hãy chú ý chỗ này, bạn có thể đồng ý với kết luận vì nó “du dương, hợp thời”, nhưng cái chính không phải ở chuyện bạn thích hay không thích, mà là tác giả đã lập luận và có cơ sở nào để đi đến kết luận này.
Phần 1 vi phạm các vấn đề 1, 2, 5
Tất nhiên vẫn có thể cho học sinh cảm thụ các tản văn giàu hình ảnh nghệ thuật, nhưng nếu để nghị luận thì cần cho học sinh nhận thức rõ là đoạn văn trên chưa đưa ra cơ sở khoa học nào và các lập luận hết sức cảm tính.
Ngoài ra khái niệm sống hết mình cho hiện tại cũng là 1 khái niệm không tường minh, có thể hiểu rất nhiều cách khác nhau.
Phần 2: Làm văn- “Phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích.”
Câu này 50% điểm. Nói thật “phân tích tư tưởng” nghe quá trừu tượng. Cách đặt câu hỏi không hiệu quả.
Mình dùng thang Bloom để hỏi:
- Nhớ: Em biết gì về Nguyễn Khoa Điềm và bối cảnh ra đời bài thơ? (0.5)
- Hiểu: Ý chính của bài thơ là gì? Tác giả đề cập đến những khái niệm chính nào? (1)
- Ứng dụng: Học bài này em có thể áp dụng được điều gì trong cuộc sống? (1)
Hoặc, Việt kiều xa Đất nước vì lý do bất đồng quan điểm liệu có lả nhân dân? Họ có làm nên đất nước?
- Phân tích: Khái niệm Đất nước và Nhân dân có quan hệ với nhau như thế nào? Mối quan hệ này nói lên điều gì? Thủ pháp nghệ thuật của đoạn thơ trên là gì? (1)
- Đánh giá: Em đánh giá ưu và nhược điểm đoạn thơ như thế nào? Hãy sử dụng 1 tác phẩm đương đại bàn về Đất nước và con người để so sánh với bài thơ này. Em thích tác phẩm nào hơn? Vì sao? (0.75)
Hoặc, Đất nước của nhân dân đặt trong bối cảnh đấu tranh chống ngoại xâm có còn phù hợp với Đất nước và con người hôm nay? Ý kiến của em là gì?
- Sáng tạo: Em có muốn thay đổi gì bài thơ không? Vì sao? Nếu viết lại bài thơ, em sẽ viết thế nào? Nếu phải nói về Đất nước và Nhân dân ở năm 2020, em sẽ nói gì? (0.75)
Ngoài ra về tư tưởng mình cho rằng đoạn thơ quá chú trọng đấu tranh chống ngoại xâm và nội thù, không còn phù hợp với xu thế hợp tác quốc tế và hoà giải - đoàn kết dân tộc hiện nay.
Phần 2 vi phạm 2, 4, 6
Túm lại, bài này chỉ là quan điểm cá nhân, tám cho vui, chúc cả nhà thứ Bảy vui vẻ.
Vũ Thế Dũng
Không có nhận xét nào