Xác suất thành công trong nghiên cứu vaccine Nghiên cứu vaccine phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm trên người, và mỗi giai đoạn đều ...
Xác suất thành công trong nghiên cứu vaccine
Nghiên cứu vaccine phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm trên người, và mỗi giai đoạn đều có nguy cơ thất bại. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết xác suất thất bại trong mỗi giai đoạn có thể lên đến 90%!
Xin nhắc lại để hiểu vấn đề: nghiên cứu vaccine đặt nặng vấn đề an toàn. An toàn (safety) trước, rồi mới tới hiệu quả (efficacy). Đó chính là lí do tại sao khi nghiên cứu trên người, nhà nghiên cứu phải tuân thủ theo các qui định về thử nghiệm và thiết kế nghiên cứu do các tổ chức khoa học quốc tế như Liên hiệp hội y khoa Âu châu (European Medicines Agency), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Cục Quản lí Thuốc và Thực phẩm Hoa Kì (FDA) đề ra. Trong thực tế, nghiên cứu lâm sàng phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng:
• P1: vaccine được tiêm cho một số ít (vài mươi) người khoẻ mạnh. Mục đích của thử nghiệm giai đoạn I là xem xét sự an toàn của vaccine và phản ứng miễn dịch của các đối tượng nghiên cứu. Một mục đích khác là xác định liều lượng, thời lượng của vaccine.
• P2: nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn I thành công, vaccine sẽ được tiếp tục thử nghiệm trên người, nhưng lần này thì số lượng đối tượng có thể lên đến hàng trăm. Mục đích của thử nghiệm giai đoạn II vẫn là đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine, cùng liều lượng tối ưu của vaccine. Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II còn đánh giá các yếu tố có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch như tuổi, giới tính, sự hiện hữu của kháng thể, và khoảng thời gian giữa 2 liều vaccine.
• P3: đây là giai đoạn thử nghiệm quan trọng nhứt, được xem là "tiêu chuẩn vàng" để đánh giá một vaccine. Kết quả nghiên cứu sẽ quyết định vaccine có được phê chuẩn cho sử dụng đại trà hay không. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đòi hỏi phải có vài vạn người tham gia, và tình nguyện viên phải được theo dõi một thời gian, thường hơn 1 năm. Chẳng hạn như thử nghiệm giai đoạn III về vaccine của công ti Moderna (Mĩ) có đến 30,000 tình nguyện viên, và kết quả phải đợi đến tháng 10/2022.
• P4: sau khi vaccine đã được phê chuẩn và bán ra thị trường, công ti vẫn phải theo dõi hiệu quả của vaccine để ghi nhận các biến chứng và phản ứng phụ. Đây là giai đoạn surveillance.
Ở mỗi bước chuyển tiếp từ P1-P2 và P2-P3 đều có thể thất bại (hay nói tích cực hơn là 'xác suất thành công'). Câu hỏi đặt ra là xác suất thành công từ P1-P2 và P2-P3 là bao nhiêu?
Xác suất thành công?
Một nhóm nghiên cứu thuộc MIT đã làm một phân tích công phu để trả lời câu hỏi xác suất thành công trong nghiên cứu vaccine [1]. Họ dùng dữ liệu về số thử nghiệm lâm sàng (clinical trials) đã đăng kí trong thời gian 20 năm, tính từ 1/2/2000 đến 7/1/2020.
Các bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên về con số thử nghiệm. Trong 20 năm mà đã có 43,414 công trình thử nghiệm đã được đăng kí. Tôi nghĩ con số không đăng kí có thể nhiều hơn con số này, vì trong thực tế ở vài nước người ta thử nghiệm vaccine nhưng không đăng kí trong một registry quốc tế. Con số 43,414 thử nghiệm là thuộc 2544 chương trình vaccine và 6829 chương trình không liên quan đến vaccine. Nghiên cứu và bào chế vaccine thường đến từ 2 nguồn: kĩ nghệ dược bảo trợ và ngoài kĩ nghệ (chủ yếu là chánh phủ và các tổ chức từ thiện, và các nhà mạnh thường quân) bảo trợ.
Kết quả cụ thể như sau (xem hình minh hoạ):
• Đối với các chương trình thử nghiệm vaccine do kĩ nghệ dược bảo trợ, xác suất thành công là gần 40%. Đối với các chương trình thử nghiệm vaccine do chánh phủ và tổ chức từ thiện bảo trợ, xác suất thành công chỉ 6.8%.
• Xác suất thành công trong giai đoạn P1-P2 (83% ) cao hơn giai đoạn P2-P3 (65%) đối với các thử nghiệm do kĩ nghệ dược bảo trợ.
• Tương tự, xác suất thành công trong giai đoạn P1-P2 (63% ) cao hơn giai đoạn P2-P3 (37%) đối với các thử nghiệm KHÔNG do kĩ nghệ dược bảo trợ.
• Cho đến nay, dù có nhiều chương trình nghiên cứu, nhưng tất cả nghiên cứu vaccine cho MERS, SARS, Ebola đều thất bại (hiểu theo nghĩa không được phê chuẩn). Chú ý rằng ở giai đoạn P1-P2 xác suất thành công MERS (50%) và Ebola (54%), nhưng đến giai đoạn P2-P3 thì thất bại.
Những kết quả phân tích trên cho chúng ta một bức tranh chung khá ảm đạm. Nghiên cứu vaccine thì nhiều, nhưng thành công thì chẳng bao nhiêu. Thật ra, xác suất thành công của nghiên cứu vaccine (40%) là khá cao so với các lãnh vực như khác như ung thư với tỉ lệ thành công chỉ ~4% (thất bại 96%). Ngay cả nghiên cứu về thuốc điều trị bệnh tim mạch, tỉ lệ thành công cũng chỉ 21% do kĩ nghệ dược tài trợ.
Một thực tế khá phũ phàng là các tập đoàn dược không quá "mặn mà" với việc nghiên cứu và sản xuất vaccine. Lí do là thị trường không quá lớn và lời không cao. Chẳng hạn như dịch SARS và MERS (cũng do coronavirus) cho đến nay vẫn chưa có vaccine. Trong bài báo, tác giả có một so sánh thú vị như sau: thuốc điều trị ung thư Revlimid đem lại 9.69 tỉ USD cho công ti Celgene vào năm 2019, trong khi đó chương trình sản xuất vaccine của công ti GlaxoSmithKline đem lại khoảng 6 tỉ USD [1]. Tuy nhiên, dịch Vũ Hán ảnh hưởng đến nhiều người, nên thị trường rất lớn, và đó là động cơ để các công ti dược quan tâm.
Theo Nature thì hiện nay có hơn 200 nhóm khoa học trên thế giới nghiên cứu vaccine cho dịch Vũ Hán. Nhưng đa số vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn I, II và III. Theo thông tin chánh thức trên clinicaltrials.org thì chỉ có 2 vaccine (Mĩ và Tàu) qua giai đoạn III, phần còn lại (kể cả vaccine của Nga) đều ở giai đoạn I và II.
Tuyên bố có vaccine của Nga làm nức lòng nhiều người, nhưng cũng gây quan ngại cho giới khoa học. Rất có thể là vaccine đã thành công trong giai đoạn I và II, nhưng ở giai đoạn thử nghiệm III thì chưa biết ra sao. Chúng ta chỉ hi vọng xác suất thành công sẽ cao hơn kết quả mà tôi trình bày trên.
Nguyễn Tuấn
_____
[1] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.04.09.20059600v1
Không có nhận xét nào