Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ẤN TƯỢNG SUGA YOSHIHIDE THỦ TƯỚNG MỚI NHẬT BẢN

ẤN TƯỢNG SUGA YOSHIHIDE THỦ TƯỚNG MỚI NHẬT BẢN     Hôm nay (16/9/2020) Suga Yoshihide chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và lập nội các...

SUGA YOSHIHIDEẤN TƯỢNG SUGA YOSHIHIDE THỦ TƯỚNG MỚI NHẬT BẢN

    Hôm nay (16/9/2020) Suga Yoshihide chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và lập nội các mới, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) hai ngày trước. Ông Suga là điển hình thành công của trường hợp con nhà nghèo vượt khó, nỗ lực tiến thân, đồng thời ông có vận may trong một chính trường có những thay đổi bất ngờ, đầy ngoạn muc.
    Ông Suga Yoshihide, 71 tuổi, trở thành thủ tướng trong một bối cảnh khá đặc biệt, có thể gọi là bất ngờ đối với cả chính ông. So sánh với hai đối thủ của ông (Ishiba Shigeru và Kishida Fumio) trong cuộc cạnh tranh vào chức Chủ tịch LDP cũng thấy điều đó. 
Ishiba, 63 tuổi, trở thành đân biểu Quốc hội từ lúc còn rất trẻ (27 tuổi) và cho đến bây giờ liên tục được bầu vào Quốc hội tất cả 11 lần. Ishiba đã kinh qua các chức vụ quan trọng trong Đảng (Tổng thư ký) và chính phủ (Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp, v.v..). Đặc biệt Ishiba đã 4 lần tranh cử vào chức Chủ tịch LDP, kể cả hai lần tranh với Abe Shinzo, người vừa phá kỷ lục làm thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật. Từ nhiều năm nay trong các cuộc điều tra dư luận về ai là người xứng đáng làm thủ tướng sau Abe, Ishiba luôn đứng đầu và thường bỏ xa người thứ hai.
     Kishida, 63 tuổi, trở thành dân biểu năm 36 tuổi và cho đến nay liên tục được bầu vào Quốc hội 9 lần, từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ (Bộ trưởng Ngoại giao) và Đảng (Trưởng Ban Chính sách Trung ương). Đặc biệt từ nhiều năm nay Kishida được Abe và nhiều lãnh đạo khác trong LDP xem là người sẽ thừa kế Abe. Hai năm trước, Kishida cũng quyết định không ra tranh cử Chủ tịch Đảng mà tuyên bố ủng hộ LDP thay đổi điều lệ để Abe làm thêm nhiệm kỳ nữa. Cho đến đầu năm nay, ai cũng nghĩ Abe sẽ làm thủ tướng đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9 năm sau, và lúc đó Ishiba và Kishida sẽ tranh nhau vào vị trí thay thế Abe. Hai người tìm mọi cách củng cố thế lực chuẩn bị cho cuộc thư hùng vào tháng 9/2021. Ishiba, như đã nói ở trên, được dư luận người Nhật nói chung và đảng viên LDP nói riêng đánh giá rất cao nhưng trong Quốc hội thì yếu thế (8 năm trước, trong cuộc cạnh tranh với Abe, Ishiba thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ ở cấp đảng viên nhưng ở Quốc hội thì thua nhiều). Kishida thì chiếm ưu thế trong Quốc hội, đặc biệt Abe và nhiều lãnh đạo khác ủng hộ, nhưng không được đảng viên và dư luận nói chung đánh giá cao.
     Trong khi Ishiba và Kishida là những vì sao nổi lên trên chính trường và đã nhiều năm tich cực chuẩn bị chạy đua vào vị trí lãnh đạo đất nước thì hình ảnh Suga khá lu mờ cho đến khoảng một năm gần đây. Đến năm 47 tuổi ông mới trở thành dân biểu quốc hội và mới chỉ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước khi trở thành Chánh Văn phòng Nội các từ tháng 12/2012 đến nay. Ở cương vị nầy, hằng ngày ông họp báo hai lần nên dễ được dân chúng biết đến. Tuy vậy trong các điều tra dư luận về ai sẽ là người đủ tố chất làm thủ tướng sau Abe, tên ông chỉ mới xuất hiện khoảng 1 năm gần đây và thường ở vị trí thấp, thứ 4 hoặc 5. Lý do có lẽ vì ông chưa bao giờ cho thấy ý muốn lãnh đạo đất nước và vì nhiều người khác tỏ ra nổi trội hơn.
      Tình hình chuyển biến từ khoảng tháng 6 năm nay. Kishida mất uy tín trong  quyết định chính sách của LDP về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid19, và gây mâu thuẫn với Tổng thư ký LDP Nikai Toshihiro, nhân vật có thế lực trong LDP. Thêm vào đó, Kishida tiếp tục xếp ở vị trí thấp trong các cuộc thăm dò dư luận về người có tố chất lãnh đạo Nhật Bản trong tương lai. Trong tình hình đó, Abe và nhiều lãnh đạo khác cũng bắt đầu thấy Kishida khó thắng được Ishiba trong cuộc chạy đua vào chức Chủ tịch Đảng. Kết cuộc, họ thấy chỉ có Suga Yoshihide mới có thể thắng Ishiba và kế tục được sự nghiệp của Abe. Sau khi Abe tuyên bố sẽ từ chức Nikai, Abe và những lãnh đạo khác chính tức yêu cầu Suga ra tranh cử. 
   Ngày 2/9, chỉ 2 ngày trước khi danh sách ứng cử vào chức Chủ tịch LDP được công bố, Suga mới chính thức tuyến bố sẽ ra tranh cử. Lúc nầy người ta mới biết nhiều về thân thế và cuộc đời học tập, tiến thân của Suga. Trong một tuần vận động tranh cử, ba ứng cử viên Ishiba, Kishida và Suga xuất hiện thường xuyên trên TV, trong các cuộc diễn thuyết do Trung tâm báo chỉ tổ chức, v.v..So với Kishida và Ishida, những chính trị gia lão luyện, diễn thuyết giỏi và đã có nhiều năm chuẩn bị làm lãnh đạo, Suga có vẻ vụng về hơn và ít gây ấn tượng hơn. Tuy nhiên xuất thân từ thành phần nghèo khó và nỗ lực vượt khó của ông đã nhanh chóng tranh thủ được đồng cảm của dân chúng. Người Nhật nói chung rất dễ cảm thông với những trường hợp như Suga. Sau khi Suga tuyên bố ứng cử vào chức Chủ tịch Đảng, cuộc thăm dò dư luận cho thấy Suga vượt Ishiba giành vị trí thứ nhất trong những người được cho là có tố chất lãnh đạo Nhật Bản sau Abe.
    Suga là con trưởng trong một gia đình nông dân tại một làng quê ở Akita, một tỉnh ở vùng bắc Nhật Bản. Thời nhỏ của ông ở vùng ấy, hơn 1/2 người tốt nghiệp trung học cơ sở (Cấp II) phải đi Tokyo hoặc những đô thị khác để tìm việc làm, 1/4 thì làm nông, kế tục công việc của gia đình, còn 1/4 mới tiếp tục học lên cấp III. Hồi đó Suga nghĩ mình sẽ làm nông vì là trưởng nam, nhưng cuối cùng học lên được Cấp III. Tốt.nghiệp Cấp III (năm 1967) ông lên Tokyo tìm việc và làm trong một nhà máy chế hộp giấy. Dành được ít tiền đủ đóng học phí ông quyết học lên đại học. Thời đó nhiều đại học tư mở các khóa buổi tối để cho những sinh viên gặp khó khăn về kinh tế có thể vừa làm việc ban ngày mà vẫn có thể tốt nghiệp đại học. Suga vừa theo học khóa buổi tối ở Đại học Hosei vừa đi làm thêm ở nhà hàng, khách sạn. Tốt nghiệp đại học (1973), ông được nhận vào làm việc tại một công ty, độ 2 năm sau ông chuyển sang làm thư ký cho một dân biểu Quốc hội vì thấy con đường làm chính trị dễ có cơ hội góp phần thay đổi đất nước. Năm 1987 ông được bầu vào nghị viên thành phố Yokohama và năm 1996 được bầu vào Quốc hội.
     LDP là đảng cầm quyền tại Nhật suốt từ khi thành lập (1955) đến nay, trừ hai giai đoạn ngắn tổng cộng độ 5 năm. Trong LDP các dân biểu quốc hội tập họp quanh một lãnh tụ tạo thành những phái cạnh tranh nhau giành chính quyền. Thông thường phải là lãnh tụ một phái mới có thể ra tranh cử vào chức Chủ tịch đảng (Kishida và Ishiba đều là lãnh tụ Phái Kishida và Phái Ishiba). Suga Yoshihide chẳng những không là lãnh tụ mà cũng không thuộc phái nào. Có lẽ vì vậy mà cho đến gần đây ông không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành lãnh đạp LDP và chính quyền. Ở điểm nầy ông cũng là trường hợp rất ngoại lệ.
      Trong tuần lễ vận động tranh cử, nói về phương châm xây dựng dất nước, Suga nhấn mạnh là trước mắt sẽ tiếp tục sự nghiệp của Thủ tướng Abe và từng bước đề ra phương sách giải quyết những vấn đề mới và lâu dài. Ông đưa ra chủ trương Tam Trợ (tự trợ, cộng trợ và công trợ). Mỗi cá nhân trước hết phải tự mình lo cho mình (tự trợ), khi tự lo không được thì gia đình, bè bạn và công đồng sẽ giúp (cộng trợ), cuối cùng tự trợ và công trợ vẫn không giải quyết được thì nhà nước sẽ giúp (công trợ) qua mạng lưới an sinh xã hội.
Nhìn chung, thủ tướng mới Suga Yoshihide không có tác phong của một lãnh đạo toàn diện như Abe Shinzo mà có vẻ giỏi về nội trị qua kinh nghiệm gần 8 năm phụ trách Chánh Văn phòng Nội các (chức vụ quan trọng tương đương Phó thủ tướng thường trực của VN), còn khả năng ứng phó linh hoạt trên mặt trận ngoại giao, khả năng mở và duy trì quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước chắc là bị hạn chế. Dù sao, trước mắt Nhật phải đối phó với nhiều vấn nạn trong nước như dịch bệnh, thiên tai, an sinh xã hội,.. và đây là những lãnh vực  thủ tướng mới Suga Yoshihide sẽ phát huy năng lực lãnh đao.
      Có lẽ thủ tướng Suga biết giới hạn của mình và thời gian chuẩn bị lãnh đạo đất nước quá ngắn nên thành phần nội các (20 bộ trưởng ) ông quyết định chiều nay phản ảnh sự kế tục nội các Abe (có 8 bộ trưởng được lưu nhiệm chức cũ, 3 bộ trưởng chỉ thay đổi nhiệm sở và 4 người khác từng làm bộ trưởng của Abe trong những nhiệm kỳ trước, chỉ có 5 người là mới làm bộ trưởng lần đầu)./.

Trần Văn Thọ

Không có nhận xét nào