CẦN LẮM QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TRONG VỤ ÁN ĐỒNG TÂM ĐỂ KHÔNG GÂY THÊM CHIA RẼ LÀM SUY YẾU QUỐC GIA I. VỊ THẾ VÀ GÓC NHÌN Phiê...
CẦN LẮM QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TRONG VỤ ÁN ĐỒNG TÂM ĐỂ KHÔNG GÂY THÊM CHIA RẼ LÀM SUY YẾU QUỐC GIA
I. VỊ THẾ VÀ GÓC NHÌN
Phiên toà Đồng Tâm đang xét xử, phụ thuộc vào góc nhìn của các nhân tố liên quan mà dẫn đến các mục đích khác nhau cũng như những mong đợi kết quả khác nhau.
Chẳng hạn như, từ góc độ của UBND TP Hà Nội và Bộ Công An, là các nhân tố lập kế hoạch và thông qua “chiến dịch” đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/1/2020, thì phiên toà phải đưa đến kết quả là lẽ phải thuộc về “chiến dịch”. Hệ quả suy ra, là các tội lỗi đều do phía người dân Đồng Tâm gây ra.
Còn từ góc độ của 29 người dân Đồng Tâm đang bị giam giữ, mong muốn của họ là được đối xử công bằng trước pháp luật. Họ đợi chờ một phiên toà công bằng. Và họ chờ sự khoan hồng. Nhưng toà án thuộc về chính quyền, viện kiểm sát thuộc về chính quyền. Mà chính quyền quyết định đưa cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm. Nên trong hoàn cảnh này, người dân Đồng Tâm liệu có được một phiên toà công bằng?
Toà án thuộc về chính quyền, viện kiểm sát thuộc về chính quyền, nên người đề nghị truy tố và người xử án đều chịu ảnh hưởng của chính quyền.
Riêng các luật sư bào chữa cho các bị can, thì bị sức ép từ khắp mọi phía với khoảng trống vô cùng eo hẹp.
Chiến dịch hành quân của 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/1/2020 đã đưa đến cái chết bi thương của 4 người, cùng với việc bắt giam 29 người. Vì có án mạng và bắt giam nên phải mở phiên toà để xét xử.
Mục đích của phiên toà Đồng Tâm phải đưa đến công lý, chứ không phải là dồn cho ai đó thừa nhận sai phạm để giành lấy phần thắng. Bởi vì để làm điều này, kẻ mạnh làm điều họ có thể làm. Kẻ mạnh có thể buộc ai đó phải thừa nhận sai lầm. Nhưng đó không phải là căn cứ để nói kẻ giành phần thắng có được lẽ phải.
II. NHỮNG SỰ THẬT QUAN TRỌNG ĐƯỢC HÉ MỞ
Nhờ các luật sư bào chữa cho các bị can mà một số sự thật được hé mở, trong đó có 4 điểm quan trọng sau đây.
1. Việc xây tường rào sân bay Miếu Môn đã kết thúc từ ngày 31/12/2019. Tường rào sân bay Miếu Môn được xây đúng trên các cột mốc cũ. Phần đất tranh chấp nằm ngoài tường rào sân bay Miếu Môn. Giữa cơ quan quản lý sân bay Miếu Môn và người dân Đồng Tâm không có tranh chấp.
2. Việc đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/1/2020 không liên quan đến việc bảo vệ xây tường rào sân bay Miếu Môn.
3. Theo chứng kiến của ông Bùi Viết Hiếu cùng ở trong phòng, thì Cụ Lê Đình Kình bị bắn trực diện từ trước ngực. Lúc đó Cụ Lê Đình Kình trong tay không có vũ khí, chân bị vết thương cũ không đi được.
4. Ông Lê Đình Công bị đánh đập. Theo câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh, có 19 bị can bị tra tấn trong gia đoạn điều tra.
Xin đọc biên bản hỏi cung tại toà do luật sư Ngô Anh Tuấn (FB Tuan Ngo) ghi lại.
“BIÊN BẢN PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM
VỤ ÁN “GIẾT NGƯỜI” VÀ “CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ XẢY RA TẠI THÔN HOÀNH, ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI NGÀY 09/01/2020
Chiều ngày 1 (07/9/2020) và sáng ngày 2 (08/9/2020)
HĐXX XÉT HỎI BỊ CÁO BÙI VIẾT HIỂU (CÁCH LY 4 BỊ CÁO CÔNG, CHỨC, DOANH)
H: Bị cáo có nghe rõ cáo trạng của Đại diện VKS đọc không?
Đ: Có và tôi hoàn toàn không đồng ý nội dung bản cáo trạng. Bị cáo xin được trình bày nguồn gốc đất. HĐXX chấp nhận.
H: Bị cáo cho biết nguồn gốc đất đồng Sênh?
Bị cáo là chủ nhiệm HTX, bị cáo nắm rõ nguồn gốc 59,6ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm. Các cụ cao niêm gần 90 tuổi ở địa phương đều công nhận với chúng tôi nội dung trên.
H: Tổ Đồng thuận được thành lập thời điểm nào?
Đ: Năm 2012. Mục đích chống tham nhũng.
H: Ai tham nhũng?
Đ: Nhiều lãnh đạo xã Đồng Tâm đã phải đi tù vì tham nhũng từ chính hành động của nhóm đồng thuận.
H: Hành vi của bị cáo từ ngày 06-09/01/2020?
Đ: Tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn đã được quân đội xây xong từ trước tết dương lịch nên kế hoạch bảo vệ xây tường rào chỉ là cái cớ để tấn công những người dân Đồng Tâm để xử lý người biết rõ về nguồn gốc đất đồng Sênh.
H: Tại sao khi nghi ngờ những đối tượng lạ mặt đi với chính quyền kéo về Đồng Tâm, bị cáo không báo chính quyền?
Đ: Bị cáo đã từng bị ném trứng thối, báo chính quyền nhưng không được giải quyết rồi nên không tin nữa và không báo.
Clip ghi lời khai của bị cáo vừa chiếu bị cắt ghép, không phản ánh đúng sự thật đã diễn ra.
HĐXX cho trình chiếu lại clip ghi lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu.
H: Bị cáo nghe rõ lời khai không?
Đ: Có. Tôi nghe rõ và những lời khai này nhưng đó là những lời do điều tra viên bắt tôi phải nói đúng như vậy.
H: Bị cáo đã nộp đơn xin giảm nhẹ vào sáng nay đúng không?
Đ: Đúng.
H: Hồ sơ kê khai sử dụng đất, lâu nay kê khai đất đồng Sênh là đất gì?
Đ: Là đất nông nghiệp nhưng chưa chia cho ai.
H: Tại sao trong sổ địa chính chưa kê khai?
Đ: Hồ sơ xã đã nhiều lần ký thu tiền của người dân.
H: Kê khai nguồn gốc đất là nghĩa vụ của ai.
Đ: Là nghĩa vụ của chính quyền, người dân chỉ là người thực hiện theo.
HĐXX tiếp tục cho công bố lời khai của bị cáo Hiểu từ giai đoạn điều tra.
H: Bị cáo có nghe rõ lời khai không?
Đ: Có.
H: Tối 08/01/2020 tại sao bị cáo có mặt tại nhà Kình?
Đ: Vì không muốn ở nhà vì bị xã hội đen bắt cóc để lánh nạn.
H: Tại sao trong giai đoạn điều tra lại khai là do Công gọi điện?
Đ: Đúng do Công gọi. Nhưng 3 hôm trước bị cáo cũng đã ngủ lại tại nhà cụ Kình.
Chủ tọa nhắc bị cáo Hiểu không khai loanh quanh.
Bị cáo Hiểu được đưa ra ngoài.
HĐXX HỎI BỊ CÁO CÔNG
H: Bị cáo xem clip chưa?
Đ: Rồi.
H: Bị cáo suy nghĩ gì?
Đ: 47,36ha là đất của dân Đồng Tâm đã được thu hồi và giao cho quân chủng phòng không không quân, phần còn lại là đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm. Đại diện UBND xã Đồng Tâm và đại diện quân chủng phòng không không quân đã ký văn bản thống nhất không tranh chấp giữa quốc phòng và người dân.
H: Khi công bố kết luận thanh tra, bị cáo có được tham gia không?
Đ: Không
H: Không được tham gia hay chống đối không tham gia?
Đ: Không xuống vì giấy mời của ông chủ tịch xã ghi là xuống gặp tổng thanh tra để lắng nghe nội dung của thông báo 911 mà thông báo này chúng tôi đã được đọc từ lâu rồi.
H: Bị cáo khai hành vi của mình sáng ngày 09/01/2020?
Đ: Cáo trạng ghi bị cáo là chủ mưu là không chính xác. Nếu hành vi xảy ra trên đất đồng Sênh thì bị cáo không phủ nhận còn tối ngày 08/01/2020, bị cáo được ông Nguyễn Văn Thắng báo là tối nay công an sẽ về bắt ông Lê Đình Kình nên bị cáo báo với bị cáo Tuyển, bị cáo Hiểu, Quang, Tiến và Nối. Bị cáo không bàn bạc để chống đối cơ quan chức năng.
H: Việc chuẩn bị vũ khí, bom xăng, dao phóng lợn khi nào?
Đ: Chuẩn bị bom xăng từ năm 2019 để giữ đất.
H: Ai chỉ đạo Tiến mua lựu đạn?
Đ: Bị cáo chỉ đạo.
H: Nguồn tiền đâu ra?
Đ: Nguồn tiền thuê luật sư góp được 48 triệu nhưng đóng cho luật sư 25 triệu, phần còn lại để dành và mọi người góp thêm để mua lựu đạn.
H: Bị cáo mua lựu đạn dùng mục đích gì?
Đ: Mục đích để giữ đất.
H: Lựu đạn để giữ đất là sao?
Đ: Nếu các cơ quan cố tình xây dựng trên đất đồng Sênh mà không xuất trình giấy tờ hợp pháp thì kiến nghị, không được thì ném gạch đá, bom xăng, đường cùng khi bị tấn công thì sẽ dùng tới lựu đạn.
H: Bị cáo sử dụng lựu đạn lúc nào?
Đ: Bị cáo ném lựu đạn 1 lần nhưng chỉ dạo chứ không rút chốt. Bị cáo và các bị cáo khác đã có thỏa thuận là dùng lựu đạn và các vũ khí khác chỉ nhằm mục đích giữ đất mà thôi.
Chủ tọa cho trình chiếu clip lời khai của bị cáo Công tại giai đoạn điều tra.
H: Bị cáo nhận thức gì về hành vi của mình?
Đ: Bị cáo nhận thức là hành vi mình là sai trái. Trong phiên tòa ngày hôm nay, cho bị cáo gửi lời xin lỗi tới 3 gia đình 3 chiến sỹ đã hy sinh và mong được sự tha thứ của gia đình các nạn nhân và mong Đảng, Nhà nước khoan hồng với các bị cáo.
Bị cáo Công được đưa ra ngoài.
HĐXX NGHỈ LÀM VIỆC LÚC 17H33, SÁNG MAI BẮT ĐẦU TỪ 08H00
Sáng ngày 2 (08/9/2020)
HĐXX VÀO LÀM LÚC 8H20
HĐXX TIẾP TỤC PHẦN HỎI
LS HÀ HUY SƠN
HỎI BỊ CÁO BÙI VIẾT HIỂU
H: Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 09/01/2020, ông đang ở đâu?
Đ: Tôi ở trong phòng ông Kình
H: Ông có biết diễn biến sự việc không?
Đ: Không. Chỉ 3 hôm sau tôi mới biết là có công an chết
H: Ông là người duy nhất ở cùng phòng với ông Kình, ông có muốn kể diễn biến sự việc đã diễn ra hay không?
Đ: Cáo trạng nêu không đúng. Ông Kình bị bắn được từ phía trước
H: Ông Kình có cầm lựu đạn không?
Đ: Con cháu không bao giờ giao lựu đạn cho ông
H: Vậy ông Kình cầm gì?
Đ: Ông Kình cầm gậy đinh ba, phải dựa vào tường
H: Ông có thấy ông Kình cầm lựu đạn không
Đ: Không
H: Tại sao ông có vết thương
Đ: Sau khi ông Kình bị chết và chó tha đi thì họ bắn vào chân tôi và bắn thẳng vào ngực tôi nhưng đạn sượt nên không vào tim mà xuống sườn nên không chết. Tôi bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, hai lỗ đại tràng
H: Ông có thể mô tả loại súng?
Đ: Tôi chỉ thấy nòng súng to như cổ tay
H: Kinh nghiệm đi bộ đội ông nghĩ đó là loại súng gì
Đ: Đây là không phải là súng bộ binh mà là loại súng chạm nổ, chạm đâu nổ đấy để gây sát thương.
LS ĐẶNG ĐÌNH MẠNH
HỎI BÙI VIẾT HIỂU
H: Sự kiện xảy ra, ông ở phòng ông Kình đúng không?
Đ: Đúng
H: Ông và ông Kình nói gì đe dọa ai không?
Đ: Ông Kình nói tôi với ông chỉ ở đây thôi, bọn nó không vào được đâu. Việc nói chỉ đủ tôi và ông Kình nghe thôi
HỎI LÊ ĐÌNH CÔNG
H: Vết thương trên mặt ông khi được quay trên tivi từ đâu
Đ: Do vết đạn bắn
H: Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không?
Đ: Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh”.
III. TẦM NHÌN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ?
Mọi quyết định lớn của nhà nước CHXHCN Việt Nam hiện nay đều được thông qua bởi Bộ Chính trị, dù là toàn bộ hay một số người đại diện. Đảng lãnh đạo toàn diện bao gồm cả toà án. Dù ai muốn ai không nhưng đó là thực tế chưa vượt qua hiện nay.
Vấn đề Đồng Tâm không chỉ ở bình diện Hà Nội hay ở Bộ Công an. Vấn đề Đồng Tâm là của cả nước. Cho nên quyết định về vụ án Đồng Tâm cần phải được xem xét kỹ lưỡng ở Bộ Chính trị.
Tầm nhìn của Bộ Chính trị trên bình diện cả nước khác với góc nhìn địa phương của Hà Nội và Bộ Công an. Nếu địa phương lấy ‘thắng thua’ ở Đồng Tâm làm quan trọng, thì Bộ Chính trị phải lấy ‘được mất’ trên toàn quốc làm căn cứ để nhận quyết định.
Có những vấn đề sau cần lấy làm các mốc trụ cột để xem xét.
1.
Cột mốc sân bay Miếu môn với tường rào khu vực Đồng Tâm đã xây xong trước ngày 31/12/2019. Đồng bào Đồng Tâm không tranh chấp đất sân bay Miếu Môn cũng như không ngăn cản hay phá hoại việc xây tường rào sân bay, thậm chí họ còn hoan nghênh ủng hộ các chiến sĩ xây tường rào sân bay.
Việc đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/1/2020 có mục đích khác chứ không phải vì bảo vệ tường rào sân bay. Mục đích đó có chính đáng không? Việc đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/1/2020 là một sai lầm to lớn dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại.
2.
Người dân Đồng Tâm không chống Đảng và Nhà nước. Họ chỉ chống lại một số cá nhân sử dụng danh nghĩa Đảng và Nhà nước để lấy đất của người dân Đồng Tâm chuyển cho Viettel mà không có quyết định thu hồi đúng pháp luật. Cho nên quy cho người dân Đồng Tâm chống đối Đảng Nhà nước là hoàn toàn không đúng.
3.
“Về với dân thì không mang súng”. Đó là lời của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Trước đây Nhà nước đã xử lý tốt nhiều vụ tương tự như Đồng Tâm mà không để xẩy ra án mạng. Để đối phó với trường hợp Đồng Tâm vừa qua - có các biện pháp khác mà không cần đến cảnh sát và vũ khí.
4.
Chỉ để đối phó với mấy chục người dân không súng đạn mà huy động đến 3000 cảnh sát cơ động là một kế hoạch kém.
Có phương tiện hiện đại mà để sơ suất dẫn đến 3 chiến sỹ rơi xuống giếng trời là không tinh nhuệ.
Đáng ra lực lượng cảnh sát cơ động phải là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ. Nhưng thực tế ở Đồng Tâm hôm 09/1/2020 đã phơi bày yếu kém về tất cả các mặt: ý đồ tác chiến, triển khai tác chiến, và thực hành tác chiến. Đây thực sự là điều rất lo lắng khi lực lượng cảnh sát cơ động phải đối mặt với kẻ thù xâm lược.
5.
Vấn đề cốt lõi ở Đồng Tâm là vấn đề sở hữu đất đai. Vì sở hữu đất đai - tiếng là toàn dân, nhưng lại phân bố quyền quyết định cho địa phương mà một số cá nhân đại diện. Từ đó dẫn đến lợi ích nhóm lấy đất của người này để đưa cho người khác, tạo nên sự bất công mới trong xã hội.
Không chỉ ở Đồng Tâm mà ở Thủ Thiêm, Dương Nội và khắp mọi nơi đều chung căn nguyên này. Nói vấn đề Đồng Tâm là vấn đề của cả nước là bởi thế.
Cho nên, phải giải quyết căn bản vấn đề sở hữu đất đai để ngăn chặn các “Thủ Thiêm mới” , “Đồng Tâm mới” trong tương lai.
6.
Vấn đề Đồng Tâm gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Phiên toà xử vụ Đồng Tâm không công bằng sẽ đẩy mâu thuẫn trong xã hội thêm lên cao, làm cho lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của chính quyền càng thêm yếu đi. Tích luỹ mâu thuẫn và sự mất lòng tin sẽ dẫn đến sự phản kháng làm suy yếu chính quyền. Đừng nghĩ rằng trừng trị dân ở Đồng Tâm là làm gương cho nơi khác. Vì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “ Vụ Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai pháp luật”.
7.
Bởi thế, phiên toà Đồng Tâm đang diễn ra phải xác định đúng mục đích là ‘được mất’ trên toàn quốc chứ không phải ‘thắng thua’ của chiến dịch đưa 3000 cảnh sát vào Đồng Tâm.
8.
Không được có ý định thắng dân. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ Đồng Tâm kéo dài trong suốt mấy năm qua đều thể hiện chính quyền kiên quyết thắng dân. Vì thế đã có một kết cục bi thương hôm 09/1/2020, và hậu quả tai hại sẽ còn kéo dài nhiều năm sau nữa.
IV. KHÔNG THỂ ĐỂ CÓ THÊM ÁN MẠNG Ở ĐỒNG TÂM
1. Việc dẫn đến cái chết bi thương của 3 chiến sĩ cảnh sát và cụ Lê Đình Kình xuất phát trực tiếp từ sai lầm đưa 3000 cảnh sát đến Đồng Tâm vào rạng sáng 09/1/2020. Nếu không có chiến dịch đưa 3000 cảnh sát đến Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/1/2020 thì đã không xẩy ra án mạng.
Việc đối phó với người dân không vũ khí ở Đồng Tâm đáng ra phải có cách khác. Cố phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nói “Về với dân thì đừng mang súng”.Trước đây đã có nhiều vụ tương tự nhưng được xử lý tốt, không để xẩy ra án mạng. Để xẩy ra án mạng ở Đồng Tâm hôm 09/1/2020 là lỗi do người xử lý.
2. Tội của những người dân Đồng Tâm hôm 09/1/2020 là tội sinh ra từ hệ quả của việc đưa 3000 cảnh sát về Đồng Tâm. Trị tội thì trước hết phải trị tội nguyên nhân. Không thể chỉ xét xử tội hệ quả mà không xét xử tội nguyên nhân.
3. Công lý là yêu cầu đầu tiên và cuối cùng của xử án. Sự thật phải được công khai. Người dân Đồng Tâm cần được đối xử công bằng. Các luật sư bảo vệ người dân Đồng Tâm cần được đối xử công bằng. Nhưng phiên toà không thể hiện sự công bằng cho người dân Đồng Tâm và các luật sư bảo vệ người dân Đồng Tâm. Một phiên toà như vậy sẽ không đảm bảo công bằng và không đưa lại công lý.
4. Bất cứ có thêm một án mạng nào ở phiên toà về Đồng Tâm đang xét xử hiện thời, thì sẽ chỉ gây thêm thù oán, gây thêm chia rẽ trong dân, gây thêm đau khổ cho người dân Đồng Tâm, càng làm suy yếu lòng tin của dân vào chính quyền. Đây là điều chắc chắn.
5. Cụ Lê Đình Kình, đảng viên 56 năm tuổi đảng, trong tay không có vũ khí, chân bị thương, đi không vững phải dùng gậy chống, đang đêm ở trong nhà mà bị bắn chết trực diện từ trước mặt như lời khai của ông Bùi Viết Hiếu, mà không có một bản án nào được tuyên bố - là không đúng pháp luật. Nếu cụ Lê Đình Kình có tội thì bắt và xét xử công khai, không thể tuỳ tiện sát hại. Không thể không khởi tố vụ án giết hại Cụ Lê Đình Kình.
IV. BỘ CHÍNH TRỊ VÀ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC KHÔNG THỂ KHÔNG QUAN TÂM
Vụ Đồng Tâm vô cùng hệ trọng mà Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội không thể không quan tâm. Bởi thế, xin gửi các đề nghị ngỏ dưới đây đến Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội.
1. Đề nghị Bộ Chính trị, các lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội xem xét về vụ án Đồng Tâm. Kết quả phiên xử sẽ tác động lên hàng triệu người dân trong nhiều năm, có ảnh hưởng rộng lớn đến lòng tin của nhân dân, có thể làm suy yếu sức mạnh của quốc gia.
2. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn Hải Phòng vào tháng 5/2017 đã nói: “Vụ Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai pháp luật”. Cho nên đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm ngày 09/1/2020 là một sai lầm trầm trọng của chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương có trách nhiệm giảm thiểu tác hại từ sai lầm của chính quyền địa phương.
3. Đề nghị đảm bảo công bằng trong xét xử. Hiện nay phiên toà không đảm bảo công bằng trong xét xử. Cụ thể là các luật sư bị hạn chế trong thực hiện quyền tiếp cận hồ sơ vụ án cũng như gặp các thân chủ. Hồ sơ vụ án còn nhiều thiếu sót. Chưa thực nghiệm hiện trường vụ án... Có nhiều dấu hiệu vi phạm ‘thủ tục tố tụng’. Các luật sư đã đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại.
4. Đề nghị xác định tính pháp lý của việc đưa 3000 cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/1/2020. Mục tiêu đích thực là gì? Đây là điều cực kỳ quan trọng để xác định tội danh của các bị can. Cụ thể là phòng vệ, phòng vệ quá mức, chống đối người thi hành công vụ hay giết người?
5. Xác định 3 chiến sỹ đã hy sinh như thế nào? Cần làm thực nghiệm hiện trường vụ án. Đây là tình tiết chìa khoá của vụ án, dẫn đến những kết tội quan trọng đối với các bị can. Chừng nào chưa xác định đúng thực tế cách 3 chiến sỹ đã hy sinh thì chừng đó chưa thể kết tội ai là thủ phạm.
6. Một chiến dịch đã được lên kế hoạch kỹ càng như vậy thì dứt khoát phải có ghi hình. Đề nghị công khai các băng hình ghi được. Không thể nói thời đại công nghiệp 4.0 mà không có băng hình. (Xin lưu ý là khi lính biệt động Seal của Mỹ tiêu diệt Osma bin Laden năm 2011, trên mũ của mỗi người lính đều có camera ghi hình phát trực tiếp trong đêm).
7. Hiện nay án oan ở Việt nam xẩy ra khắp mọi nơi, nhiều vô kể, mà các vụ Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén là các thí dụ điển hình, gây chấn động rợn người trong xã hội. Trong vài năm gần đây, xuất hiện nhiều vụ tự tử tại toà vì bị xử oan. Với các điều đã nêu trên, phiên toà Đồng Tâm mà Toà án ND TP Hà Nội đang xử khó tránh khỏi kết tội oan cho các bị can.
Chỉ có xét xử công bằng cho vụ án Đồng Tâm thì hận thù và chia rẽ trong xã hội mới được giảm thiểu tối đa.
VI. VỚI CÁC QUAN TOÀ VÀ VIỆN KIỂM SÁT
Lịc sử sẽ phơi bày sự thật về Đồng Tâm. Nên đừng ai đó trong số các quan toà và viện kiểm sát hy vọng tránh được phán xét của lịch sử, nhân dân và thần thánh.
Cho nên mong chủ toạ phiên toà - thẩm phán TRƯƠNG VIỆT TOÀN cũng như các quan toà và các vị ở viện kiểm sát thật sự công tâm. Bảo vệ công lý cho mọi bị can, đó cũng là bảo vệ công lý cho các thẩm phán và người thân các thẩm phán. Không ai có thể sống một mình mà không liên luỵ đến gia đình con cháu. Càng không ai có thể tránh được sự nổi giận của thần thánh.
VII. VỚI LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Biết rằng các luật sư đã bị đặt vào hoàn cảnh rất khó khăn, và bị dồn vào khoảng không chật hẹp, nhưng rất thán phục các các luật sư đã kiên cường và rất trí tuệ bảo vệ lẽ phải. Nhờ các luật sư mà một phần sự thật về vụ án Đồng Tâm ngày 09/1/2020 đã được hé mở. Càng mở được nhiều sự thật bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, bất chấp toà có chấp nhận hay không.
Vụ án Đồng Tâm chưa thể kết thúc. Các bị can sẽ còn kháng cáo. Ngay cả khi đã hết các phiên toà, vụ án Đồng Tâm cũng không thể kết thúc cho đến khi sự thật Đồng Tâm được bạch hoá hoàn toàn. Rất cần các nỗ lực không ngừng của các luật sư.
VIII. TẦM NHÌN VƯỢT TRÊN SỰ ĐÚNG SAI CỤC BỘ
Có tranh cãi về nguyên nhân ai đúng sai thế nào đi nữa thì sự kiện Đồng Tâm ngày 09/1/2020 đã xẩy ra. Không có cách nào xoá bỏ được. Người chết thì đã chết rồi không sống lại được. Giết thêm mạng người là thêm tội lỗi. Nếu cố tình giết các con Cụ Kình thì người đã giết Cụ Kình có thể thoát chết được chăng? Oan oan tương báo đến bao giờ mới kết thúc? Điều quan trọng nhất là làm lành vết thương. Bởi vậy, mới cần đến công lý, mới cần đến tầm nhìn xa, vượt trên sự toan tính thắng thua cục bộ.
Năm 202 sau khi Tào Tháo tiêu diệt Viên Thiệu, có người mang đến cho Tháo danh sách những người phía Tào mật giao với Viên Thiệu để Tháo trị tội. Tháo không xem mà cho đốt đi. Muốn chiếm thiên hạ thì phải quảng đại.
Nay quốc gia bên ngoài đang phải đối mặt với một kẻ thù mạnh và hung hãn chưa bao giờ từng có. Mọi chia rẽ lòng dân bên trong sẽ làm suy yếu tiềm lực quốc gia. Hãy ngó lên mạng xã hội để thấy thiên hạ chia rẽ như thế nào trong vụ Đồng Tâm.
Bộ Chính trị, và nhất là những người đang đảm nhiệm và sắp đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước - phải có tầm nhìn quảng đại vượt xa người thường. Khi lấy lợi ích quốc gia là mục tiêu trên hết thì phải cậy nhờ đến lòng dân trước tiên. Không bảo vệ được người dân thì làm sao bảo vệ được tổ quốc.
Nguyễn Ngọc Chu
P/S: Bài viết nêu một góc nhìn cá nhân và nguyện vọng cá nhân. Còn nhiều vấn đề chưa đề cập. Còn xa mới thấu đáo. Xin bỏ qua những điều không tìm được tiếng nói chung.
Không có nhận xét nào