Chủ nghĩa đế quốc chủ nợ của Trung Quốc: Tại sao luôn có ‘con mồi mới’ sập ‘bẫy nợ’ này? Trong gần một thập kỷ qua, truyền thông, chính phủ ...
Chủ nghĩa đế quốc chủ nợ của Trung Quốc: Tại sao luôn có ‘con mồi mới’ sập ‘bẫy nợ’ này?
Trong gần một thập kỷ qua, truyền thông, chính phủ khắp thế giới luôn đầy lo ngại khi nhắc tới thuật ngữ “bẫy nợ”, vốn gắn liền với mưu đồ bất chính trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” (BRI) của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thao túng cả chính trị và kinh tế tại nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Nhưng tại sao luôn có những “con mồi mới” sập “bẫy nợ” này?
Cách mà Bắc Kinh tạo nên bẫy nợ chính là nhờ vào sự tha hóa đạo đức của chính quyền, doanh nghiệp và các lỗ hổng thể chế tại các nền kinh tế nơi nó càn quét qua. Bẫy nợ đã hiện hữu tại nhiều quốc gia nơi “Con đường tơ lụa" BRI” của Trung Quốc đi qua. Vấn đề là, chúng ta cần nhận biết “cơ chế tạo bẫy nợ” của Trung Quốc nhằm tránh các bẫy nợ lớn hơn sau này.
‘Bẫy nợ Bắc Kinh’ giăng như tơ nhện khắp các lục địa
Tháng 12/2017, Sri Lanka không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc, quốc gia này đã buộc phải chính thức bàn giao cảng Hambantota chiến lược của mình cho công ty Trung Quốc tiếp quản.
Tương tự, ở khu vực Nam Á, Pakistan cũng ngập trong nợ Trung Quốc. Hồi năm 2014, tổng đầu tư cho sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) chỉ vào khoảng 46 tỷ USD, nhưng tính đến năm 2019 đã “đội lên” 62 tỷ USD vì chi phí các dự án liên tục bị vượt dự toán.
Trước đó, vào năm 2015, một công ty Trung Quốc đã ký được hợp đồng thuê 99 năm đối với cảng nước sâu Darwin của Úc – nơi đóng quân của hơn 1.000 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ – với giá trị 388 triệu USD (506 triệu đô la Úc).
Tại châu Phi, sau khi cho quốc gia châu Phi Djibouti vay hàng tỷ USD đến mức ngập nợ, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nước này trong năm 2017. Căn cứ này tuy nhỏ nhưng mang tính chiến lược quan trọng, chỉ cách căn cứ hải quân Mỹ vài km – cơ sở quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở Châu Phi.
Bị mắc kẹt trong khủng hoảng nợ, Djibouti không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho Trung Quốc thuê đất với mức giá 20 triệu USD/năm.
Trung Quốc cũng đã sử dụng “bẫy nợ” đối với Turkmenistan (một quốc gia tại Trung Á) để khai thác khí tự nhiên của nước này thông qua một đường ống dẫn khí mà phần lớn dẫn sang Bắc Kinh.
Tính đến nay, Kenya đã vay Trung Quốc 9,8 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Tháng 12/2018, truyền thông Kenya đưa tin chính quyền nước này đã thế chấp cảng Mombasa khi vay 3,2 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt 470 km từ Mombasa đến thủ đô Nairobi. Trong trường hợp Kenya không thể trả nợ, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp quản cảng Mombasa. Đây là một trong những hải cảng lớn và đông đúc nhất Đông Phi.
Theo Quartz Africa, một ví dụ điển hình là dự án đường cao tốc 51 km nối liền thủ đô Kampala của Uganda với sân bay Entebbe. Con đường này được xây bởi Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) với giá rất cao. Mức đầu tư của dự án là 1.700 tỷ shilling, tương đương 450 triệu USD, nhiều hơn tổng số tiền Uganda chi ra để làm đường trong vòng một năm (1.600 tỷ shilling).
Như vậy, giá mỗi km của con đường này lên đến 9,3 triệu USD, lớn gấp 9 lần khi Uganda làm đường những năm trước. Ước tính trong số 48 dự án phát triển đường quốc gia của Uganda trong 10 năm qua, 70% rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc.
Theo The Independent, Tập đoàn Thiết bị và Công nghệ điện Trung Quốc (CET) có thể sẽ đầu tư 3 tỷ USD để phát triển hạ tầng điện Uganda. Báo cáo cho biết chính quyền Uganda đã thế chấp một số tài sản quốc gia để vay nợ. Nếu không thể trả nợ, các tài sản này sẽ rơi vào tay của chủ nợ nước ngoài.
Một số quốc gia khác như Argentina, Namibia hay Lào đều bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, buộc những nước này phải đối mặt với những quyết định đau đớn như là chuyển quyền sở hữu tài sản công cho Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Trung Quốc đang tuyên truyền với chính quyền và người dân Lào rằng: “Các bạn không thực sự mất chủ quyền với lưới điện quốc gia nào hết... Trung Quốc là đang giúp đỡ Lào mà thôi!" (Ảnh: ADRIAN BRADSHAW/AFP qua Getty Images)
Lào, đất nước Đông Nam Á nhỏ bé, nghèo nàn sẽ buộc phải nhường phần lớn quyền kiểm soát lưới điện cho một công ty Trung Quốc, trong bối cảnh nước này phải vật lộn để ngăn chặn khả năng vỡ nợ. Tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào điện, giao thông, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã lên tới hơn 10 tỷ USD và nợ công của Lào đối với Trung Quốc đã ở mức 45% GDP.
Có thể thấy, chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc cực kỳ lợi hại – một nước cờ quan trọng trong chiến lược mà ông Tập Cận Bình gọi đó là “dự án của thế kỷ” . Đây được xem là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các quốc gia mà Trung Quốc ”mời” tham dự vào dự án của họ, bởi có nguy cơ rất lớn là các quốc gia “con nợ” sẽ mất cả tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, lẫn chủ quyền của họ vào tay Bắc Kinh.
Việt Nam có nên cẩn trọng trước ‘bẫy nợ’ từ Trung Quốc?
Trước mắt, Việt Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ từ các dự án đầu tư của Trung Quốc. TS Nguyễn Đức Thành - viện trưởng VEPR - cho biết theo kết quả nghiên cứu chỉ ra vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam "rất đặc biệt" khi chủ yếu đi qua hình thức làm tổng thầu EPC, chứ không chỉ qua FDI hay ODA.
Phân bổ của vốn Trung Quốc chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, hóa chất, cung cấp điện, nước và bất động sản. TS Trần Toàn Thắng - trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - cho rằng để hiểu đúng bản chất về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam là một thách thức. Bởi EPC không phải là hình thức đầu tư mà là hợp đồng xây dựng đơn thuần.
Truyền thông nhà nước khi tìm hiểu về vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng cho rằng một điều đáng ngạc nhiên là khi rà soát các số liệu liên quan đến vốn FDI hay là vốn ODA từ Trung Quốc (bao gồm cả dòng vốn liên quan đến các hợp đồng EPC), đều rất khó tìm được số liệu minh bạch và đáng tin cậy. Số liệu vốn vay ODA từ các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể được tìm thấy, còn số liệu ODA từ Trung Quốc thì được cho là "nhạy cảm".
Như vậy có thể hiểu rằng tổng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn là con số chưa rõ ràng, minh bạch. Trong một báo cáo vào tháng 08/2018 gửi Thủ tướng Việt Nam về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ phát triển ODA và vốn vay ưu đãi, bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nợ Trung Quốc. Theo báo cáo này, vốn gọi là “ưu đãi” của Trung Quốc cho Việt Nam thật ra cũng tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, tức là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
Cụ thể, vốn vay Trung Quốc có lãi suất là 3%/năm, cao hơn vốn vay của Nhật Bản (0,4 -1,2%), Hàn Quốc (0 - 2%) hoặc Ấn Độ (1,75%). Ngoài ra, còn thêm phí cam kết là 0,5% và phí quản lý là 0,5%. Thời hạn vay vốn của Trung Quốc là 15 năm và thời gian ân hạn là 5 năm, cả hai đều thấp hơn so với các nhà tài trợ khác.
Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Điển hình nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 16 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn gấp 2 lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD.
Trong một bài đăng trên Dân Trí cho biết chính bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã nhìn nhận rằng trong thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án của Việt Nam, nhưng trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình sau khi hoàn thành không cao, công trình xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành…
Bên cạnh đó, nhiều dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng đang “đắp chiếu”, cũng sử dụng vốn vay từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chẳng hạn Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc đầu tư giai đoạn 2, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam), Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), Nhà máy DAP Hải Phòng (Hải Phòng), Nhà máy DAP Lào Cai (Lào Cai), Công ty thép Việt - Trung (Lào Cai), Nhà máy sợi Đình Vũ (Hải Phòng), Nhà máy giấy Hậu Giang (Hậu Giang) và nhiều dự án khác.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp, tức là vốn của người Trung Quốc mua lại công ty và tài sản Việt Nam, hoặc lập công ty, đội lốt công ty Việt Nam để gia tăng sự hiện diện của vốn Trung Quốc tại Việt Nam cũng chưa thể có được số liệu đầy đủ, đặc biệt là đối với các dự án bất động sản ở các khu vực nhạy cảm, gần biên giới như Quảng Ninh, Khánh Hòa, TPHCM, dọc bờ biển miền Trung… Chủ đầu tư của các dự án này có nguồn vốn điều lệ cũng như vốn kinh doanh tăng một cách bất bình thường.
Tại sao luôn có ‘con mồi mới’ sập ‘bẫy nợ’ này?
Theo Forbes, giáo sư Panos Mourdoukoutas thuộc Đại học Columbia (Mỹ) nhận định: “Các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung Quốc bị độn giá khủng khiếp bởi chúng do các công ty Nhà nước Trung Quốc xây dựng; hoàn toàn không tồn tại Quy trình đấu thầu công khai, minh bạch. Nguồn vốn chính đến từ các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, do đó nước chủ nhà trở thành con nợ của Trung Quốc”.
Tờ South China Morning Post phân tích, các ngân hàng Trung Quốc chuyển tiền cho các công ty Trung Quốc mua thiết bị, vật tư tại Trung Quốc rồi xây dựng ở các nước có dự án đầu tư của họ. Tình trạng tham nhũng tại các quốc gia này còn nghiêm trọng, do đó càng đẩy tổng vốn các dự án tăng lên.
Forbes dẫn lời nhà phân tích Ted Bauman của Banyan Hill Publishing cho biết: “Rõ ràng mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc không phải là kinh tế mà là địa chính trị. Các khoản đầu tư lớn nhất đều do công ty Nhà nước Trung Quốc thực hiện, tập trung vào hạ tầng. Điều này khiến các nước chủ nhà mắc kẹt trong nợ Trung Quốc”.
Ở Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Thủ thuật của Trung Quốc là lợi dụng luật đầu tư và luật đấu thầu của Việt Nam là người nào bỏ thầu giá thấp nhất thì sẽ được chấp nhận. Các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp cho nên luôn thắng thầu. Sau khi họ thắng thầu và tiến hành xây dựng thì công trình đó đội giá lên gấp nhiều lần và cuối cùng Việt Nam phải trả một cái giá rất đắt, với một công nghệ rất kém, và nhiều yếu tố môi trường mà người dân rất quan tâm. Cho nên, Việt Nam cần phải điều chỉnh quá trình xét duyệt các dự án của Trung Quốc và điều chỉnh các điều kiện của luật đất thầu, để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc”.
Làm thế nào để tránh được ‘bẫy nợ’ từ Trung Quốc?
Trong số các nước vay nợ Trung Quốc, ít có quốc gia nào tỉnh táo như Malaysia. Lên nắm quyền hồi năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ một loạt dự án tiêu tốn 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc vì quá đắt đỏ. Sau đó, chính quyền Malaysia quyết liệt đàm phán, buộc Trung Quốc chấp nhận giảm chi phí phát triển dự án đường sắt East Coast Rail Link từ gần 16 tỷ USD xuống chỉ còn 9,6 tỷ USD.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kiên quyết hủy bỏ một loạt dự án tiêu tốn 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc vì quá đắt đỏ (Ảnh: Parker Song - Pool/Getty Images)
Việt Nam đã nhận ra những mối nguy hiểm từ nguồn vốn Trung Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi; hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến các chương trình, dự án vay ODA và vốn ưu đãi tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư để tăng tính chủ động, công khai và minh bạch trong quản lý vốn vay nước ngoài.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước trên tinh thần kinh tế thị trường, Quốc Hội chỉ đạo không sử dụng vốn ngân sách chi cho các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Bộ Xây dựng cũng đưa ra các cảnh báo về nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản thông qua các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ở các vùng có vị trí địa lý nhạy cảm về quân sự và an ninh quốc phòng.
Trong dài hạn, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các dự án vay nước ngoài theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; lập danh sách các dự án dự kiến sử dụng vốn vay nước ngoài trong trung và dài hạn. Trong đó, vốn vay ODA và ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn khác.
Nguồn vốn vay ưu đãi chỉ nên ưu tiên sử dụng cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, sản xuất thông minh... Ngược lại, các dự án phục vụ nhu cầu mua sắm nội địa cần hạn chế dùng vốn ODA tài trợ do sẽ làm tăng nợ công.
Lãnh đạo Park Chung Hi của Hàn Quốc trong những năm 60 thế kỷ trước, đã từng tuyên bố: “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào dám ăn cắp một đồng của công”. Thiết nghĩ, khi nền tảng đạo đức xã hội tôn trọng luật pháp, trọng nghĩa, trọng tín, qua đó xây dựng văn hóa kinh doanh vì sự phồn vinh và vững mạnh của xã hội, thì những “bẫy nợ” nguy hiểm của Bắc Kinh sẽ khó có thể chiêu dụ được “con mồi” nữa.
Trà Nguyễn
Nam Thái Bình Dương “sập bẫy nợ” Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu không giấu giếm tham vọng thống trị các khu vực chiến lược quan trọng. Do đó, Bắc Kinh dùng tiền và tạo áp lực để “bẫy” một loạt các nước nghèo, hiện thực hóa tham vọng của mình. Và phương tiện chính của chiến thuật này là sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI” mà Trung Quốc tạo ra để mở rộng ảnh hưởng thông qua một loạt các khoản đầu tư ở nước ngoài.
Với BRI, Trung Quốc muốn đổ tiền vào những nước nghèo, sau đó kiểm soát các cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng khi các “con nợ” không trả nổi nợ. Ðến nay, chiến thuật này đã gặt hái thành công khi Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD, trong khi Djibouti cho phép Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một cảng và một căn cứ quân sự.
Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang áp dụng chiến lược tương tự ở Nam Thái Bình Dương. Theo đó, Tonga, quốc gia nhỏ bé với dân số 106.000 người, đang nợ Trung Quốc khoảng 125 triệu USD, gần bằng ¼ GDP. Năm 2006, cuộc nổi loạn chống chính phủ gần như phá hủy thủ đô Nuku‘alofa. Sau khi bất ổn tạm lắng, Bắc Kinh đã nhảy vào “giúp đỡ”. Năm 2018, trước yêu cầu tái cấp vốn, Tonga cần tăng gần gấp đôi khoản vay ban đầu trị giá 65 triệu USD từ Trung Quốc khi Thủ tướng Akilisi Pohiva cùng với lãnh đạo một số quốc gia Nam Thái Bình Dương khác tìm cách xin Bắc Kinh xóa nợ. Khi đó, 8 nước Nam Thái Bình Dương nợ Trung Quốc tổng cộng hơn 1 tỉ USD. Dù vậy, ông Pohiva khi đó bày tỏ quan ngại rằng để được xóa nợ, Tonga phải “cấn” cho Trung Quốc nhiều tài sản chiến lược, giống như trường hợp của Sri Lanka và một số nước khác. Cuối cùng Tonga chấp nhận tham gia BRI để khoản nợ được hoãn trả trong 5 năm.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Kiribati, một chuỗi đảo xa xôi khác ở Nam Thái Bình Dương. Ðộ cao trung bình của Kiribati chỉ cao hơn mực nước biển chừng 2 mét, khiến quốc gia này có thể chìm vào đại dương do hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, Kiribati đã tìm cách vay nợ từ Ðài Loan để mua máy bay thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa các đảo san hô và phát triển du lịch. Song, sau khi bị Ðài Bắc từ chối, Tarawa hồi tháng 9-2019 đã “ngã vào tay” Bắc Kinh, chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan. Và vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Taneti Maamau đã đồng ký tham gia BRI trong một thỏa thuận cho phép Trung Quốc tiếp cận các cảng nước sâu quan trọng ngoài khơi Kiribati.
“Nối gót” Kiribati, Quần đảo Solomon, một nước nhỏ ở phía Ðông Bắc Úc, cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan và ngã về Trung Quốc. Ngay sau đó, giới đầu tư Trung Quốc đã mua quyền khai thác vĩnh viễn cơ sở khai thác vàng Gold Ridge của Solomon với giá 865 triệu USD. Vài tháng sau đó, Reuters tiết lộ Solomon tìm cách vay Bắc Kinh 100 tỉ USD, gấp 66 lần GDP của nước này.
Một trường hợp đáng lo ngại khác là Vanuatu, chuỗi đảo nằm ở phía Ðông Nam Quần đảo Solomon. Trong khi Vanuatu có quan hệ kinh tế, văn hóa mạnh mẽ với Úc, New Zealand và Liên minh châu Âu (EU), tương lai của nước này ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc. Ðược biết, hơn một nửa trong số 440 triệu USD nợ công của Vanuatu là đến từ Trung Quốc. Không những vậy, Bắc Kinh còn tài trợ xây dựng cảng lớn nhất ở Nam Thái Bình Dương tại Luganville, thành phố lớn thứ hai ở Vanuatu. Cảng này có quy mô lớn, có thể neo đậu tàu sân bay, khiến Chính phủ Úc lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân trong tương lai tại đây.
Giới phân tích cho rằng, mục đích “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc tại khu vực một là nhằm cho phép Bắc Kinh tạo áp lực, ép các nước láng giềng nhỏ bé cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan; hai là cho phép Trung Quốc xây dựng sức mạnh hải quân, nâng cao năng lực trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ.
HOÀNG NAM (Theo National Review)
Không có nhận xét nào