Thiên hạ đang ồn lên chuyện tỉnh Hòa Bình nịnh hồn cụ, đục núi làm khẩu hiệu, tốn dững mỗi chữ gần 1 tỉ đồng, tổng cộng 11 chữ hết hơn chục ...
Thiên hạ đang ồn lên chuyện tỉnh Hòa Bình nịnh hồn cụ, đục núi làm khẩu hiệu, tốn dững mỗi chữ gần 1 tỉ đồng, tổng cộng 11 chữ hết hơn chục tỉ, nghe mà rợn.
Nhân chuyện khẩu hiệu ở xứ này, tôi đăng lại loạt bài nhiều kỳ cho mọi người thấy xứ An Nam ta là vương quốc khẩu hiệu, vô địch về khẩu hiệu, có khi ngay cả thằng Tàu cộng sản đàn anh cũng không bằng. Nói đâu xa, những ngày này, các vị cứ thò mặt ra đường là bị khẩu hiệu nó nhát ngay, tinh những nhiệt liệt chào mừng, quang vinh, muôn năm, thành công tốt đẹp.
Chuyện khẩu hiệu
Phải nói ngay rằng bây giờ khẩu hiệu đã bớt đi rất nhiều so với mươi năm trở về trước. Dạo ấy, cứ ra khỏi nhà là gặp khẩu hiệu, chứ không phải gặp anh hùng (làm gì còn anh hùng mà gặp).
Một anh chí thân lớn hơn tôi vài tuổi, anh Nguyễn Thế Khải giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ nức tiếng, đi Tây đi Mỹ xoành xoạch như đi chợ, không chỗ nào trên thế giới mà anh không tới, thậm chí còn bảo nếu sức khỏe tốt sẽ đi Bắc cực hoặc Nam cực một chuyến cho đã, anh bảo rằng xứ mình là vua khẩu hiệu. Bọn Tây bọn Mỹ nó ít treo khẩu hiệu lắm, chỉ có những doanh nghiệp lớn thì thỉnh thoảng dùng, chứ chính quyền nó không thích thứ này. Đi xuyên bang cả ngàn cây số, nhà cửa phố xá của nó san sát, cấm thấy cái khẩu hiệu nào. Tôi cười nói với bác ấy, tại Mỹ nó đếch có ban tuyên giáo, đếch có bộ 4T, đứa nào giăng mắc kẻ khẩu hiệu ra đường, dân nó tẩn bỏ mẹ.
Xứ ta thì khác. Khẩu hiệu là đặc sản, là nét độc đáo, là sự áp dụng chủ nghĩa Mác sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam. Cứ thử hình dung, một ngày nào đó sáng ngủ dậy thấy vắng bặt hẳn khẩu hiệu, lò mò đi khắp nơi không tìm ra câu khẩu hiệu nào, lại chả phát điên. Nhưng cán bộ, nhà chức việc điên thôi, chứ dân lại chẳng hò reo ăn mừng, tôi chớ kể.
Đành rằng xứ ta khẩu hiệu kẻ vẽ giăng mắc quanh năm chứ chẳng phải xuân thu nhị kỳ, nhưng chúng được mùa nhất vào những dịp đại hội, lễ kỷ niệm, tết nhất, ngày sinh cụ này, ngày chết ông kia. Khắp chợ cùng quê, chỗ nào cũng đỏ ối, vải đỏ bay phần phật, nhìn hoa cả mắt. Ông bà nào thần kinh không vững, bị tiền đình chẳng hạn, có khi ngã sấp mặt gẫy răng bởi khẩu hiệu chứ chả đùa.
Khẩu hiệu là gì? Anh chị nào rành tiếng Anh, biết nó có tên tây là slogan. Đó là một từ, một cụm từ, hoặc một câu ngắn gọn truyền đạt nội dung gì đó, gây ấn tượng với người đọc. Cái hãng bảo hiểm Prudential khi sang xứ ta, nó vẫn lôi theo câu slogan khẩu hiệu nổi tiếng của nó từng dán vào mắt mấy tỉ người trên khắp thế giới, dịch ra quốc ngữ ta là: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Chỉ 8 chữ tiếng Việt vậy thôi, ối ông bà dù nhà đang nghèo rớt mùng tơi vẫn bị nó dụ, chạy bằng được tiền để cống cho nó. Nó nghe mình, nó hiểu mình, thì mình còn sợ cái gì. Nó chứ có phải chính quyền, chính phủ đâu mà mình nghi ngờ. Prudential thắng ở xứ ta là vậy.
Trong tiếng Việt, khẩu hiệu là từ Hán Việt. Khẩu là cái mồm, mà mồm thì để nói. Một câu nói được xướng lên làm hiệu lệnh, làm chủ trương, đường lối, chính sách, hướng dẫn hành động cho số đông, thì gọi là khẩu hiệu.
Xứ ta, bất kỳ ông bà nào khi ngoi lên được vị trí lãnh đạo là bắt cái mồm hoạt động hết cỡ. Khẩu hiệu cứ phun ra phì phì. Mình không khẩu hiệu, làm sao chúng biết mình là lãnh đạo. Phun xong, sai bọn loong toong, sai nha đi kẻ vẽ khắp mọi bức tường, giăng vải đỏ khắp cột đèn cột điện. Khẩu hiệu nhét đầy các hội trường nơi phố thị, bay về tận vùng sâu vùng xa. Tuyên giáo đã ra tay thì dân có mà chạy đằng trời. Càng đói càng phải đọc khẩu hiệu. Đọc cho quên đói, khỏi đói. (còn tiếp, còn dài)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào