ĐỒNG TÂM Ngày 7/9/2020 tới đây sẽ diễn ra phiên toà xét xử vụ án hình sự xảy ra tại Thôn Hoành, xã Đồng Tâm từng gây hoang mang dư luận trướ...
Ngày 7/9/2020 tới đây sẽ diễn ra phiên toà xét xử vụ án hình sự xảy ra tại Thôn Hoành, xã Đồng Tâm từng gây hoang mang dư luận trước đây.
Điều đáng tiếc nhất là lẽ ra nên có một phiên toà dân sự xét xử vụ tranh chấp đất đai hơn là ngày hôm nay để xảy ra một phiên toà xét xử hình sự mà trong đó người đóng vai chính của vụ việc là cụ Lê Đình Kình còn là đảng viên cho đến ngày bị bắn tại nhà.
Về nội dung vụ việc thì nhiều phe nhiều bên đã nói rồi nên tôi không nhắc lại. Chỉ muốn nói các góc độ khác của vụ việc. Còn tranh luận về vụ án thì nên để luật sư và cơ quan công tố, xét xử tiến hành.
Thứ nhất, phải nói là buổi sáng hôm xảy ra sự việc, khi đọc thông tin như một cơn bão lũ tuôn ra nói “nhóm Đồng Tâm do Lê Đình Kình dẫn dắt là nhóm khủng bố” thì tôi thực sự chán. Hoá ra lâu nay Việt Nam chưa có khủng bố thì giờ có khủng bố. Vậy đâu còn là môi trường an toàn để kêu gọi đầu tư.
Dù sau đó các cơ quan công an không còn gọi nhóm Đồng Tâm là khủng bố nữa, nhưng câu hỏi đặt ra là các “dư luận viên” ồ ạt và nhiệt tình rêu rao về khủng bố đó là ai đứng sau và để làm gì, có mục đích gì ?
Ảnh hưởng môi trường đầu tư không chỉ vì tự nhiên mọc ra cái khủng bố mà còn là cơ chế xử lý tranh chấp. Các dư luận nói rằng “thanh tra nhà nước đã kết luận là đất tranh chấp là đất Quốc phòng nên phía sai trái là nhóm cụ Kình”. Lý luận như vậy là sai về mặt pháp lý. “Thanh tra nhà nước” là công cụ hành pháp để xử lý tranh chấp giữa nội bộ các cơ quan chính quyền với nhau, không áp dụng cho tranh chấp giữa nhà nước-dân hay giữa dân-dân.
Giới đầu tư (nhất là đầu tư nước ngoài) sẽ đặt ra câu hỏi là mai mốt họ tranh chấp gì đó với cơ quan bộ ngành nhà nước thì có ông thanh tra nhà nước nhảy ra chơi trò phủ bênh phủ-huyện bênh huyện thì sao ? Rồi lúc đó họ kháng chỉ thì có chuyện nửa đêm có nhóm áo đen hay áo đỏ nào đó bắn bỏ họ không ? Tại sao không kết luận tranh chấp nhà nước và dân sự bằng một phiên toà tố tụng dân sự ban ngày dưới ánh mặt trời.
Thứ hai, xét về góc độ an ninh quốc phòng thì vụ Đồng Tâm cũng không ổn. Đảng hay nói “nhóm Lê Đình Kình có diễn biến phức tạp từ 2017, trở thành điểm nóng kéo dài..”. Điểm nóng như vậy từ gần ba năm mà tầng tầng lớp lớp cơ quan từ xã lên đến trung ương không giải quyết nổi để phải nổ súng diễn ra ?
Tôi còn nhớ quãng 10-15 năm trước có vụ ông Nguyễn Quốc Quân từ Mỹ về Việt Nam. Ông Quân đến Campuchia thì đổi tên là Ly-Seng, khi nhập cảnh thì mang theo súng nhưng bị an ninh Việt Nam phát hiện và chận bắt từ biên giới. Hoá ra vụ Đồng Tâm người ta không ngăn chặn từ xa và từ đầu được như vụ Ly Seng ? An ninh ngày càng gù đi như vậy thì ứng phó nổi với cuộc chiến Mỹ-Trung đang ngày càng phức tạp hay không ? Vì gù đi hay vì còn động cơ nào khác ?
Ông Quân là người ở Mỹ, mang súng và đổi tên khi chuẩn bị nhập cảnh thì là có ý đồ gì đó, nhưng ông Quân với đảng là xa lạ, có khi còn là “đối lập”, còn ông Kình còn là đảng viên khi bị bắn chết. Hoá ra ông Quân vẫn may mắn hơn ông Kình. Các đảng viên sẽ nghĩ gì ?
Thứ ba là một câu chuyện khác. Với các thông tin “chính thống” được đưa ra thì trước khi xảy ra vụ án thì nhóm Lê Đình Kình bị cho là “một cái ổ phản động quy tụ các thành phần đối lập”. Nếu chúng ta biết rằng ở Ba Lan sau khi chuyển hoá, hồ sơ được đưa ra là có 70% các thành phần đối lập là có liên hệ với an ninh theo nhiều mức độ khác nhau. Vậy cho là Việt Nam là 50% đi, làm gì mà thành ra “bị động, bất ngờ”.
Điểm qua các góc độ chính như vậy để thấy vụ Đồng Tâm là đã quá bất bình thường, nên nếu phiên toà bị đánh giá chính trị gì đó cũng là điều được thấy trước mà thôi.
Súng phải nổ vào một người đã đi qua cùng đất nước và chế độ hai cuộc chiến tranh, khi chết còn là đảng viên. Nay con cái, hàng xóm của họ cùng nhau ra toà với khung án có thể đến mức tử hình thì ai sẽ còn đồng tâm được với nhau ?
Hữu Minh
Không có nhận xét nào