Hiến Kế! Tui thấy năm nào sách tiếng Việt cũng gây ra những tranh luận (nhiều lúc tranh cãi) từ sôi nổi đến ồn ào bất tận... Để chấm dứt đượ...
Hiến Kế!
Tui thấy năm nào sách tiếng Việt cũng gây ra những tranh luận (nhiều lúc tranh cãi) từ sôi nổi đến ồn ào bất tận... Để chấm dứt được tình trạng ấy, bảo đảm sự ổn định của sách giáo khoa sao cho lớp sau có thể sử dụng lại được và không dẫn đến năm nay nào các bậc phụ huynh cũng phải tốn nghìn tỉ để mua sách cho các cháu thiếu nhi, thì cần phải có kế sách mang tính đột phá và sáng tạo.
Với hiểu biết của mình, tui mạnh dạn đưa ra ý tưởng táo bạo như thế này:
- Việc trước tiên cần làm ngay là Chính phủ không cấp tiền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để cải cách giáo dục tiểu học nữa. Không có tiền thì chắc chắn từ nay sách tiếng Việt lớp 1 sẽ ổn định.
- Giao cho Bộ trưởng chỉ đạo rà soát từ bài học trong bộ sách đã cho lưu hành, bài nào, chủ đề nào, câu nào, chữ nào chưa chuẩn thì sửa chữa, thay đổi cho phù hợp.
- Thời hạn Bộ trưởng phải hoàn thành là 01 năm, bảo đảm năm học sau các cháu sẽ có bộ sách hoàn chỉnh. Bộ trưởng tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân.
Dĩ nhiên, ông Bộ sẽ kêu ca là không có tiền sao thực hiện nhiệm vụ ấy được. Điều này rất dễ xử lý. Các vị được trả lương để chăm lo cho giáo dục nước nhà, rồi cái Vụ phụ trách giáo dục Tiểu học hay gì đấy được lập ra là để làm công việc này, không làm được thì mời ra ngoài.
Một điều nữa chắc chắn ông Bộ sẽ la làng rằng giáo dục là quốc sách, là công việc hệ trọng, một mình Bộ không thể đơn phương làm điều đó, phải huy động trí tuệ của các nhà khoa học, trí tuệ của toàn dân.v.v. Muốn huy động được như vậy thì phải tổ chức Hội thảo, Hội nghị, rồi phải tạo điều kiện cho các thầy cô giáo đóng góp ý kiến... Mọi hoạt động như vậy chỉ có thể thực hiện được khi có rất nhiều tiền.
Cái vấn đề nan giải này theo tôi có thể xử lý được mà không cần nhiều tiền.
Thứ nhất, Bộ thành lập Tổ chuyên trách chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp ý kiến đóng góp cho bộ sách để tạo cơ sở cho việc chỉnh sửa. Tổ này đã hưởng lương từ ngân sách, họ không thực hiện nhiệm vụ này thì phải thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng. Nên chỉ cần thanh toán công tác phí và chế độ làm thêm giờ (nếu có) là đúng luật.
Thứ hai, Bộ trưởng chỉ đạo cho Sở Giáo dục 63 tỉnh thành tổ chức lấy ý kiến của các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy Lớp 1, rồi các tỉnh thành báo cáo kết quả về cho Tổ chuyên trách tập hợp. Trong chỉ thị yêu cầu các báo cáo của các địa phương phải ý kiến cụ thể từng bài, đồng ý hay không đồng ý, nếu đề nghị chỉnh sửa thì chỉnh sửa như thế nào.
Thứ ba, vấn đề không thể thiếu là lấy ý kiến của các nhà khoa học, những người hiểu biết về hoạt động giáo dục tiểu học. Để thực hiện được vấn đề này dĩ nhiên phải tổ chức Hội thảo, hội nghị, nhưng tiền đâu tổ chức?
Tui nghĩ tuy ai cũng thích tiền, nhưng nếu được tham gia làm một việc có ích cho giáo dục, cho con cháu chúng ta thì sẽ có rất rất nhiều người sẵn sàng cống hiến. Vì vậy, sau khi tập hợp được các ý kiến của địa phương, Bộ cứ up hết lên phương tiện truyền thông cho những ai muốn tham gia ý kiến thì tải về đọc.
Sau đó, Bộ công khai ngày giờ tổ chức Hội thảo. Trong thông báo ghi rõ số lượng không hạn chế và mọi người tham gia tự lo chi phí. Tui tin sẽ huy tụ được đông đảo giới trí thức tham gia.
Tui dự đoán số lượng người sẽ rất đông, vì thế phòng họp khách sạn hay giảng đường sẽ không đủ chỗ ngồi. Để đáp ứng nguyện vọng được tham gia của những trí thức muốn cống hiến, Bộ cứ tổ chức ở ba miền, miền Bắc thì vào sân vận động Mỹ Đình, miền Trung vào sân Chi Lăng, miền Nam thì có sân Thống nhất (đề nghị Ban Quản lý các sân lấy giá hữu nghị hoặc tài trợ).
Chúng ta chỉ cần xếp vài cái bàn cho Ban Tổ chức ngồi, còn những người tham gia thì cứ ghế đẩu mà xếp hàng ra, âm thanh thì loa kẹo kéo ấy (âm lượng khỏi chê), giăng thêm vài cái dù che mát nữa là ta hội thảo vô tư!
Sau đó, Tổ chuyên trách tập hợp các ý kiến và tiến hành chỉnh sửa bộ sách rồi trình Bộ trưởng ban hành.
Mọi người thấy ý tưởng có độc đáo hay không 😀
Võ Tòng
Không có nhận xét nào