HỌC SỰ GIAN XẢO: AI ĐÃ ĂN MẤT CUA? Chuyện kể rằng, vào thế kỷ 21, xứ ta có cuộc cải cách rất căn bản và toàn diện. Ấy là ngay khi bắt đầu họ...
HỌC SỰ GIAN XẢO: AI ĐÃ ĂN MẤT CUA?
Chuyện kể rằng, vào thế kỷ 21, xứ ta có cuộc cải cách rất căn bản và toàn diện. Ấy là ngay khi bắt đầu học chữ, trẻ em phải học sự láu cá, gian xảo để cải tạo nòi giống thật thà. Cùng với học những từ của dân quê nhậu nhẹt như "nhá dưa", "nhá cỏ", "gà nhí", "gà nhép"..., bài học còn "tích hợp" cho trẻ em những câu chuyện ngụ ngôn nhằm phát triển năng lực vươn đến đỉnh cao trí tuệ để lãnh đạo đất nước. Chẳng hạn bài học chị Tham lừa em Bi, em Sơn láu cá chép kết quả toán do em Hà nhắc bài, rồi Lừa Ngựa đùn đẩy gánh nặng cho nhau...
Nhưng bài học Cua, Cò và đàn cá (Bài 63 ôn tập, trang 115) thì đúng là đỉnh của đỉnh cao trí tuệ. Bài học tích hợp phát triển kỹ năng sống qua chuyện Cò lừa Cá và ăn sạch. Riêng Cua thì không thấy đâu, mặc dù trẻ em phải chu mỏ phát âm Cờ-ua Cua.
Vậy Cua đâu mất rồi? Đứa nào hỏi vậy là ngu! Vì đó là nghệ thuật trừu tượng. Chuyện kể về một anh hoạ sỹ triển lãm tranh. Hết màu, anh ta triển lãm cả cái bức chưa vẽ gì, nhưng bên dưới lại chú tên tranh "Đàn bò gặm cỏ". Người xem hỏi cỏ đâu? Hoạ sỹ trả lời cỏ bị bò ăn hết rồi. Người xem lại hỏi bò đâu? Hoạ sỹ trả lời bò ăn cỏ xong thì cũng bỏ đi hết rồi!
Cứ theo như giải thích về tranh trừu tượng thì trong chuyện "Cua, Cò và đàn cá" thì đàn cá đang bị Cò lừa để ăn nên có thể còn nhìn thấy. Còn Cua thì đã bị ăn từ trước rồi, vì thịt Cua rất giàu chất đạm. Người ta đã ăn thịt Cua từ khi làm Chương trình nên không còn trong bài học. Chỉ còn cái vỏ của từ để các cháu phát âm Cờ-ua Cua. Cua đó có trị giá 34 ngàn tỷ, giấu đi, phơi ra làm gì cho các cháu thèm! Tưởng tượng ra chưa? Cố học giỏi để sau này được ăn Cua nhé!
Sách này do ông Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào