LẠI NÓI CHUYỆN SÁCH GIÁO KHOA CỦA NHÓM CÁNH DIỀU Trước đây tui cũng có chút cảm tình với ông Nguyễn Minh Thuyết, khi ông là Đại biểu Quốc hộ...
LẠI NÓI CHUYỆN SÁCH GIÁO KHOA CỦA NHÓM CÁNH DIỀU
Trước đây tui cũng có chút cảm tình với ông Nguyễn Minh Thuyết, khi ông là Đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Có chút tình cảm với ông khi nghe ông phát biểu trên diễn đàn Quốc hội về những vấn đề dân sinh. Nhưng rồi suy cho cùng, ông cũng chỉ là vai diễn và đã diễn tròn vai. Thế nhưng cũng còn hơn nhiều đại biểu đi họp chỉ ngủ và gật.
Gần đây, dư luận lùm xùm về những hạt sạn to như tảng đá trong một số sách giáo khoa mà ông là Tổng chủ biên. Viết sách cho trẻ con không phải là chuyện dễ, bởi trẻ như tờ giấy trắng, những bài học đầu đời sẽ tạo tính cách của trẻ, thấm sâu và thành hành trang khi trẻ trưởng thành. Bởi thế tính nhân văn, nhân đạo, văn minh, văn hoá và nghiêm cẩn mang tính mô phạm là điều cần thiết trong những bài học vỡ lòng đó. Tiếc thay, những yếu tố đấy vắng bóng trong những sách giáo khoa do nhóm của ông biên soạn. Điều đó cho thấy các ông không những kém về tri thức dù mang danh Giáo sư mà các ông còn thiếu cái tâm của những người làm nghề nhà giáo. Sách của các ông mới đưa vào trường học đã gây hàng loạt phản ứng tiêu cực và xã hội lên án cho là thảm hoạ giáo dục.
Đáng lẽ với trách nhiệm của người Tổng chủ biên, ông phải có trách nhiệm với những sai sót không thể chối cãi được. Đằng này ông cố nguỵ biện, chống chế, ngoan cố bảo vệ những lỗi lầm của ông và ban biên soạn khiến dân tình càng bức xúc. Sách của các ông soạn lấy tác phẩm của các đại văn hào đã lừng lẫy thế giới, là những kiệt tác của nhân loại nhưng lại đem xào nấu một cách thô thiển, bừa bãi và kệch cỡm thành những bài học cho học sinh. Những phóng tác của các ông với những từ ngữ chỉ dành cho dân hè phố như: cuỗm, nhá, chộp...lại còn dạy trẻ chuyện ghen tuông, đánh ghen, những chuyện chỉ dành cho người đã trưởng thành. Trẻ rất nhạy cảm, những năm đầu đến trường là bước đầu hành trình để học làm người chứ không chỉ học chữ. Cũng có nhiều người cho rằng ở lớp một chỉ cần cho học sinh tập học đánh vần, quen mặt chữ chứ không cần hiểu nghĩa. Đó là một quan điểm sai lầm. Tiếng Việt luôn dùng chữ đi đôi với nghĩa nên có chữ nghĩa, bây giờ chỉ dạy chữ không cần dạy nghĩa thì làm sao dạy điều tốt qua bài học. Những chuyện ngụ ngôn như “Hai con ngựa”, “Quạ và chó”, “Ve và gà”, “Cua, cò và đàn cá”… dạy các học sinh điều gì? Có phải là thói gian ngoa, trí trá, lừa lọc. Phụ huynh phải lo sợ tác hại đến con trẻ khi đọc những mẩu ngụ ngôn đấy là điều tất nhiên.
Với tư cách người tổng chỉ huy, với tư cách là một Giáo sư đáng lẽ ông phải có thái độ thành khẩn và nghiêm túc trước những phản ứng của dư luận. Đằng này ông lại nguỵ biện rằng: “Một nhà văn vĩ đại như ông Tolstoy thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục”. Đúng thế, Đại văn hào Lev Tolstoy không bao giờ viết chuyện phản giáo dục, nhưng các ông mượn chuyện của Lev Tolstoy, của La Fontaine rồi bóp méo nó, biến thành chuyện khôi hài rẻ tiền, nhảm nhí với nhiều chi tiết chế lại thô lậu, đầu Ngô mình Sở còn tệ hơn ngôn ngữ của mấy anh hề diễn nhảm xuất hiện thường xuyên trên sóng truyền hình. Ông còn cho rằng dư luận làm ầm lên là do chuyện cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa và "Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu”. Thưa với ông, nhân dân không rỗi hơi để đi làm chuyện không công lên án sách các ông để đề cao sách của nhóm khác. Tâm ông nhỏ nhen nên ý nghĩ của ông cũng bẩn thỉu thế thôi. Còn chuyện không bằng lòng với ngành Giáo dục bởi giáo dục xứ ta từ ông Bộ trưởng cho đến cấp lãnh đạo các sở, các trường toàn làm chuyện phản giáo dục thì dân làm sao bằng lòng được. Ông coi thường dân quá và dân cũng khinh ông vì nếu là người có lòng tự trọng, thấy mình sai thì phải sửa. Ở đây cái sai rành rành ra đó mà ông cứ cãi chày cãi cối. Là một Tiến sĩ, mang hàm Giáo sư mà ông không có tính cách của một nhà khoa học. Đa số nhân dân lên án chứ không chỉ một nhóm hay một vài người đơn lẻ, do vậy các ông phải có thái độ cùa một người có nhân cách, đừng vì món thu lợi lớn quá mà ngoan cố khiến chúng khinh. Thế mới thấy đồng tiền có sức mạnh to lớn biết bao, nó khiến cho người trí thức phải cúi đầu làm kẻ vô đạo, kẻ sĩ hoá bất lương.
Ông cũng cho rằng “Lần đầu tiên sau năm 1975 ở Việt Nam có SGK xã hội hóa, không làm bằng tiền của Nhà nước mà hoàn toàn bằng tiền tư nhân. Đây là điều rất mới”. Thật ra chuyện này là chuyện phổ biến trên thế giới và trước đây ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà người ta cho là chuyện đương nhiên, chẳng có gì mới mẻ cả. Nhưng trước đây họ làm có trách nhiệm, có lương tâm với tư cách là những nhà mô phạm chứ không phải chỉ vì tiền thu được mà phớt lờ tất cả kể cả liêm sỉ của một nhà giáo như các ông.
Có người vì quá bất bình và phẫn nộ đã đề nghị bỏ bộ sách của các ông, cho đó là thảm hoạ không được xuất hiện trong nhà trường. Mới đây Bộ trưởng Giáo dục đã ra quyết định thẩm tra lại bộ sách giáo khoa này. Nhưng trớ trêu là những người trước đây thẩm định bộ sách mà đứng đầu là Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng đã nghiên cứu, kiểm tra rất kỹ trước khi chấp thuận cho phát hành. Bây giờ cũng chính các ông ấy thẩm tra lại thì hoá ra vừa đá bóng vừa thổi còi à? Mà với sai sót nghiêm trọng như dư luận đã nêu thì thiển nghĩ tiêu huỷ nó là hợp lý hơn cả, chứ không lẽ sửa hết như viết lại cuốn sách mới sao? Phụ huynh học sinh có quyền tẩy chay bộ sách này với tư cách là người bỏ tiền ra mua, họ có quyền chọn bộ sách tốt nhất cho con em họ, không nên có chuyện bắt buộc phải mua sách của nhóm này và không được mua sách của nhóm khác. Với tư cách là người tiêu dùng, họ có quyền chọn lựa. Không ai bỏ tiền ra mua những thứ nhảm nhí để đầu độc con em của họ.
Các ông chọn tên "Cánh Diều" cho nhóm biên soạn sách, thế nhưng cánh diều mang quá nhiều vết nhơ, những thứ xú uế nên không thể bay cao và bay xa được. Nhân dân đang chờ sự phán xét cuối cùng của Bộ Giáo dục, nhưng cũng xin nói thật lòng cũng chẳng tin chút nào phán quyết của các ông ở Bộ Giáo đâu. Cá mè một lứa cả thôi!
12.10.2020
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào