Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LẠI SAI TỪ GỐC: VỀ KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM CHƯƠNG TRÌNH MỚI

LẠI SAI TỪ GỐC: VỀ KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM CHƯƠNG TRÌNH MỚI Ngay từ khi công bố kết quả thực nghiệm chương trình cải cách giáo dục mới, nhà giáo...

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng.
LẠI SAI TỪ GỐC: VỀ KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Ngay từ khi công bố kết quả thực nghiệm chương trình cải cách giáo dục mới, nhà giáo Trần Trọng Bình (Cần Thơ) đã lên tiếng phản biện 3 vấn đề về kết quả đó.

1) Chương trình khi mang ra thực nghiệm có thực nghiệm vấn đề "dạy người" không, vì vấn đề nóng hiện nay là bạo lực học đường và những tệ nạn khác? Nếu có thì kết quả thế nào mà không thấy công bố?

2) Giáo viên dạy thực nghiệm bằng “phương pháp mới”, vậy xin hỏi đó là phương pháp gì? Các phương pháp như thảo luận nhóm, tích hợp... lâu nay vẫn làm, từng thực hiện ngay trong Chương trình cũ và trong chương trình VNEN, vậy còn phương pháp mới nào nữa để gọi là mới?

3) Đánh giá thực nghiệm chương trình rất thành công là dựa vào năng lực của người dạy hay dựa vào năng lực của người học?

Ba câu hỏi trên được đăng trên Giáo dục Việt Nam, nhưng có lẽ ông Thuyết và Ban soạn thảo chương trình "không chấp", nên đến giờ vẫn im lặng. Tôi thì quan tâm ở câu hỏi thứ ba. 

Bởi lẽ, câu hỏi 1, nếu ông Thuyết trả lời thì có lẽ ông sẽ nói ngay: chúng tôi gia tăng môn đạo đức, bằng chứng sách giáo khoa đạo đức Bác Hồ được dạy ngay ở lớp Một. "Trồng người" ngay từ khi ươm mầm, còn đòi hỏi gì nữa? Chờ mỗi trẻ em học chương trình này khi lớn lên sẽ thành Bác Hồ, và tất yếu sẽ không có chuyện bạo lực học đường, kể cả trộm cắp, tham nhũng! Câu hỏi 2 thì khó, nhưng có lẽ ông sẽ nói trơn, rằng đó là "phương pháp dạy học phát triển năng lực", vì lâu nay các phương pháp cũ không phát triển năng lực!

Bây giờ thì đến lượt tôi xoáy trọng tâm vào câu hỏi ba. Đúng như nhà giáo Nguyễn Trọng Bình hỏi, tôi xem thống kê và đánh giá kết quả thực nghiệm, không hề thấy chỗ nào lượng hoá năng lực người học cả. Chỉ thấy biểu đồ số lượng giáo viên "hoàn toàn đồng ý" trấn áp cái thiểu số "đồng ý". Có nghĩa là ông đánh giá mức độ thành công (không có thất bại) chỉ từ mức độ hài lòng của giáo viên và mức độ hài lòng của ông. Nôm na là họ diễn đúng ý ông là thành công, kể cả nhìn trẻ em diễn theo cách cô giáo chưa hỏi hết câu đã giơ tay và trả lời hay thảo luận đúng đáp án như cái thời ông hợp tác dạy học công nghệ với ông Hồ Ngọc Đại.

Trong cách diễn giải của ông Thuyết, rõ ràng là chương trình do ông chủ biên hoàn toàn đáp ứng năng lực của giáo viên. Vậy thì ông và cộng sự của ông không được phép nói chương trình nặng là do trình độ giáo viên không đáp ứng được hay nói tuột như bà Nguyễn Thị Hạnh là "không biết dạy" nhé!

Nhưng tôi muốn nói đến một điều quan trọng hơn nữa về dạy học phát triển năng lực đúng nghĩa mà thế giới đang làm. Kim chỉ nam của dạy học phát triển năng lực là xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên sự phát triển năng lực của chính người học chứ không phải năng lực của giáo viên. Trong quá trình thực nghiệm, với bằng chứng kết quả mà ông tuyên bố một cách khả quan, không có chỗ nào lượng hoá được năng lực của người học cả.

Ông Thuyết và cộng sự của ông trồng người giống như trồng cái cây của một đỉnh cao trí tuệ. Ông bứng một cây cổ thụ là giáo viên, trồng xuống đất, rồi ông tưới cho mọi người xem, rồi mọi người tưới cho ông xem, xong tất cả vỗ tay hoan hô "rất thành công" mà lẽ ra ông phải trồng cây con và quan sát nó tiếp dinh dưỡng và phát triển thế nào. Đằng này coi như cũng có trồng cây con là đám trẻ con bên cạnh cái cây cổ thụ là giáo viên ấy, nhưng ông không cần biết sau đó nó sống hay chết. Cách đánh giá của ông đơn giản như những công trình khác trên quốc gia này, ông và người thuê ông làm việc này biện hộ, rằng đã qua thẩm định và nghiệm thu đúng quy trình!

Trong khi cái quy trình cho hết một quy trình là lượng hoá được năng lực của người học, tức mức tiếp thu và phát triển năng lực của người học là bọn trẻ con, dù đang bị phụ huynh và cả giáo viên kêu khóc thì ông bất chấp hoặc phán cho một câu "không có căn cứ" vì không hiểu biết chuyên môn, còn học sinh không học nổi, giáo viên phê là "chậm tiến", tức không phát triển được thì cộng sự của ông bảo lỗi do phụ huynh và giáo viên "không biết dạy"!

Điều ông đang làm chẳng khác vị giáo sư tiến sỹ nghiên cứu phối giống bò rừng với bò nhà, chưa thấy kết quả cho ra giống gì thì đã nghiệm thu giá bạc tỷ, còn mấy con bò ốm tong và chờ chết thì không cần quan tâm.

Tôi khuyên ông, cái gốc của dạy học phát triển năng lực là lượng hoá được năng lực của chính người học, chưa lượng hoá được thì hãy khoan tuyên bố "thành công tốt đẹp" như một kỳ đại hội hay tổng kết một phong trào thi đua.

Vào kỳ này năm trước, khi tôi dù ủng hộ nhưng có bộc lộ hoài nghi về Chương trình tổng thể, một giáo viên nịnh ông Thuyết ông Thống bình một câu rất ngạo nghễ: "Chó cứ sủa và ngựa cứ đi!". Tôi không giận mà chỉ nói, ừ thì tôi làm chó canh giữ vườn trẻ vậy. Tôi sẽ theo dõi và còn sủa trên từng trang sách giáo khoa và kết quả "dạy học phát triển năng lực" của ông. Và tôi biết ngựa ông vẫn cứ đi, bất chấp tất cả tiếng nói khác. Chúc ông mã đáo thành công. Với 34 ngàn tỷ, lịch sử sẽ lượng hoá được năng lực của ông và các cộng sự của ông!

Chu Mộng Long 
------------
1) Bản công bố kết quả thực nghiệm chương trình trên Vietnamnet:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cong-bo-ket-qua-thu-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-pho-thong-moi-446949.html?fbclid=IwAR3tcDgmj1IF5WlmYEWXPVljmy3SVG28_grWQNlf3lN5A2pVc7pwzJBNSAc

2) Còn đây là chất vấn của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình (Quách Hạo Nhiên):

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cau-hoi-nha-giao-gui-tong-chu-bien-co-so-nao-khang-dinh-thuc-nghiem-thanh-cong-post185937.gd?fbclid=IwAR2_nV0ewIAd6dbFxFVXogmzxmfUTPxOhJZ2UB17YQtYGoL6Dwjl5EZd968


Không có nhận xét nào