Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NIỀM TIN VÀO NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ

NIỀM TIN VÀO NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ  Thực ra thì tôi không định bàn về cuốn sách giáo khoa mà dư luận đang nói đến. Nhưng tôi đang lo cho các...

NIỀM TIN VÀO NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ 

Thực ra thì tôi không định bàn về cuốn sách giáo khoa mà dư luận đang nói đến. Nhưng tôi đang lo cho các cháu nội của tôi. Trong nỗi lo ấy, tôi hơi tiếc một chút, rằng tôi đã khuyên con tôi về nước. Vì nếu con tôi ở lại nước ngoài, thì bây giờ có lẽ tôi chẳng cần phải lo gì cho các cháu cả.

Tôi đã mất niềm tin vào hệ thống giáo dục phổ thông của Việt nam từ lâu lắm rồi. Khi con tôi học lớp 10, kết thúc học kì 1, cháu bị hạnh kiểm yếu do học yếu. Tôi đến trường, thì được biết, cháu bị điểm 2 môn Anh văn, nên bị xếp học yếu. Mà học yếu thì hạnh kiểm yếu.

Tôi biết khả năng tiếng Anh của con tôi. Khi ấy, cứ mỗi lần có khách nước ngoài (mà tôi thì có khách người nước ngoài khá thường xuyên), tôi lại cho cháu đi ăn cùng họ. Nên tôi không thể tin là cháu bị yếu môn Anh văn. Khi gặng hỏi, thì mới biết, cô đã yêu cầu cháu học thêm tại nhà cô, nhưng cháu không học thêm.

Nói chuyện với cô giáo, tôi cảm nhận con tôi nói đúng. Rồi một thầy trong trường nói với tôi, rằng tôi phải giải quyết chuyện này với cô giáo Anh văn, cũng là cô giáo chủ nhiệm của cháu. Đó chính là thầy giáo đã nói với tôi nhiều lần trong suốt học kì 1, khi tôi bị nhà trường gọi lên khiển trách vì cháu nghịch ngợm. Thầy nói rằng cháu chẳng có lỗi gì, cháu chỉ đùa giỡn với bạn khá bình thường, nhưng thầy không hiểu sao lại cứ yêu cầu thầy mời phụ huynh lên gặp.

Tôi hiểu ra vấn đề, và quyết định chuyển trường. Người thầy giáo kia đã nói với tôi, chuyển trường bây giờ là không thể, khi đang giữa năm học, mà cháu thì học yếu, hạnh kiểm yếu. Thầy nói đúng. Tôi vận dụng đủ thứ quen biết, nhưng ai cũng lắc đầu.

Hôm ấy, tôi nghe nói, có một trường quốc tế (quốc tế thật) đang tuyển sinh. Vừa tới giờ nghỉ trưa, tôi chạy đến trường. Thật may, hôm đó là ngày cuối cùng tuyển sinh. Tôi chỉ kịp gọi điện về, nói cháu chuẩn bị để tôi về đón đưa đi kiểm tra. 1 giờ đồng hồ sau cháu có mặt. Một thầy giáo người Anh kiểm tra khả năng tiếng Anh của cháu. Cháu đủ khả năng vô học. Rất may, trường học theo chương trình Úc, nên ngay hôm sau là bắt đầu năm học mới.

Mẹ cháu bảo, chắc là trường không có học sinh nên vơ đại cháu vào. Nhưng tôi đã gặp hầu như tất cả các thầy đã dạy cháu. Tôi nói rõ với các thầy (đều là người nước ngoài không biết tiếng Việt, giảng bằng tiếng Anh) về việc cháu bị điểm kém môn Anh văn. Nhưng thầy nào cũng xác nhận, rằng tiếng Anh của cháu khá tốt, tuy vẫn cần học tăng cường thêm môn tiếng Anh để năm sau học chương trình cấp 3 dễ dàng hơn. Và việc học thêm giờ cho môn tiếng Anh không phải tính thêm học phí.

Vài tháng sau thì học bạ của cháu được chuyển về trường. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm, đồng thời là cô giáo dạy Anh văn có đề nghị gặp tôi, để tôi không chuyển trường cho cháu, nhưng tôi đã từ chối gặp. Thật ngạc nhiên, điểm môn Anh văn học kì 1 năm lớp 10 của cháu trong học bạ là 5 hay 6 điểm gì đó, hạnh kiểm khá. May mà tôi không kiện cáo gì, chứ tôi mà kiện cáo là mang tội vu khống liền.

Cho đến khi cháu tốt nghiệp tú tài, cháu đứng hàng thứ khoảng 1.100 trong toàn bộ học sinh của bang trên toàn thế giới cùng nhận bằng tú  tài năm đó (nghe nói khoảng 10.000 cháu). Có 4 trường đại học của Úc xác nhận cháu có thể apply vào chỗ họ, với đa số ngành không yêu cầu cháu phải học foundation (dự bị).

Đến khi đứa con tiếp theo của tôi vào lớp 1, tôi quyết định cho học ở trường tư tăng cường tiếng Anh (quốc tế giả). Ở trường đó, cháu không phải học nhiều, cũng chẳng ai bắt cháu học thêm. Tuy nhiên, nếu cháu chuyển sang trường công, thì chắc chắn là cháu không thể theo kịp các bạn, và cũng không thể nào thi vào các trường đại học trong nước.

Với việc học làng nhàng như vậy, khi cháu tốt nghiệp lớp 9, tôi cho cháu thi tuyển vào trường anh cháu học trước đó. Lúc đó thì trường thi tuyển theo cách của IELTS. Cháu được 7,5 điểm, và được đưa thẳng vào lớp 11. Khi tốt nghiệp tú tài, cháu apply vào mấy trường của Úc và Canada, và đều được nhận vào học với học bổng bán phần.

Nhiều năm rồi, tôi không còn quan tâm đến giáo dục bậc phổ thông của Việt nam. Mấy hôm nay, thấy nhiều người nói đến bộ sách dạy tiếng Việt, tôi chợt giật mình khi nghĩ về các cháu nội của mình. Chắc là phải nói ba mẹ chúng lo kiếm tiền cho chúng tị nạn giáo dục ngay trên quê hương, nơi luôn được mặt trời chiếu rọi, cho dù cả thế giới đều tăm tối.


Võ Xuân Sơn




Không có nhận xét nào