PHẨM CHẤT NGÔN NGỮ, PHẨM THỨC TƯ DUY, PHẨM CÁCH CON NGƯỜI Ngôn ngữ và hàm súc tri thức trong chữ nghĩa đã bị đày đoạ và mất đi, bởi một đám ...
PHẨM CHẤT NGÔN NGỮ, PHẨM THỨC TƯ DUY, PHẨM CÁCH CON NGƯỜI
Ngôn ngữ và hàm súc tri thức trong chữ nghĩa đã bị đày đoạ và mất đi, bởi một đám người mang danh giáo sư và tiến sỹ soạn sách cho trẻ em bước những bước đầu tiên vào lãnh địa của tâm hồn và nhân cách.
Không thể nào hình dung được những con chữ và các câu chuyện trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 đang vừa được chính thức sử dụng cho cả nước.
Ngôn ngữ là một đại lượng cho ta thấy được tầm mức tư duy và khả năng nhận thức, tiếp đó là nhân cách, của con người đó.
Và nếu với một nền tảng giáo dục cơ bản cho trẻ em, được áp dụng phổ biến, những câu chuyện với câu cú chỉ rặt một mớ chữ ngớ ngẩn, nhếch nhác, láu cá, thô thiển, những bài học nó đưa tới làm cho người ta hoảng sợ, hẳn, xã hội đó đang rơi vào sự tha hoá cùng cực của tâm hồn.
Chúng ta đang thấy những thứ gì tồn tại trên những mặt sách này vậy? Những đứa trẻ phải đọc những câu từ, phải học những câu truyện phần nhiều và ngay lập tức thấy được sự trí trá và cái láu cá của những biểu tượng hay nhân vật.
Như đã từng phải nói, vốn từ của chúng ta nghèo nàn và việc sử dụng trở nên bị hạn hẹp và chậm đi rất nhiều vì phải dùng nhiều từ để diễn luận cho một ý đơn giản. Tư tưởng của một dân tộc phụ thuộc phần nhiều vào khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ trước các vấn đề cần được nhận diện và mô tả.
Nay thêm một sự bi kịch khác nữa về việc giáo dục đối với ngôn ngữ và sáng tác các câu truyện dành cho những đứa trẻ. Nó càng cho thấy những tâm hồn tuỳ tiện, hời hợt, dễ dãi và nông cạn của những người viết nên chúng.
Thật đau đớn với những hành động tạo nên sự tha hoá và mục ruỗng của con người, khi nó chính thức được công khai sự hợp pháp, một cách phổ thông và toàn diện. Đừng ký thác tâm hồn những đứa trẻ của mình vào những trang sách mà như một đầm lầy sình sũng này.
Lê Luân
Không có nhận xét nào