QUAD Là cái tên được nhắc đến nhiều gần đây của giới quan sát chính trị. Đây là tên gọi của “nhóm đối thoại an ninh bốn bên” gồm Mỹ, Nhật, ...
QUAD
Là cái tên được nhắc đến nhiều gần đây của giới quan sát chính trị. Đây là tên gọi của “nhóm đối thoại an ninh bốn bên” gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc. Người ta còn gọi là “tứ giác kim cương” hoặc táo bạo hơn thì là “NATO Châu Á”.
Như chúng ta đã biết trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ để tiến tới “cô lập và bao vây Trung Quốc” ngay tại châu Á thì hẳn nhiên Mỹ là quan trọng nhất. Sau đó sẽ đến Nhật Bản rồi là Ấn Độ và cuối cùng là Úc. Tôi xếp theo thứ tự như vậy căn cứ vào sức mạnh quân sự, kinh tế, vai trò chiến lược, chiến thuật và tác động của 4 nước liên quan.
Trong chiến lược kềm chế Trung Quốc của Mỹ thì Nhật Bản đóng vai trò quan trọng về sức mạnh mềm và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng về quân sự cứng khi cần đối đầu trực tiếp. Úc đóng góp vai trò của họ trong việc giúp Mỹ định hình về hậu cần hàng hải, hàng không quân sự trên biển và sức mạnh phòng thủ-tiến công ở các đảo quốc ở khu vực xung quanh “chuỗi đảo ngọc trai thứ nhất”.
Thế nên việc hợp tác của QUAD sẽ làm rõ hơn về vai trò của các nước này. Khi đó về lâu dài thì các nước nhỏ xung quanh Trung Quốc có tham gia vào chuỗi liên minh “bao vây Trung Quốc” sẽ được hỗ trợ tốt hơn khi tham gia vào chuỗi này. Cần vũ khí, bảo kê quân sự tức thời thì kiếm Mỹ, cần tiền thì kiếm Nhật, cần triển khai quân sự kiểu “chiến thuật móng mèo” thì kiếm Ấn Độ, cần hỗ trợ hậu cần trên Thái Bình Dương thì kiếm Úc. Đại khái như vậy để các bạn dễ hình dung.
Nếu bạn đứng ở châu Á để nhìn cuộc đối đầu Trung-Mỹ ra thế giới như một bàn cờ khổng lồ thì nhóm QUAD đóng vai trò quan trọng như một “ngã tư quốc tế”. Các chính sách mà nhóm này định hình và thúc đẩy sẽ dễ dàng lôi kéo các nước khác “lại gần” châu Á hơn. Ví dụ như Mỹ sẽ lôi kéo EU và NATO lại gần QUAD, còn Nhật sẽ kéo Nga vào bằng trục hợp tác Viễn Đông, Ấn sẽ dễ đưa các nước vùng Vịnh Bengal lại, hoặc Úc sẽ đóng góp bằng cách tác động các đảo quốc nhỏ trong vùng Thái Bình Dương bằng sự ảnh hưởng của mình.
QUAD không phải mới hình thành gần đây mà là một kế hoạch lâu dài định hình từ gần 20 năm trước và chính thức có hoạt động công khai từ năm 2007. Tuy nhiên sau đó 10 năm bị gián đoạn mà nguyên nhân chủ yếu là đến từ nội bộ Mỹ. Với sự bắt tay Trung Quốc và sự “hoá khỉ” của Mỹ dưới thời tổng thống Obama đã làm Nhật, Ấn, Úc mất lòng tin nên QUAD nằm im cho đến năm 2017 thì đứng lên lại dưới thời tổng thống Trump.
Từ 1945 đến 1990 thì Mỹ và NATO mất 45 năm để vây ép làm cộng sản Liên Xô tan rã. Vậy nên chúng ta cần dự trù một quãng thời gian dài cho việc Mỹ muốn Đảng CSTQ chuyển hoá. Tôi đánh giá quá trình này tuy sẽ không cần đến 45 năm như Liên Xô nhưng sớm thì cũng ít nhất 20 năm. Do đó cần đặt nhóm QUAD ở tầm nhìn 20 năm để hiểu và đánh giá về họ.
Vì là kế hoạch xây dựng mạng lưới đồng minh hiệu quả, ổn định và lâu dài ở tầm nhìn 20 năm như thế nên cần thấy QUAD sẽ có hai bước triển khai chiến thuật- chiến lược đồng bộ vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Ngắn hạn là sự bảo an tức thời của sức mạnh quốc phòng-an ninh cho các nước dự kiến sẽ tham gia liên minh QUAD sắp đến. Dài hạn là sự hỗ trợ về tài chính-đầu tư để các nước này mạnh lên. Sẽ không có một liên minh nào hiệu quả nếu trình độ phát triển của các nước không dần tiệm cận với nhau.
Cần nhìn QUAD như vậy để hiểu vai trò ngắn hạn và trung hạn của từng nước trong QUAD khi hỗ trợ các tiểu quốc. Mỹ sẽ đóng vai trò chủ công và bảo kê trong lúc chờ các nước phát triển, Nhật sẽ giúp đỡ các nước nhỏ về tài chính dài hạn, Úc cung cấp “hậu cần” cho liên minh và Ấn sẽ luôn đảm đương vai trò tướng cầm quân tiên phong khi cần lôi Trung Quốc vào các rắc rối quân sự để đảm bảo ưu thế chiến lược cho liên minh được liên tục, thường xuyên và lâu dài.
Một ví dụ dễ thấy gần đây là khi Trung Quốc tăng cường đàn áp dân chủ Hong Kong thì ta thấy Ấn Độ lại gia tăng sức ép quân sự lên biên giới Ấn-Trung.
Sắp tới đây khi bàn cờ Trung Đông và châu Âu được Mỹ-Nga-EU chia lại xong, Nhật hình thành trục Viễn Đông “Nga-Nhật-Ấn” ổn định thì sẽ có thêm xung đột biên giới Nga-Trung. Một khi QUAD vận hành ổn định và hiệu quả chừng nào thì sẽ có nhiều mũi giáo chĩa tua tủa vào cơ thể Trung Quốc chừng đó. Ở 10-20 năm nữa nó sẽ giống NATO dí súng vào Liên Xô thời kỳ 1975-1980.
Tuy nhiên QUAD cũng có vấn đề khó khăn của họ là tìm cách thay đổi sự phụ thuộc với Trung Quốc ở chuỗi cung kinh tế và thị trường. Đó là bài toán mà Mỹ và Nhật phải đứng ra giải quyết phụ các nước nhỏ. Ngược lại các nước này phải cải tổ và cải cách để đủ sức đón nhận sự hỗ trợ đó mà không bị vênh nhiều về chính sách khi các tiểu quốc và các đại cường xích lại gần nhau. Một võ sĩ khổng lồ dù có muốn cũng không có cách nào đưa một người bị bệnh Down, mắt mờ và tai điếc cùng đi đánh nhau với mình.
Các nước khác ta tạm không bàn tới, riêng Việt Nam với việc xử lý một cụ già 84 tuổi mà phải đến 3 cảnh sát chết đi mà vẫn tự hào ngạo nghễ kiêu ngạo đỉnh cao thì e rằng không kịp vươn lên để đón làn gió chiến lược toàn cầu mới tới đây.
Khi ta còn nhỏ, ta cùng lũ bạn hàng xóm đi bán vé số, đến khi ta lớn lên ta đi làm phụ hồ có thu nhập cao hơn. Nhưng vấn đề là lũ bạn vé số khi xưa của ta giờ đã là thương nhân quốc tế. Họ cầm xấp USD chờ ta thao thao bất tuyệt về lý luận đỉnh cao xong rồi rút vài tờ tặng ta như bày tỏ niềm vui khi nghe xong một bản hát xẩm hay.
Đó là bức tranh có thể thấy trước của Việt Nam và QUAD trong 20 năm tới nếu không có gì mới ngay từ hôm nay.
Hữu Minh
Không có nhận xét nào