TRIẾT LÝ-TRIẾT HỌC Thực ra thì trình độ của anh Thưởng này cũng thuộc vào diện cán bộ a dua vâng vâng; Dạ dạ theo lớp người đi trước mà thô...
TRIẾT LÝ-TRIẾT HỌC
Thực ra thì trình độ của anh Thưởng này cũng thuộc vào diện cán bộ a dua vâng vâng; Dạ dạ theo lớp người đi trước mà thôi. Anh ta giữ chức vụ rất quan trọng của đảng nhưng lại không phải là người có trình độ uyên bác. Mà oái oăm là những người uyên bác thì không bao giờ người ta làm cái chức suốt ngày chuyên đi phát ngôn hâm đi hâm lại cái nắm lý luận rách như tổ đỉa, lạc lõng, quái thai mà Nhân loại đã chôn vùi từ lâu.
Hơn nữa động đến TRIẾT HỌC thì anh Thưởng không đủ tâm và đủ tài để mon men đến lĩnh vực cao siêu này mà tán dương hay phê bình; Và càng không thể lên lớp mà chỉ đạo!
Thiết nghĩ cái tài của anh còn non nớt, chưa chín muồi thì tốt nhất nên im lặng là hơn. Nên để thời gian dùi mài kinh sử đi đã.
Bàn đến lĩnh vực này thì đòi hỏi con người phải có trí tuệ minh mẫn, cao siêu. Phải học sâu, hiểu rộng và nhiều trải nghiệm. Trí tuệ phải mênh mang và sáng láng. Nghĩa là phải có trình độ lý luận cao hơn lớp cán bộ dưới quyền. Những người mà chỉ được đào tạo ở trường Đại học cao cấp lý luận "Mác xít" xứ Đông Lào hay Liên xô cũ đi ra.
Muốn vạch đường đi cho Hội Triết học còn i tờ ở nhà mình, thì ít ra anh Thưởng phải hơn họ nửa cái đầu. Chứ thấp chỉ đến vai họ thì xem chừng lời nói chỉ đạo của anh mất thiêng. Các vị ngồi trong Hội ăn lương đều như vắt chanh thì cứ ngoan là được, để giữ chắc niêu cơm nhà mình, chứ cãi lại anh làm gì cho mêt. Mặc dù họ biết họ có trình độ hơn anh.
Một số Học giả thì cho rằng ở Việt Nam mới chỉ có Triết lý mà không có Triết học. Bởi theo Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Văn Trung thì trong quan niệm về cuộc sống của người Việt lúc nào cũng giữ thái độ bàng bạc trong ngôn ngữ, phong tục, chế lập, văn chương và tôn giáo mà thôi. Đúng là như vậy "bàng bạc" thì không rõ ràng.
Đứng trước cuộc đời, đứng trước Vũ trụ, những quan niệm bao hàm ấy họ không diễn tả được một cách mạch lạc bằng một tri thức lớn lao mang tính hệ thống.
Ví dụ như "Tư tưởng Hồ Chí Minh" là gì? "Kinh tế thị trường định hướng XHCN" cụ thể là cái chi? Khi ta hỏi thì ngay bác Trọng cũng không trả lời một cách thấu đáo được; Nói chi chú Thưởng "Ngựa non háu đá"!
Do Thể chế, điều kiện lịch sử và trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên miên ách liệt đã làm cho người Việt có quan niệm sống lai rai, chộp giật theo kiểu khôn Du kích mà không có những Tư tưởng lớn và sáng láng, mang tính hệ thống thuộc sinh hoạt văn hóa bác học. Bởi vậy mà chúng ta không có những Triết gia như Kant, Aristote, Descartes, Platon...
Tóm lại là người Việt chúng ta chỉ có Triết lý mà không có Triết học vì theo quan điểm của Giáo sư Nguyễn Văn Trung Giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn thì ta hiểu ý của ông là muốn khẳng định một điều rằng :
-Triết lý là đề cập đến thái độ sống, nó bao hàm những quan niệm về cuộc đời, về thân phận của một cá nhân, một tập thể hay một cộng đồng. Vì vậy mà mọi người, mọi Dân tộc, mọi thời đại đều có Triết lý. Nhưng chưa hẳn đã có Triết học. Vì theo ông thì:
- Triết học là một khoa học. Nó chỉ định Triết lý như một tri thức, là văn hóa bác học có suy tưởng, có phương pháp; Có khởi điểm, có kết luận. Nó được thông qua thực chứng. Nó tìm kiếm lý luận và sắp xếp tất cả lại một cách hợp lý, thành một hệ thống rõ ràng, mạch lạc.
Câu hỏi nhức nhối đặt ra cho Thế hệ chúng ta là tại sao giới Trí thức, Sỹ phu và bao nhiêu Giáo sư, Tiến sỹ có bằng cấp đầy mình mà không sản sinh ra được những Nhà triết học tài ba? Để chúng ta có cả Triết lý và có cả Triết học?
Đáng tiếc đến giờ thì chúng ta chỉ mới có Văn hào,Thi sỹ, Sử gia nổi tiếng để Thế giới biết đến tên tuổi với một con số quá là khiêm tốn.
Xin thưa, khi Hội Triết học bị người cầm quyền chẳng hiểu biết gì về Triết học, đứng lên phát biểu nhố nhăng chỉ đạo về Triết học thì không làm nên "cơm cháo" gì. Kiểu như "Đồng hồ Nga tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ" ; "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ" và gần đây có thêm "thẩm định" nữa là "Chè Trung Quốc ngon hơn chè Việt Nam" ...
Đúng là cầm đầu Bách tính mà ai ai trong số họ cũng chỉ là trò bắt chước, a dua nhau: "Thấy ai ai ta cũng ai ai; Ai ai ấy thì ta cũng ấy" để cùng xắn tay cầm Mác, cầm Lê; Nhưng chả biết gì về Triết học.
Đã không biết mà còn lên giọng giáo huấn, thì chỉ làm cho người đời cười chê. Đó là một thứ văn hóa kém cỏi và nhiễu nhương. Khác gì như "Chó mặc váy lĩnh".
Bây giờ họ sợ mất đảng nên cái gì cũng gắn từ "thù địch" vào. Mà ai là thù địch của ai? cũng không rõ nữa. Vì quen mồm rồi nên nói đến Triết học anh Thưởng cũng phải gắn cho được từ "thù địch" này vào. Có như vậy anh mới yên tâm và cho là phải như thế mới đúng quy trình và đường lối của đảng. Giờ đây hòa bình rồi mà "Thù địch" nhiều như vậy, thì trời ơi, bao giờ nước Nam ta mới có nền Triết học hẳn hoi? Phải chăng thế lực "thù địch" do họ nghĩ ra đang đứng về phe chính nghĩa? Mà Chân lý thì không dễ gì đem ra xử bắn!
Nguyễn Doãn Đôn
Không có nhận xét nào