VỀ SÁCH TIẾNG VIỆT MỘT CÁNH DIỀU: ÔNG TRÙM BUÔN SÁCH LÓ MẶT Khi góp ý dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông...,...
VỀ SÁCH TIẾNG VIỆT MỘT CÁNH DIỀU: ÔNG TRÙM BUÔN SÁCH LÓ MẶT
Khi góp ý dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông..., đọc đến Điều 11. Sách giáo khoa, thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo có quy định: "sách giáo khoa do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn...", tôi hoảng hốt đứng lên xin ý kiến: "Giao sách giáo khoa cho UBND tỉnh tổ chức lựa chọn là không ổn, vì rất dễ bị thao túng. Khi chưa xuất bản mà đã có hiện tượng tiêu cực, nhiều nơi quan chức đã ăn lương nhà xuất bản như báo đã đăng. Tôi hiểu UBND tỉnh sẽ tổ chức các thành phần xin ý kiến, nhưng các thành phần này ắt chỉ định theo chủ quan của người có quyền và rất dễ bị mua chuộc. Không thể có sự khách quan, công tâm. Tốt nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản Chuẩn đầu ra của chương trình. Đã đa dạng hoá sách giáo khoa thì phải để cho người dạy, phụ huynh hay người học tự do lựa chọn, miễn sao đạt Chuẩn đầu ra. Sách chất lượng kém thì sẽ bị loại ra khỏi thị trường và chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Quy định như trong dự thảo điều lệ này, tôi dự báo sẽ có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hoặc có kẻ bỏ tiền ra mua chuộc, thao túng thị trường. Nếu không thì sẽ có sự cấu kết ngấm ngầm để 5 bộ sách đều được các tỉnh lựa chọn. Khi đó, tất yếu sẽ có sách chất lượng chui vào giáo dục và bị dư luận phản ứng, dẫn đến mất an ninh quốc gia và nguy hại lớn đến giáo dục và con em nhân dân".
Sau khi tôi phát biểu, người chủ trì và Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông trả lời, rằng điều này đã quyết, không thảo luận nữa.
Bây giờ, điều tôi cảnh báo đã thành sự thật. Nếu Bộ cho tự do lựa chọn như tôi đề xuất thì Cánh Diều đã uống phải nhân sâm khi đau bụng. Giả định sách Cánh Diều có được Hội đồng thẩm định tâng bốc thành sách Thánh và được quảng cáo như thuốc Tiên thì đến lúc này phụ huynh đã ném trả hết vào mặt kẻ làm ra và bắt bồi thường theo luật. Được tự do lựa chọn thì ắt được tự do trả lại và được bồi thường. Nhưng đã quy định thế này thì dẫu dư luận có phản ứng ầm ĩ kiểu gì cũng không ai có cái quyền đó. Tất cả đã quyết và theo đúng quy trình như Điều lệ đã ban hành.
Nếu không phải là giáo dục mà một ngành sản xuất nào đó thì cơn khủng hoảng truyền thông này sẽ có kết cục thế nào? Nhà sản xuất phải lập tức thu hồi sản phẩm bị lỗi và bồi thường cho khách hàng nếu không muốn bị phá sản hoặc bị truy tố tội lừa đảo. Nhưng giáo dục thì không, vì nó không có cái đạo đức kinh doanh tối thiểu đó. Nó lừa đảo khách hàng mà vẫn được xem là đạo đức, nhân văn, bất chấp khách hàng lên tiếng chửi.
Tôi sống chung với trí thức, tôi biết rõ họ lươn lẹo hơn cả con buôn. Khi bị dư luận phản ứng, họ vẫn dày mặt nhét đôi móng giò vào túi mà không biết xấu hổ. Giả định, tôi là người trong Hội đồng thẩm định, lỡ bị lừa mà bỏ phiếu thông qua sách Cánh Diều, bây giờ xảy ra sự cố, tôi sẽ không cãi chày cãi cối như các giáo sư tiến sỹ đã làm mà sẽ uống thuốc độc tự vẫn để đời sau xoá tội cho. Thật đấy!
Chúc mừng ông Ngô Trần Ái và VEPIC từ bờ vực phá sản vươn lên thành ông vua buôn sách. Chúc các giáo sư tiến sỹ với đủ danh hiệu nhà giáo nhân dân, ưu tú được chia nhiều tiền để sống lâu, sống khoẻ... cho thiên hạ chửi.
Chu Mộng Long
------
Thông tin về ông Ngô Trần Ái và VEPIC trên Báo mới: https://baomoi.com/sgk-tieng-viet-1-ndt-canh-dieu-chet-duoi-vo-duoc-coc-kiem-bon-tien/c/36686909.epi?fbclid=IwAR069d0nnaa2iq9H56fCpY3z0jE6FkfpyBMjwc9go17tTuA_eLZ9O-FZs_4
Không có nhận xét nào