Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

XUNG QUANH MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TỐT

XUNG QUANH MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TỐT Hàng loạt các facebooker chia sẻ hình ảnh bạn trai cõng bạn đi học 10 năm, với mong muốn ai đó động lò...

XUNG QUANH MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TỐT
Hàng loạt các facebooker chia sẻ hình ảnh bạn trai cõng bạn đi học 10 năm, với mong muốn ai đó động lòng, để chiếu cố, cho bạn ấy vào học Đại học Y Hà nội, khi bạn ấy thiếu 0,25 điểm so với điểm sàn.
Đây là ý tốt của mọi người. Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra từ câu chuyện này.
Việc đầu tiên là cộng đồng mạng ảo tưởng về sức mạnh của mình. Nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội ở Việt nam có khả năng "chọc trời khuấy nước". Trên thực tế thì không phải như vậy. Cụ thể như vụ 11 chữ giá hơn 10 tỉ ở Hòa Bình. Tuyên bố của Hòa Bình, rằng họ chỉ gỡ ra để sửa, chứ không phải dẹp bỏ, như một cái tát vào mặt cộng đồng mạng, khi mà bao nhiêu người hí hửng, rằng họ đã ngăn chặn được một miếng "bự" đã sắp chui vào mõm của mấy anh Hòa Bình.
Cộng đồng mạng có thể mạnh, với những kẻ yếu bóng vía thôi. Còn với Hòa Bình, nơi mà cả nước sôi sục lên với vụ án BS Hoàng Công Lương, thậm chí cả Bộ Y tế và nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng, mà họ còn coi thường được, thì cái mạng xã hội kia nhằm nhò gì. Khi vụ Đồng tâm xảy ra, nhiều "chiến sĩ" mạng cũng lớn tiếng. Chỉ cần vài động tác, cả cõi mạng im re.
Thôi, đừng ảo tưởng về sức mạnh của mình nhé cõi mạng.
Vấn đề thứ hai là phân biệt trường. Ở các nước, trường đại học được phân hạng thấp - cao. Nhưng ở Việt nam, chúng ta không có tiêu chí đó. Có gì chắc chắn là bác sĩ học ở Đại học Y Hà nội sẽ hơn bác sĩ học ở Đại học Y Thái Bình?
Trước đây, khi còn làm trong bệnh viện công, tôi ít gặp, hay nói đúng hơn là ít có dịp để so sánh các bác sĩ tốt nghiệp từ các trường khác nhau. Nhưng từ khi ra tư nhân, nhìn ngành y dưới con mắt khác, lại làm các chương trình từ thiện, tôi nhận ra một điều: Hầu hết bác sĩ tốt nghiệp từ Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đều năng động hơn phần lớn bác sĩ tốt nghiệp tại Đại học Y Dược TPHCM.
Và như chúng ta đã biết, để thành công ở đời, sự tháo vát nhiều khi quan trọng hơn so với kiến thức. Hôm qua, trao đổi với một số người bạn làm doanh nghiệp, họ nói về vấn đề quản trị cảm xúc. Về mặt này, tôi cho rằng vì nhiều lí do, những trường y lâu đời của Việt nam hiện nay không quan tâm lắm. Gần như người ta chỉ tập trung vào chuyên môn, cơ chế bệnh sinh, dược động học, kĩ thuật... Ngay cả các bệnh viện, cũng ra sức quảng bá về máy móc, phương tiện, mà không chú ý đến yếu tố con người, đến cảm xúc của cả bệnh nhân lẫn nhân viên.
Nền giáo dục XHCN không cho phép tự chủ đại học. Tất cả các công tác tuyển sinh, giáo trình đào tạo đều bị khống chế bởi Bộ, cơ quan quản lí nhà nước. Vậy thì cơ chế nào cho phép Đại học Y Hà nội nhận một người dưới điểm chuẩn vào trường? Mới "xé rào" chút đỉnh, Hiệu trưởng TDTU đã lãnh đạn. Liệu hiệu trưởng Đại học Y Hà nội có dũng cảm bước theo chân hiệu trưởng TDTU không?
Không có tự chủ đại học, thì việc coi trường nào là hơn, chỉ thuần túy là cảm tính. Không ai có thể nói cái bạn trai 10 năm cõng bạn đến trường học ở Đại học Y Hà nội sẽ trở thành bác sĩ tốt hơn nếu bạn ấy học ờ Đại học Y Thái bình.
Vấn đề thứ ba, là trong số những người chia sẻ, bàn luận chuyện bạn trai 10 năm cõng bạn đến trường, đã có mấy người hỏi bạn trai ấy muốn gì chưa? Có ai hỏi thực sự bạn ấy muốn học trường nào không? Hay các bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng, Đại học Y Hà nội là tốt hơn, "ngon" hơn, rồi tìm cách để bạn ấy được vô đó?
Chúng ta chia sẻ gương tốt, cõng bạn đến trường, là để làm lan tỏa tình người, mình vì người khác cho xã hội, để nhiều người cùng nhau làm việc tốt, để xã hội này trở nên đẹp đẽ hơn. Nhưng chúng ta lại tìm cách gây áp lực để người làm việc tốt phải được ưu tiên, thì điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc họ làm việc tốt.

Bs Võ Xuân Sơn




Không có nhận xét nào