ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN: THIÊNG VÀ TỤC Dưới góc nhìn văn hoá, tôi vẫn khẳng định rằng, Lễ và Hội là hai phạm trù khác biệt, dù thời Trung cổ hai...
ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN: THIÊNG VÀ TỤC
Dưới góc nhìn văn hoá, tôi vẫn khẳng định rằng, Lễ và Hội là hai phạm trù khác biệt, dù thời Trung cổ hai phạm trù này gắn kết lại thành khái niệm chung "Lễ hội". Tất nhiên, có gắn kết thành danh từ chung thì hoạt động lễ hội vẫn có hai phần: Lễ và Hội.
Lễ thuộc phần nghi thức trang nghiêm, bao gồm cúng tế, thù tạc, ngợi ca. Hội thuộc phần vui chơi phóng túng, hoan lạc. Lễ thuộc cái Thiêng. Hội thuộc cái Tục.
Trong quyển sách nổi tiếng Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng, M. Bakhtin xem Lễ thuộc về quá khứ đã hoàn tất, tức cái đã chết, còn Hội thuộc về cái hiện tại đang diễn ra, tức cái đang sống. Các nghi thức trang nghiêm: cúng tế, thù tạc, ngợi ca, thực chất là nỗ lực cuối cùng của quyền lực khi muốn đánh bóng lại một quá khứ mà kẻ nắm quyền lực tự cho là huy hoàng, cao cả. Trong khi những trò vui chơi phóng túng, hoan lạc mới thực sự cái đang sinh sôi, và chính nó giễu cợt vào quyền lực, biến cái quyền lực tự tôn huy hoàng, cao cả một cách trịnh trọng thành hài hước.
Lễ và Hội là hai hoạt động đối lập đến mức thù địch, nhưng con người đã biết dung hoà làm một để tạo nên sự cân bằng. Đúng ra, cái Thiêng luôn thù địch với cái Tục, nhưng cái Tục lại tìm cách hoà giải với cái Thiêng mà dân gian gọi chung là Lễ hội. Các lễ hội mở đầu bằng nghi thức tế thần thánh trang nghiêm để tỏ ra tôn vinh, thực chất là an ủi quyền lực, nhưng tiếp sau đó là trò chơi đưa rước thứ mà quyền lực ngăn cấm để thoả mãn hoan lạc đời thường. Kết quả là thần thánh của quyền lực thì vẫn an vị nơi thâm nghiêm của thứ nhà mồ được gọi là đền thiêng, trong khi con chim, cái bướm thì được nghênh ngang đưa rước giữa đám đông sự sống vui nhộn và dung tục.
Việt Nam không thiếu những lễ hội như vậy. Lễ hội nõ nường, lễ hội ông Đùng bà Đà, lễ hội Ná Nhèm... Tiếc là các nhà nghiên cứu dân gian chỉ thấy tính chất phồn thực nguyên thuỷ mà không biết gì về sự đối lập trên trong hoạt động Lễ hội.
Trong kiệt tác Nhà thờ Đức Bà Paris, V. Hugo có mấy chương đầu rất thú vị về lễ hội của "những người điên", "bọn ăn mày" diễn ra ngay ở đại sảnh của pháp đình kéo qua đến sân nhà thờ. Sau vở thánh kịch của thi sĩ Pierre Gringoire là màn múa hát của cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda. Phó Giám mục nhà thờ Claude Frollo là một người đạo hạnh, uyên bác quyết liệt ngăn cấm cái màn múa hát hoang dại ấy, nhưng trong lòng lại thèm khát thân xác của cô gái Bohémiens với dã tâm bắt cóc nàng. Quyền lực nhân danh đạo đức nhưng là kẻ vô đạo đức nhất. Và kết thúc cái màn kịch đầy nghịch lý này là một cuộc bỏ phiếu bầu "Đức Giáo hoàng của bọn cuồng đãng". Đức Giáo hoàng ấy chính là thằng gù, chột, điếc... Quasimodo.
Theo tường thuật của người trong Hội Nhà văn là ông Nguyễn Quang Vinh, Đại hội Hội Nhà văn đúng bản chất là một lễ hội vừa rất dân gian Việt, vừa nhuốm màu cái lễ hội cuồng đãng mà Hugo miêu tả trong Nhà thờ Đức Bà Paris. Có nghi thức Lễ, gồm chào cờ, hát quốc ca, mặc niệm nhà văn đã hy sinh và tán tụng quyền lực. Và sau Lễ, đúng ra trước Lễ, trong Lễ và sau Lễ là có Hội, các nhóm nhà văn quần tụ nhau nói tục, văng tục đủ loại chim bướm và ịt éo một cách hoan lạc. Cái Tục lấn át cái Thiêng. Kết quả cũng là một cuộc bầu vui nhộn về một Chủ tịch, có nhà văn nói ngọng là Chủ chịch, để làm "Đức Giáo hoàng của bọn cuồng đãng" có tên là Hội Nhà văn.
Nhiệt thành chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều! Hy vọng trong nhiệm kỳ này anh xứng đáng tròn vai một Quasimodo đáng yêu chứ không nên là một Giám mục Claude Frollo đạo đức giả đáng ghét...
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào