ĐEM CÂY RỪNG VỀ NHÀ Thời nay ở xứ Việt, người ta không chỉ vào rừng lấy gỗ về làm những ngôi nhà đồ sộ tốn hàng trăm mét khối, không chỉ đốn...
ĐEM CÂY RỪNG VỀ NHÀ
Thời nay ở xứ Việt, người ta không chỉ vào rừng lấy gỗ về làm những ngôi nhà đồ sộ tốn hàng trăm mét khối, không chỉ đốn cây rừng về làm bàn ghế, tủ giường chạm khắc lởm chởm để chứng tỏ mình giàu, mình là giới quý tộc. Những trọc phú thời nay còn đốn nguyên cả cây rừng cổ thụ về trồng ở sân nhà mình. Đem cây rừng về nhà người ta gọi là "di thực". Rừng tan hoang vì thuỷ điện, rừng không còn vì những thú sở hữu của những kẻ lắm tiền. Cây rừng với đường kính cả thước hoặc nhỏ nhất cũng nửa thước mất cả trăm năm mới thành, nay bị đào bới, cắt rễ, lặt nhánh mang về đứng chơ vơ trong sân của những biệt phủ mênh mông. Cội rễ không còn, lại nằm trên sân gạch, sân bê tông, sân lót sỏi nhờ bàn tay nghệ nhân và thuốc nuôi cây, cây vẫn sống, vẫn ra lá, đơm hoa nhưng gốc không vững, gió lớn rất dễ ngã đổ. Người ta tìm đủ mọi cách đem rừng về phố và rồi rừng nguyên sinh chẳng còn cây, gây thảm hoạ lúc nước đổ từ nguồn. Người bị thiệt hại, bị mất mạng cũng chỉ là dân nghèo. Những kẻ lắm tiền vẫn ngày ngày ngắm cây và an toàn trong những căn nhà gỗ quý.
Ở Nhật Bản, để thưởng thức rừng trong ngôi nhà hay mảnh vườn của mình, họ chơi Bonsai. Họ cũng tạo rừng bằng cách trồng những cây nhỏ trong chậu. Không ai lại ích kỷ và tàn bạo đến độ bứng cả cây rừng đem về nhà mình như ở xứ ta. Ở Trung Hoa, để thưởng ngoạn thiên nhiên ở bên mình, họ tạo ra hòn non bộ. Cũng suối nước chảy, cũng cây lá đơm hoa, cũng cây tạo rừng nhưng chỉ là be bé, là cánh rừng thu nhỏ. Họ cũng không làm chuyện bứng cây rừng, phá rừng để làm thú vui. Đó mới là nghệ thuật, đó mới là thanh cao của một thú chơi. Chơi như những kẻ lắm tiền ở xứ Việt không còn là nghệ thuật mà là sự bức tử. Ngày xưa các cụ nhà ta cũng chơi cây cảnh như người Nhật, cũng làm non bộ như người Tàu. Nhưng rồi đến đời nay, người ta muốn cái gì cũng to, cái gì cũng lớn, ganh nhau, đua nhau phá rừng để chứng tỏ mình sang hơn người. Họ bất chấp hậu quả. Nhưng họ không biết rằng đó là cách chơi của những cái đầu nông cạn, quê mùa, chẳng có chút nghệ thuật nào.
Nguyễn Công Trứ, một tay chơi thứ thiệt ngày xưa trong bài hát nói "Cầm kỳ thi tửu" có viết:
Cầm kỳ thi tửu,
Ðường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
Ðàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
Thú xuất trần tiên vẫn là ta,
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng!
Thơ rằng: Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
Thi hoài lạc hỹ, tửu hoài nồng.
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung,
Người ở thế dẫu trăm năm là mấy!
Sách có chữ “Nhân sinh thích chí”,
Ðem ngàn vàng chác lấy cuộc chơi.
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các cho người biết tay.
"Chơi cho lịch mới là chơi". Lịch ở đây là lịch lãm, lịch sự, là biết chơi. Ngôn ngữ thời nay là chịu chơi. Còn là chơi đài các tức là có phong cách, dáng vẻ của người giàu sang, quyền quý. Kẻ biết chơi là niềm vui thú của mình không phá hỏng trời đất, thiên nhiên, không gây hại cho người cũng như vật quanh ta. Chơi phải thể hiện sự thanh nhã, phong lưu. Chơi như quan chức, trọc phú thời nay bứng cây rừng về nhà không có lịch cũng chẳng sang mà chỉ là những kẻ phá hoại, bộc lộ tích cách hạ tiện và khoe mẽ. Họ không biết đó là hiểm hoạ khôn lường.
25.11.2020
DODUYNGOC
#LINHTINHDODUYNGOC
Không có nhận xét nào