NGHĨ VỀ PHÁT BIỂU CỦA HAI NỮ ĐẠI BIỂU Mấy hôm nay dư luận và trên các trang mạng người ta cổ vũ và khen ngợi hai nữ đại biểu Quốc hội Ksor H...
NGHĨ VỀ PHÁT BIỂU CỦA HAI NỮ ĐẠI BIỂU
Mấy hôm nay dư luận và trên các trang mạng người ta cổ vũ và khen ngợi hai nữ đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp và Phạm Thị Minh Hiền quá xá. Người ta khen là vì đây là lần đầu tiên ở Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam có hai đại biểu nữ đã dám nói và nói rất mạch lạc, không tránh né, không ngại va chạm những vấn đề của xã hội đang quan tâm. Cả hai đều nói lưu loát với phong cách và ngôn ngữ của người có học thức thật sự và có mối quan tâm tận tình đến tâm tư của nhân dân. Nó khác với những phát ngôn ngu ngơ, ngớ ngẩn, giáo điều, tách biệt dân và đôi khi làm thành đề tài đàm tiếu của một số đại biểu Quốc hội.
Trong phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Theo ông Cường, diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%. Ông Cường khẳng định trước Quốc hội : “Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”.
Trước việc khoe khoang thành tích của ông Cường, Bà Ksor H’Bơ Khăp nói thẳng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp là trong cách nói của Bộ trưởng có gì sai sai. Bà đề cập đến vấn đề Rừng, một đề tài đang nóng hiện nay. Theo bà, Bộ trưởng đã nói không đúng về con số rừng hiện còn tồn tại ở VN hiện nay. Vì con số thống kê đó lại bao gồm cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. Đấy là điều thiếu chính xác.
Bà cũng đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công thương về điện mặt trời và yêu cầu bộ có giải pháp với những vật liệu đó khi hết hạn sử dụng. Với văn phong giản dị, bà đã nói lên suy nghĩ của người dân Tây nguyên, vùng đất đang bị những tham vọng của một số tập đoàn lợi ích nhóm làm cho rừng nguyên sinh của vùng đất ấy tan nát, đời sống của dân bản địa Tây nguyên lâm vào đường cùng.
Bà Phạm Thị Minh Hiền đại biểu tỉnh Phú Yên thì đặt vấn đề về sách giáo khoa, cũng là một đề tài đang được dư luận quan tâm. Bà cho rằng:”Đọc báo cáo và lắng nghe giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ sách giáo khoa, tôi chỉ có thể nói rằng người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với một sự tiếp thu của đứa trẻ.” Bà nói quá đúng.
Bà cũng nói rằng:”Muốn biên soạn bộ hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu, mà lỗi trong sách giáo khoa thì chỉ có sai hoặc đúng, chứ không có lỗi “ chưa phù hợp”... Điều đó càng bộc lộ rõ hơn về một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin. Cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố cũng thật là khó hiểu, không thể làm hài lòng dư luận. Tôi sẽ có nhiều cách xử lý sự cố này bằng chính sự tử tế của người làm giáo dục”. Bà đã vạch rõ sai lầm của những người làm sách giáo khoa, đã nêu được căn bệnh trầm kha của sách giáo khoa hiện nay. Từ đó, bà kết luận:”Giáo dục là xây dựng con người. Nhưng một khi giáo dục bị biến tướng bởi sức mạnh đồng tiền và “sức khỏe” của lợi nhuận, thì lúc ấy đến cả con người cũng sẽ bị biến tướng.” Nói hay quá và cũng đúng quá với thực trạng.
“Xây dựng con người hay trồng người, chỉ cần một nhận thức đúng đắn về hệ giá trị từ trong nhà trường đến xã hội, chi phí cho những điều này không phải bằng ngân sách, vốn đầu tư công, mà bằng sức mạnh của tư duy và lòng trắc ẩn đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc”. Quá đúng và quá hay.
Những ý kiến trên bà phát biểu gọn ghẽ và đanh thép khiến những ai quan tâm đến tình trạng sách giáo khoa hiện nay đều cảm thấy đồng tình và hả dạ.
Qua tình cảm của người dân đối với những phát biểu của hai nữ đại biểu này cho thấy rằng: Nhân dân luôn ủng hộ những cái đúng, đồng tình với những người thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi họ đứng về phía nhân dân, họ được nể trọng. Người dân không chống đối chính quyền, người dân chỉ lên án và căm ghét những kẻ nằm trong hệ thống chính quyền, mang tiếng đại diện cho dân mà đi ngược lòng dân. Tình cảm của nhân dân dành cho hai bà Ksor H’Bơ Khăp và Phạm Thị Minh Hiền đã chứng minh điều ấy. Rất tiếc, trong Quốc hội của ta, những tiếng nói như của hai bà còn ít quá. Mang tiếng đại biểu cho nhân dân nhưng quá ít người bảo vệ quyền lợi của dân, đứng về phía nhân dân để đấu tranh với những sai trái và thấu hiểu những tâm tư của nhân dân.
6.11.2020
DODUYNGOC
#LINHTINHDODUYNGOC
Không có nhận xét nào