Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NƯỚC MỸ BỚT "LUNG LINH"

NƯỚC MỸ BỚT "LUNG LINH" Dù Tổng thống Trump có thành công hay không trong việc tố cáo gian lận bầu cử, thì nước Mỹ đã bớt "lu...

NƯỚC MỸ BỚT "LUNG LINH"
NƯỚC MỸ BỚT "LUNG LINH"

Dù Tổng thống Trump có thành công hay không trong việc tố cáo gian lận bầu cử, thì nước Mỹ đã bớt "lung linh" trong mắt của nhiều người qua lần bầu cử này.

Cũng không hẳn là nước Mỹ bớt "lung linh" chỉ từ khi diễn ra cuộc bầu cử này. Đối với nhiều người Việt nam, nước Mỹ đã bớt "lung linh" từ khi họ im lặng, để cho Trung quốc mặc sức xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Họ, nước Mỹ, vốn được coi là "sen đầm quốc tế", nhưng lại làm ngơ với những hành vi ngang ngược của bọn Chinazi.

Tất nhiên, việc chống Trung cộng, giữ đất, giữ biển là việc của người Việt nam. Người Mỹ sẽ không bao giờ làm việc ấy không công cho Việt nam cả. Thế nhưng, Trung cộng càng lớn mạnh, nước Mỹ càng bị đe dọa. Việc để cho Trung cộng mặc sức hoành hành và khống chế Biển Đông sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của Mỹ ở khu vực này và trên toàn thế giới. Việc để cho Trung cộng khống chế và chi phối các nước nhỏ như Việt nam, các nước Đông Nam Á, Châu Phi, hay Nam Á... sẽ làm suy yếu vị thế của nước Mỹ.

Sẽ có người nói, Trung cộng hay Mỹ khống chế Biển Đông thì cũng vậy thôi. Không vậy thôi đâu. Hãy nhìn Đức, Hàn quốc, Nhật... và các nước châu Âu, họ liên kết với Mỹ, Mỹ đặt căn cứ quân sự trên đất nước họ. Thế nhưng, họ phát triển ầm ầm. Ngay cả khi Trump yêu cầu họ phải chi tiền để Mỹ duy trì quân trên đất nước họ, thì sau một hồi ỉ ôi, họ cũng phải xùy tiền ra để Mỹ ở lại. Trong khi đó thì Trung cộng, chưa gì đã dùng bẫy nợ để thôn tính cảng biển, đưa người ồ ạt qua các nước...

Cách đây 4 năm, Trump đã nhìn ra điều ấy, và thực hiện các biện pháp để khống chế Trung cộng. Và kể từ đó, người ta thấy nước Mỹ bị chia rẽ. Nhiều người muốn duy trì cái trật tự cũ, khi Mỹ đóng vai người hùng, chi tiền và để cho Trung cộng thao túng, và giành lợi thế với Mỹ, bắt nạt các nước nhỏ, lấn chiếm các vùng biển, thôn tính các khu vực kinh tế quan trọng của các nước nhỏ bằng bẫy nợ... đã phản đối Trump. 

Những thói xấu của xã hội Mỹ bộc phát mạnh từ khi đó. Họ đấu tố Trump, các hãng truyền thông tìm mọi cách bôi nhọ Trump. Đảng dân chủ phát động những cuộc chiến pháp lí chống lại Trump. Một mặt họ ra sức công kích Trump, mặt khác, họ tìm mọi cách đổ lỗi cho Trump đã chia rẽ nước Mỹ, thậm chí là chia rẽ cả thế giới.

Thật buồn cười là những cuộc luận tội, những cuộc điều tra, điều trần những vấn đề mà phe Dân chủ tố cáo Trump đều không thu thập được bằng chứng nào, từ việc thông đồng với Nga, đến vấn đề đóng thuế... nhưng khi Trump phát động cuộc chiến pháp lí chống lại việc gian lận bầu cử, thì họ lại cho là Trump chỉ muốn ôm ghế, và làm cho nước Mỹ xấu đi. 

Sự xấu xa của xã hội Mỹ đã được giấu kín dưới sự lịch thiệp của các chính khách. Những vấn đề gai góc, như người nhập cư, như sự trỗi dậy của Trung cộng... được xếp vô một bên. Thậm chí, ngay cả khi Trung cộng tát vào mặt nước Mỹ bằng cách không cấp thang máy bay cho Tổng thống Obama khi đến Trung quốc cũng được gạt qua một bên. Khi đó, nước Mỹ yên ổn, nước Mỹ thống nhất một cách giả tạo. 

Có câu chuyện cười, rằng nhà kia đang ăn cơm thì đứa con nhỏ ị một bãi ngay chỗ mọi người đang ngồi ăn. Bà mẹ bèn lấy cái tô úp chụp lại. Mọi người tiếp tục ăn, và cố gắng ngó lơ, tránh nhìn vào cái tô đang úp ngay bên cạnh mâm cơm.

Trump không ngó lơ, Trump xới tung những điều đó lên. Không phải Trump làm cho nước Mỹ xấu đi, ông chỉ chiến đấu để chống lại những cái xấu xa. Cuộc chiến ấy làm cho những cái xấu xa tồn tại trong xã hội Mỹ bộc lộ rõ nét hơn. Hãy thử tưởng tượng đi, nếu thực sự có gian lận bầu cử mà Trump cho qua, thì xã hội Mỹ sẽ thế nào, khi một Tổng thống thắng cử bằng cách gian lận lên cầm quyền?

Dù Trump có thành công hay không trong việc tố cáo các gian lận bầu cử, dù nước Mỹ có bớt "lung linh" bao nhiêu đi chăng nữa, thì với hệ thống chia sẻ và kiểm soát quyền lực của mình, nước Mỹ vẫn là một cường quốc. Ngay cả đương kim Tổng thống cũng không thể trực tiếp can thiệp được vào cuộc bầu cử, mà phải viện đến Tòa án. Đâu có như những nơi mà các "đại đế" sửa cả Hiến pháp để nắm quyền trọn đời, hoặc tái cử nhiều lần nữa, hoặc đưa ra các trường hợp đặc biệt...

Dù nước Mỹ có bớt "lung linh", nhưng nền tảng của nó vẫn đủ để cho phép người ta hi vọng vào việc nó sẽ trở nên "lung linh" hơn sau những cuộc "đại phẫu" tấn công vào những ung nhọt đang được che đậy.


Bs Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào