Tản mạn: mưa và xạo "Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm" Thỉnh thoảng theo dõi các câu chuyện trong nghị ...
Tản mạn: mưa và xạo
"Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng
Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm"
Thỉnh thoảng theo dõi các câu chuyện trong nghị trường Việt Nam trước là thấy vui, nhưng sau lại thấy khóc. Câu chuyện về mưa lũ và mất rừng trong thời gian qua là tiêu biểu. Mỗi bộ trưởng giải thích một cách. Có người giải thích về mưa rất ư là vui, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ thì thấy nó vô lí (hay nói theo ngôn ngữ bình dân là "xạo").
Trước hết, một ông bộ trưởng đăng đàn nói rằng mất rừng là do "ở Tây Nguyên vì có đất tốt, bà con di cư vào nhiều và chúng ta chuyển đổi mục đích để phát triển kinh tế" [1]. Tức là do người di dân từ miền ngoài vào phá rừng ở Tây Nguyên. Hiểu. Hiểu rất rõ. Cám ơn.
Thế rồi ông giải thích về vụ sạt lở vừa qua rất độc đáo. Ông nói sạt lở là do "mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước, hay còn gọi là no nước cho làm tính kết dính rất kém" [1]. Bà con phải một phen vò đầu bức tóc để hiểu ông ấy nói gì.
Nhưng câu chuyện phức tạp hơn vì có đồng nghiệp của ông nói đó không phải là MƯA! Wow. Không phải là mưa thì là cái gì? Quá tò mò.
Thật vậy, ông bộ trưởng môi trường cho rằng trận mưa ở miền Trung vừa qua không phải là 'mưa', mà là "trời đổ nước xuống" [2]. Nguyên văn câu nói của ông ấy là "Có thể nói đây là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa." Bà con được một phen cười ngất về tánh hài hước của ông này.
Thử phân tách nhanh về suy nghĩ của ông bộ trưởng tiến sĩ này. Mệnh đề thứ nhứt ông giải thích nguyên nhân là do trời: "trời đổ nước xuống". Mệnh đề thứ hai ông đổi ý sang định nghĩa thế nào là mưa: ông nói trận mưa vừa qua không phải là ... mưa, mà là ... nước. Chỉ vậy cũng đủ làm choáng váng bà con. Một câu văn mà nói 2 ý có vẻ chẳng liên quan gì với nhau.
Thế nào là mưa?
Câu hỏi đặt ra là 'trời' là ai? Câu hỏi quan trọng hơn là thế nào là 'mưa'? Mưa và nước khác nhau ra sao? Tôi tò mò tìm hiểu xem người ta định nghĩa về mưa như thế nào. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa mưa như sau:
"hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành giọt từ đám mây xuống mặt đất"
Khó hiểu. Chúng ta thử xem qua định nghĩa của Tây xem sao. Từ điển lừng danh Britannica định nghĩa về mưa [3] và tôi tạm dịch:
"mưa là sự kết tụ các giọt nước có đường kính rộng hơn 0.5 mm."
Định nghĩa của Britannica còn phân biệt rằng nếu những giọt nước đó có đường kính nhỏ hơn 0.5 mm thì được gọi là mưa phùn, mưa bụi (drizzle).
OK, vậy thì đã rõ. Mưa là nước, hay chính xác hơn là nước lỏng. Còn 'Trời' là ai? Thật ra, trời không là ai cả, mà có thể xem/hiểu như là mây, là không gian, là không khí. Mà, không khí thì có nước (và cái này thì ai cũng biết).
Những tìm hiểu trên về mưa và nước cho thấy ông bộ trưởng nói ... trớt qướt. Nói mưa không phải là mưa đã là lạ lùng, rồi còn giải thích mưa là do trời đổ nước thì càng lằng nhằng hơn nữa.
Nhưng không phải trong Quốc Hội ai cũng nói như hai ông này, mà vẫn có những người phát biểu rất trí thức và đầy suy nghĩ. Chúng ta đã nghe phát biểu của BS Nguyễn Lân Hiếu rồi, và ai cũng khen anh ấy. Chúng ta đã nghe ông Lê Thanh Vân phát biểu về ĐH Tôn Đức Thắng rất qui chuẩn. Chúng ta còn nghe các đại biểu nữ như chị ở Sài Gòn và chị ở Dak Lak phát biểu cũng chuẩn mực và đàng hoàng. Xu hướng chung là nữ đại biểu dù không ở vị trí cao nhưng phát biểu chỉnh chu hơn các nam đồng nghiệp ở vị trí cao.
Tại sao có sự khác biệt như thế? Câu trả lời là nằm ở xu hướng 'bullshit' hay dịch nôm na sang tiếng Việt là 'xạo'. Xạo / Bullshit là một đề tài được giới khoa học nghiên cứu nghiêm chỉnh, chớ không phải là loại ngôn ngữ bậy bạ.
Xạo / Bullshit
Triết gia Harry G. Frankfurt có lẽ là người nghiên cứu sâu nhứt về xạo. Ông là người đặt nền tảng triết lí về xạo. Trong cuốn tiểu luận ngắn "On Bullshit", ông xem xạo là một thứ phẩm của xã hội. Trong cuốn sách mới xuất bản "Calling Bullshit", hai giáo sư Carl Bergstrom và Jevin West (Đại học Washington) còn đi xa hơn Harry Frankfurt ở định nghĩa về xạo như sau:
"Xạo là hành vi dùng sử dụng ngôn ngữ, biểu đồ, dữ liệu thống kê, và các hình thức thể hiện khác nhằm thuyết phục hoặc gây ấn tượng để đánh lạc hướng hay áp đảo hay đe doạ khán giả, nhưng không quan tâm đến sự thật hay tính hợp lí của thông tin." (Trang 40).
Người xạo khác nói người nói dối. Nhưng nói xạo khác với nói dóc. Người nói dóc biết sự thật nhưng cố tình nói sai sự thật để xuyên tạc hay đạt được mục tiêu nào đó. Còn người nói xạo thì không biết mình nói cái gì và cũng chẳng quan tâm chuyện mình nói là đúng hay sai. Người nói xạo là hay "nổ" (dùng danh từ ngày nay), còn người nói dóc thì cố ý để đánh lừa người khác. Người nói xạo thường có mục tiêu khoe khoang, phô trương, hay nói chung là có hội chứng ái kỉ (narcissism).
Cách nói của các quan chức cao cấp trên rất phù hợp với định nghĩa về xạo. Lí do là họ nói ra những điều vô lí (nonsense), lẫn lộn (confusion) và cũng chẳng cần biết mình nói đúng với thực tế và khoa học hay không. Họ chỉ nói như là một cách biện minh tuyệt vọng về một thực tế mà ai cũng thấy. Vì ai cũng thấy, nên ai cũng biết họ ... xạo.
Năm ngoái, 3 nhà tâm lí học John Jerrim, Phil Parker và Nikki Shure công bố một nghiên cứu rất thú vị về xạo [4]. Nếu có thì giờ, các bạn nên đọc nghiên cứu này, vì nó cung cấp cho chúng ta nhiều ý tưởng và dữ liệu giúp chúng ta hiểu hơn về xã hội. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học nghiên cứu trên 40,000 thiếu niên từng tham gia kì kiểm tra PISA. Họ chỉ tập trung vào nhóm các nước nói tiếng Anh. Cách họ làm là họ đặt ra một số câu hỏi về 15 khái niệm liên quan đến toán, trong đó có 3 câu hỏi hoàn toàn bịa đặt (như "proper numbers", "subjunctive scaling", và "declarative fractions"). Do đó, bất cứ em nào trả lời rằng họ biết 3 câu hỏi này là ... xạo. Họ phát hiện vài xu hướng hết sức thú vị như sau (tôi chỉ tóm tắt):
· Nam xạo nhiều hơn nữ;
· Người giàu xạo nhiều hơn người nghèo;
· Nước xạo nhứt là Canada, kế đến là Mĩ, Úc, Tân Tây Lan, và Anh.
Điều đáng ngạc nhiên là những kẻ nói xạo này thường thành công trong xã hội. Các chánh trị gia là những kẻ hay xạo nhất vì họ toàn hứa những gì không có thật hay không thể làm được, hay nói những điều không đúng với thực tế. Những kết quả nghiên cứu này rõ ràng là phù hợp với những gì chúng ta thấy trong nghị trường Việt Nam vừa qua. Mấy quan chức cao cấp phát biểu nhiều điều vô nghĩa (nonsense hay xạo) hơn người thường, và nam xạo nhiều hơn nữ.
Mưa bản chất nó đã là buồn, nhưng nghe các vị quan chức cấp bộ trưởng nói về mưa càng làm buồn thêm. Thật ra, những gì họ nói ra cũng có thể xem là mưa xạo. Nhạc sĩ Huỳnh Anh có 2 câu nhạc giống như là lời khuyên đến các vị ấy đừng 'mưa' nữa, vì họ mưa chỉ làm cho chúng ta buồn thêm:
"Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng
Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm"
Ts Nguyễn Tuấn
_____
[1] https://www.msn.com/vi-vn/news/national/ph%C3%B3-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-tr%E1%BB%8Bnh-%C4%91%C3%ACnh-d%C5%A9ng-s%E1%BA%A1t-l%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BA%A5t-l%C3%A0-k%E1%BA%BB-th%C3%B9-gi%E1%BA%A5u-m%E1%BA%B7t/ar-BB1ax8p1
[2] https://plo.vn/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-lu-mien-trung-khong-phai-do-thuy-dien-948262.html
[3] https://www.britannica.com/science/rain
[4] Bullshitters. Who Are They and What Do We Know about Their Lives? Web: http://ftp.iza.org/dp12282.pdf
Không có nhận xét nào