TẢN MẠN VỀ TỔNG THỐNG MỸ Làm tổng thống Mỹ rất mệt, mình thắc mắc với quy trình bầu cử mệt mỏi của nước Mỹ mà sao người ta vẫn đâm đầu vào l...
TẢN MẠN VỀ TỔNG THỐNG MỸ
Làm tổng thống Mỹ rất mệt, mình thắc mắc với quy trình bầu cử mệt mỏi của nước Mỹ mà sao người ta vẫn đâm đầu vào làm tổng thống Mỹ vậy?
Này nhé, ban đầu ứng cử viên tổng thống phải đi tranh cử ở 50 bang ở vòng đầu tiên trong nội bộ Đảng. Đảng Cộng Hoà thì theo đúng nguyên tắc Người thắng lấy được tất cả nên việc bầu cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hoà thường nhanh chóng lắm. Còn Đảng Dân Chủ lại bầu theo đúng tỷ lệ phiếu bầu từng bang nên cuộc đua thường kéo dài và thường các ứng viên trong những năm gần đây hăng hái chửi nhau rất dữ trong cuộc bầu cử nội bộ Đảng nhưng lại tay bắt mặt mừng khi công bố người chiến thắng nên cử tri phía Dân Chủ hay nghi ngờ ứng cử viên của họ cư xử không thật lòng.
Những cuộc bầu cử nội bộ này cũng không phải đơn giản. Đơn cử là cuộc bầu cử nội bộ đảng Cộng Hoà năm 2016. Ông Trump dùng đúng luận điệu chửi Biden năm nay để chỉ Ted Cruz là một "tay thượng nghị sỹ tồi, không bao giờ làm được việc gì" vào tháng 4 năm 2016. Vào dịp khác, ông Marco Rubio chửi ông Trump là "kẻ lừa đảo" còn ông Trump thì đưa hình xấu nhất của vợ Ted Cruz để so sánh với hình đẹp nhất của bà vợ ông trên Twitter đồng thời chửi Ted Cruz là #Lying..Ted: Ted nói dối.
Nội bộ đảng Dân Chủ cũng không êm thấm hơn. Hillary Clinton cãi lộn với Bernie Sanders trong suốt cuộc bầu cử nội bộ Đảng Dân Chủ. Ông Sanders tuyên bố bà Clinton là không xứng đáng làm tổng thống, bà Clinton thì tuyên bố ông Sanders là tay xã hội chủ nghĩa. Tiền nhiều cũng không phải là giải pháp. Ông Michael Bloomberg đổ 500 triệu đô la để tranh cử làm ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ trong năm nay (nếu ông được đề cử, chúng ta sẽ có ứng viên giàu nhất từ trước đến nay làm tổng thống Mỹ-gia sản của ông là gần 54.5 tỷ đôla) và nhận được duy nhất đề cử ứng viên từ ...American Samoa.
Tới khi tranh cử tổng thống mới mệt mỏi thật sự. Từng hành vi, cử chỉ, lời nói không chỉ của bản thân mà còn của cộng sự và con cái đều bị soi mói rất kỹ càng. Cả hai bên đều có rất nhiều biện pháp để đánh vào nhau nên việc "bôi đen", "tô hồng" trong chính trị Mỹ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Truyền thông luôn tìm đủ mọi dịp để đưa ra rất nhiều tin bài bất lợi cho các ứng viên tổng thống. Một người ứng viên không đủ bản lĩnh chống chọi sẽ gục ngã ngay khi có rất nhiều thông tin bất lợi liên quan đến bản thân trên kênh truyền thông đối thủ. Các bác ứng viên tổng thống ở Mỹ nên tự trách bản thân là đã sinh nhầm chỗ. Nếu mấy bác sinh ra là hạt giống đỏ ở Trung Quốc, Việt Nam hay Cuba thì mấy bác tự dưng là "hồng phúc dân tộc" rồi.
Đã vậy muốn được bầu còn phải tranh luận trên TV rồi phải trả lời từng câu hỏi của dân chúng, phải tham gia bao nhiêu chương trình của từng kênh truyền thông để có thể truyền tải thông tin tốt nhất và hữu hiệu nhất đến người dân. Hai ứng viên phải tranh luận đến 3 cuộc trên hệ thống truyền hình quốc gia, với sự điều khiển của một ông trọng tài là người điều khiển chương trình của một đài quốc gia nổi tiếng. Mỗi cuộc tranh luận đều được mổ xẻ, bàn tán, phân tích cặn kẽ từng cử chỉ, hành vi của ứng viên. Có khi một ứng viên chỉ cần tỏ vẻ mệt mỏi hơn ứng viên kia một chút cũng đủ để họ mất chiếc vé tổng thống như Nixon năm 1960 đã mất vé vào Nhà Trắng về tay Kennedy do khoảnh khắc ấy.
Càng gần tới ngày bầu cử thì ứng viên phải chạy như con thoi giữa các tiểu bang. Ứng viên mà còn làm tổng thống thì vừa phải điều hành đất nước, vừa đi tranh cử, có khi một ngày phải đi mấy tiểu bang chiến trường cùng một lúc. Các ứng viên phải kiếm cách để thông điệp của mình không chỉ lan truyền trong nội bộ đảng, mà còn lan truyền ra các cử tri còn do dự chưa biết chọn ai. Một ứng viên yếu đuối không bao giờ có thể làm được điều này. Ứng viên không chỉ lo cho cái ghế tổng thống của mình mà còn phải lo cho cả cuộc đua vào Hạ Viện và Thượng Viện của đảng mình vì nếu làm tổng thống mà để đảng đối lập chiếm cả Hạ Viện và Thượng Viện hoặc một trong hai viện thì chẳng khác nào tổng thống vịt què.
Ứng viên được bầu rồi thì chỉ mới xong một nửa chặng đường. Lương tổng thống Mỹ là 400 ngàn đô la, một con số chỉ ngang với lương CEO công ty tầm trung mà công việc thì khổng lồ hơn nhiều lần. Ông ta phải lo việc điều hành một đất nước 320 triệu dân, phải lo đối diện với Quốc hội và phải lo đối ngoại với quốc tế. Một tổng thống Mỹ không chỉ là tổng thống của dân Mỹ, mà còn là một người có tiếng nói gần như lớn nhất trong thế giới tự do, tiếng nói của ông phải đủ mạnh để ảnh hưởng lên cả thế giới.
Tổng thống cũng không phải muốn làm gì thì làm. Cơ chế check and balance (hay cân bằng quyền lực) của Mỹ đã cho phép Quốc hội hay Toà Án Tối Cao có thể kiềm chế được nhiều quyền lực của tổng thống. Việc phê duyệt ngân sách không phải là quyền của tổng thống nên rất nhiều lần trong lịch sử, chính phủ Mỹ và các cơ sở Liên bang bị đóng cửa vì Quốc hội không đồng ý với đề xuất ngân sách của chính phủ, dưới thời Obama có một lần và thời Trump có một lần. Mặc dù chưa tổng thống nào bị phế truất (Nixon từ chức trước khi có nguy cơ bị phế truất), nhưng việc luận tội tổng thống cũng là một chuyện không phải hiếm trong lịch sử. Trong lịch sử nước Mỹ có 4 vị tổng thống bị Hạ Viện luận tội (hoặc chuẩn bị luận tội như Nixon): Andrew Johnson (1868), Nixon (1974), Bill Clinton (1998) và Donald Trump (2019). Ngoài Nixon, ba vị tổng thống còn lại đều được Thượng Viện tha bổng.
Làm tổng thống Mỹ rất mệt mỏi, rất đau đầu, có vị sau 4 năm làm tổng thống thì già hẳn so với 4 năm trước nhưng người ta vẫn muốn làm. Kim lãnh tụ hay Tập lãnh tụ mà nhìn sang tổng thống Mỹ chắc cười khẩy :"thấy tụi tui hông? Có cần tranh cử, tranh luận, giải trình không?, lên TV chỉ cần chìa ra vài gói cứu trợ, thằng nào thắc mắc gì thì dán mác phản động cho nó, thằng nào đòi bầu cử tự do đa đảng thì dán mác suy đồi đạo đức cho nó, thằng nào đòi viết báo chửi tụi tui thì tụi tui cho nó vô nhà đá."
Anh em cũng đừng thắc mắc tại sao dân chúng nước ta quan tâm đến bầu cử Mỹ đến vậy. Nội việc nghi ngờ về sự gian lận bầu cử Mỹ cũng đã hấp dẫn rồi, nói chi đến cuộc đua thực sự. Những nghi ngờ như vậy không bao giờ có trong lịch sử bầu cử nước ta, vì người ta biết bầu cử nước ta như thế nào rồi. Tất cả mọi việc trên đời đều quy về Demand(nhu cầu) và Supply(cung cấp) cả. Nhu cầu của con người luôn muốn chứng kiến một thứ gì đó kịch tính và hấp dẫn. Nếu không được thoả mãn ở trong nước thì người ta sẽ hướng sang Mỹ. Đó là lý do mà chúng ta quan tâm đến bầu cử Mỹ hơn cả hệ thống chính trị của nước mình.
Nguyễn Duy Anh
Không có nhận xét nào