Vaccine Pfizer đạt hiệu quả 95% Sáng nay lại thêm một tin vui: phân tích dữ liệu lần 2 của Pfizer cho thấy vaccine mRNA đạt hiệu quả 95% [1]...
Vaccine Pfizer đạt hiệu quả 95%
Sáng nay lại thêm một tin vui: phân tích dữ liệu lần 2 của Pfizer cho thấy vaccine mRNA đạt hiệu quả 95% [1]. Cùng với nghiên cứu "COVE" của Moderna, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về hiệu quả của vaccine mRNA.
Hôm trước tôi có đề cập rằng Pfizer sẽ làm thêm phân tích theo kế hoạch đề ra khi nghiên cứu quan sát được 164 ca nhiễm. Hôm nay, Pfizer đã ghi nhận 170 ca nhiễm, và họ công bố kết quả của phân tích dữ liệu lần II như sau:
• 8 người bị nhiễm là trong nhóm vaccine;
• 162 người bị nhiễm trong nhóm placebo (giả dược).
Nghiên cứu đã ghi danh 43,661 tình nguyện viên, và họ được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm với tỉ số 50:50. Do đó, xác suất nhiễm ở nhóm vaccine là 0.037%, và nhóm chứng là 0.74%. Hiệu quả của vaccine do đó được tính là 95%:
VE = 1 - (0.037 / 0.742) = 0.95
Chúng ta có thể hỏi: nếu thử nghiệm này lặp lại 100 lần thì hiệu quả VE sẽ dao động như thế nào? Bởi vì không ai điên rồ làm thử nghiệm 100 lần trong thực tế, nên chúng ta phải dùng lí thuyết thống kê để trả lời câu hỏi đó (xem note 2). Kết quả phân tích cho thấy xác suất 97.5% là VE sẽ cao hơn 90%. OK, chúng ta an tâm rằng hiệu quả vaccine thấp nhứt cũng phải 90% (xem hình).
Để so sánh, chúng ta có thể lấy vaccine cho cúm mùa vốn chỉ có hiệu quả chừng 69-75%. Vaccine cho bệnh sởi thì đạt 94%.
Biến chứng?
Một quan tâm là người được tiêm vaccine có biến chứng gì không. Câu trả lời là có, nhưng là những phản ứng tiêu biểu mà thôi. Theo báo cáo của Pfizer, các phản ứng phụ bao gồm mệt mỏi (xảy ra khoảng 2% tình nguyện viên), nhức đầu (cũng 2%). Báo cáo trên New England Journal of Medicine cho biết thêm là đau cơ và cảm thấy lạnh cũng xảy ra ở một số ít bệnh nhân [3].
Vaccine mRNA
Tất cả vaccine có cơ chế vận hành dựa vào khả năng "đánh lừa" hệ miễn dịch của con người. Chúng ta biết rằng khi chúng ta bị nhiễm virus, thì hệ miễn dịch sẽ kích hoạt qui trình sản xuất kháng thể (antibody). Kháng thể chủ yếu do tế bào B trong hệ thống miễn dịch sản sinh. Còn trong lúc chúng ta không/chưa bị nhiễm thì hệ miễn dịch ... ngồi chơi sơi nước.
Do đó, mẹo đặt ra là làm sao điều khiển hệ miễn dịch sản xuất kháng thể trong khi chúng ta chưa bị nhiễm. Câu trả lời là tiêm vaccine. Khi vaccine vào tế bào, hệ thống miễn dịch tưởng là 'kẻ thù' virus tấn công, nên kích hoạt tế bào B sản xuất kháng thể để chống lại chúng. Mẹo rất đơn giản, nhưng công nghệ đằng sau thì không hề đơn giản.
Trước đây, vaccine hàm chứa tác nhân giống như virus gây bệnh và được bào chế từ các vi sinh vật, hoặc từ các độc tố của vi sinh vật, hoặc các protein bề mặt của chúng. Các vaccine này đã thành công mĩ mãn trong việc kiểm soát các bệnh như sởi và đậu mùa. Nhưng khi đối phó với các bệnh do virus mới và biến hoá liên tục như Ebola, Zika, hay Covid-19 thì các vaccine truyền thống này không có hiệu quả như mong muốn.
Mấy năm gần đây (từ thập niên 1990), một thế hệ vaccine mới ra đời dựa trên cơ sở hiểu biết cơ chế vận hành của RNA. Không giống như các vaccine truyền thống, vaccine mới đưa vào một mảng RNA tín hiệu (messenger RNA, hay mRNA), một phân tử điều phối tế bào nên làm gì và mã hoá cho kháng nguyên. Vaccine mRNA được 'nhân tạo' sao cho vaccine không có đủ thông tin để sản xuất protein, nhưng có đủ thông tin để 'lừa gạt' hệ thống miễn dịch của người nhận rằng đó là một virus thật, và kích hoạt việc sản xuất ra kháng thể chống lại virus.
Theo nhiều chuyên gia thì vaccine mRNA này an toàn hơn vaccine truyền thống. Dù vậy, đã xuất hiện vài tin giả cho rằng Bill Gate cài chip vào vaccine, rằng vaccine mới sẽ làm thay đổi DNA trong người (trời ơi!), rằng 75% tình nguyên viên bị phản ứng nguy hiểm, v.v. và v.v. Tất cả là phịa thôi.
Vaccine và thuốc lí tưởng nhứt là có hiệu quả 100%, có phản ứng phụ 0%, và miễn phí. Nhưng "đời không như là mơ", nên loại vaccine và thuốc như vậy không bao giờ có. Những gì chúng ta sắp có là tốt nhứt rồi. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ có nhiều vaccine hơn, nhưng để đạt hiệu quả 90-95% thì chắc không nhiều đâu.
Ts Nguyễn Tuấn
______
[1] https://www.pfizer.com/news/press-release/press-release-detail/pfizer-and-biontech-conclude-phase-3-study-covid-19-vaccine
[2] Tính toán khoảng tin cậy 95% của VE:
a = 8; n1 = 43661/2; c=162; n2=43661/2
rr = (a/n1) / (c/n2)
se = sqrt(1/a + 1/c - 1/n1 - 1/n2)
l95 = exp(log(rr)-1.96*se)
u95 = exp(log(rr)+1.96*se)
cbind(1-rr, 1-u95, 1-l95)
m = rnorm(10000, mean=log(rr), sd=se)
hist(1-exp(m), xlab="Vaccine Efficacy", prob=T, col="blue", border="white", xlim=c(0.8, 1.0), ylab="Probability", main="Distribution of Simulated Vaccine Efficacy")
[3] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2028436
Không có nhận xét nào