CƠ SỞ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ TRONG GIÁO DỤC Đối với vụ việc nữ sinh lớp 10 phải tự tử trước sự bạo hành tinh thần của giáo viên chủ nhiệm, có...
CƠ SỞ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ TRONG GIÁO DỤC
Đối với vụ việc nữ sinh lớp 10 phải tự tử trước sự bạo hành tinh thần của giáo viên chủ nhiệm, có đủ cơ sở cho thấy các dấu hiệu của một vụ án hình sự.
Ít nhất có thể hướng tới một trong ba tội danh: (1) Tội bức tử (Điều 130).
(2) Tội hành hạ người khác (Điều 140).
(3) Tội làm nhục người khác (Điều 155).
Tuy nhiên, với các dấu hiệu trong vụ việc nữ sinh ở An Giang phải tự tự, phù hợp với cấu thành của tội bức tử. Cụ thể với các căn cứ và yếu tố cấu thành như sau.
Hành vi của giáo viên đã vi phạm vào điều cấm của Luật Giáo dục (Điều 22): ép học sinh học phụ đạo (học thêm) để lấy tiền; lợi dụng chức vị và quyền hạn trong công tác để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người học bằng cách bêu tên trước toàn trường trong giờ chào cờ mà còn vắng mặt chính người này; tự đặt ra hình thức “cấm túc” (một hình thức giam, giữ người trái pháp luật) trong một thời gian dài từ ngày 1-12/12 với khung giờ từ 6h30 - 6h50 (vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử và đạo đức nhà giáo theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).
Người học (bị làm nhục công khai trước toàn trường bằng hình thức kỷ luật trái pháp luật) và giáo viên là người có mối quan hệ phụ thuộc/lệ thuộc theo quy định tại Điều 3.10 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán - những người có mối quan hệ trong giáo dục. Do vậy, mối quan hệ giữa giáo viên và người học là một quan hệ có tính lệ thuộc và là một yếu tố cấu thành của tội bức tử.
Với một hình thức kỷ luật trái luật, có tính làm nhục người học, kéo dài và gây ra tâm lý khủng hoảng cho học sinh, đã dẫn tới sự quẫn bách của của người này (không có khả năng tự vệ) và nạn nhân đã quyết định tự sát để chấm dứt các sự bạo hành, làm nhục của giáo viên. Việc nạn nhân không chết chỉ là một yếu tố khách quan và nằm ngoài ý muốn chủ quan của chính nạn nhân do được phát hiện kịp thời. Điều này được củng cố thêm khi nạn nhân có bệnh hen suyễn, một bệnh mãn tính và có thể gặp nguy hiểm (cấp tính) một khi có những tác động về mặt thể trạng (và môi trường) nhất định. Hành vi tự sát là dấu hiệu bắt buộc và nó đã xảy ra trên thực tế, việc chết người không phải là điều kiện bắt buộc của tội bức tử.
Tôi chưa biết nữ sinh lớp 10 đã đủ hay chưa đủ 16 tuổi, vì nó là tình tiết tăng nặng định khung và kéo theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tức tương ứng với mức hình phạt sẽ tăng theo. Nhưng khung cơ bản của tội này (khoản 1 Điều 130) đã là từ 2 năm đến 7 năm tù giam.
Rõ ràng, trong trường hợp nữ sinh tự tử ở An Giang có đủ dấu hiệu của tội phạm (tội bức tử - Điều 130 BLHS) khi:
(1i) hành vi làm nhục (kéo dài và bằng nhiều hình thức) là hành vi bị nghiêm cấm trong giáo dục; và
(2i) mối quan hệ giữa nạn nhân và người thực hiện hành vi trái pháp luật là quan hệ lệ thuộc (trong giáo dục); và
(3i) người bị làm nhục, bạo hành tinh thần đã tự sát (hậu quả chết người không xảy ra là khách quan); và
(4i) người thực hiện/đề xuất thực hiện hành vi bạo hành, làm nhục nạn nhân coi thường tính mạng người khác khi tiếp tục tỏ ra tâm lý hả hê và tiếp tục hạ thấp việc tự tử của nạn nhân.
Vấn đề đặt ra tiếp theo ở đây là, việc giám định mức độ tổn hại/rối loạn về tâm thần và hành vi chưa được thực hiện nên chưa xác định được hậu quả về mặt tâm lý của nạn nhân. Đây cũng là một tình tiết/yếu tố cấu thành tăng nặng của tội phạm (đối với Điều 140 và Điều 155). Mà ở đây cho thấy nạn nhân, đang điều trị tại bệnh viện, vẫn tỏ ra hoảng sợ và nói không dám tới trường. Và do đó, việc giám định về vấn đề rối loạn tâm thần và hành vi là bắt buộc để có căn cứ xử lý.
Với đủ dấu hiệu của tội bức tử (Điều 130), rõ ràng có thể khởi tố vụ án để xử lý trách nhiệm hình sự với hành vi của giáo viên mà đã đẩy nạn nhân vào việc phải tự sát gây rúng động dư luận và xã hội. Nó cần thiết trong bối cảnh mà việc bạo hành, hành hạ và ngược đãi học sinh trong thời gian qua đã xảy ra ở nhiều nơi và với nhiều cách thức khác nhau mà mức độ nghiêm trọng của nó lại ngày càng tăng trong lĩnh vực giáo dục. Dẫu vậy, trong vụ việc, nếu điều tra mà chưa chắc chắn về chứng cứ để truy tố về tội bức tử, ít nhất, trường hợp này có thể chuyển sang tội làm nhục người khác hoặc hành hạ người khác như đã nêu tại phần đầu bài viết này.
Lê Luân
Không có nhận xét nào