Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

"TỰ DIỄN BIẾN" VÀ VÔ THƯỜNG.

"Tự diễn biến" và vô thường.  Mệnh đề 'tự diễn biến' ở Việt Nam có ý nghĩa rất ... nguy hiểm. Nó nguy hiểm là vì người ta ...

"Tự diễn biến" và vô thường.

"Tự diễn biến" và vô thường. 

Mệnh đề 'tự diễn biến' ở Việt Nam có ý nghĩa rất ... nguy hiểm. Nó nguy hiểm là vì người ta bắt chước cách hiểu của mấy người cộng sản Tàu. Nhưng trong thực tế, đó là một mệnh đề rất hay, vì nó nói lên ý nghĩa của vô thường (impermanence). Tất cả chúng ta đều không ít thì nhiều theo qui luật của tự nhiên: tự diễn biến. 

Richard Feynam cũng từng nói "You are under no obligation to remain the same person you were a year ago, a month ago, or even a day ago. You are here to create yourself, continuously." Có nghĩa là: bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục. Tất cả chúng ta phải tự làm mới mình, chớ không thể duy trì một chỗ đứng vĩnh viễn. Câu nói của Feynman rất ư phù hợp với khái niệm 'vô thuờng' trong Phật giáo. 

Vô thường hay 'bất vĩnh cữu' là một ý niệm, nhưng cũng là một qui luật tự nhiên. Qui luật này có thể tóm gọn bằng một câu đơn giản là vạn vật đều thay đổi. Tiếng Anh có một câu nói để nhấn mạnh ý niệm này nhưng mang tính chơi chữ là "The only thing that never changes is change itself" (một điều không bao giờ thay đổi chính là sự thay đổi), hay câu "The only thing that is constant is change" (Điều duy nhất bất biến là sự thay đổi). Ngoài ra, còn có câu ví von liên quan đến dòng sông, "No man ever steps into the same river twice" (không một ai bước vào một dòng sông hai lần) mà người ta nghĩ là của triết gia Hi Lạp Heraclitus. Câu đó hàm ý nói rằng dòng sông luôn thay đổi, và lần trước chúng ta đặt chân xuống dòng sông thì ngay sau đó dòng nước đã thay đổi, nên lần thứ hai chúng ta đặt chân xuống thì không còn là dòng nước cũ nữa. Vạn vật đều như dòng sông, lúc nào cũng biến chuyển liên tục, và sự biến chuyển đó chính là sự bất biến của cuộc sống. 

Vô thường là một ý niệm rất quan trọng trong Phật giáo. Bất cứ người Phật tử nào cũng phải nhận thức được rằng tất cả những gì trên trái đất này -- từ thực vật đến động vật và con người chúng ta -- đều không tồn tại vĩnh viễn. Sự sống là một hàm số khổng lồ, mà trong đó các yếu tố sống đều phụ thuộc lẫn nhau, và chỉ cần một yếu tố đổi thay thì sự sống cũng thay đổi theo. Điều này thì tôi nghiệm ra hết sức đúng trong y học. Chỉ lấy chuyên ngành xương ra để minh họa, chúng ta sẽ thấy rằng xương chúng ta -- nhìn bề ngoài thì như một khối cố định -- nhưng trong thực tế là xương chúng ta -- cũng như da -- liên tục trải qua những chu trình chết (hủy xương) và sống (tái tạo xương), và chu trình này xảy ra liên tục. Cứ chừng 10 năm thì chúng ta có một bộ xương hoàn toàn mới. Sự sống và cái chết còn hiện hữu trong mỗi phân tử và trong từng giây phút. Thành ra, quá trình sinh - lão - bệnh - tử chính là một qui luật vô thường. Do đó, tất vạn vật chỉ là một thoáng qua, hay nói như Trịnh Công Sơn là tất cả chúng ta chỉ là những kẻ "ở trọ": Con chim ở đậu cành tre / Con cá ở trọ trong khe nước nguồn / Tôi nay ở trọ trần gian / Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời. Không chỉ con người và động vật ở trọ, mà mây, mưa, gió cũng ở trọ mà thôi (Mây kia ở đậu từng không / Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người / Cơn gió ở trọ bao la đất trời). 

"Tự diễn biến" 

Nhận thức được qui luật vô thường cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng không có cái gì gọi là "muôn năm", và càng chẳng có "quang vinh muôn năm". Dòng sông liên tục thay đổi, lòng người cũng liên tục đổi thay. Những quan điểm đúng ngày hôm qua, nay thì không còn đúng nữa. Những ông hoàng đế Tàu mơ có thuốc trường sinh, nhưng họ chết trước khi tìm ra thuốc (và đến nay vẫn chưa tìm ra, vì đâu có thuốc đó mà tìm). Những triều đình Trung Hoa đã từng nghĩ rằng họ sẽ tồn tại 'vạn tuế', nhưng qui luật vô thường cho thấy họ sai. Không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Không có cái gì là muôn năm. Tất cả các thể chế đều phải thay đổi, phải qua diệt vong và biến chuyển, và đó chính là vô thường. 

Khi nhận thức được vô thường, khổ, và vô ngã, chúng ta cũng sẽ thấy những hô hào chống tự "diễn biến" là không đúng với qui luật tự nhiên. Tôi hiểu ý nghĩa của chữ tự diễn biến là tự mình thay đổi về nhận thức. Nhận thức có thể về quan điểm xã hội, chính trị, khoa học, hay cuộc sống nói chung. Nếu hiểu như thế thì tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta đều có những tự diễn biến cả. Chúng ta từng có lần trong đầu hình dung ra một xã hội bình đẳng và lí tưởng tuyệt đối, nhưng khi có học thêm thì mới biết đó chỉ là ảo tưởng, và chính sự ảo tưởng làm cho chúng ta khổ. Những người theo Việt Minh cũng từng nghĩ đến một 'thiên đường xã hội chủ nghĩa', nhưng rốt cuộc thì họ cũng nhận ra rằng xã hội đó không hiện hữu, và họ đã tự diễn biến. Ngay cả những kẻ được mệnh danh là 'ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản' có thời hung hãn nhất bây giờ cũng tự diễn biến, tự thẹn thùng khi thấy họ sai. Chánh sách "Đổi Mới" cũng là một sự tự diễn biến ở qui mô quần thể. 

Ở qui mô cá nhân, tất cả đều trải qua tự diễn biến. Những nhà trí thức như Nhà văn Nguyên Ngọc và Gs Chu Hảo, và trước họ là Bùi Tín và Tô Hải (và nhiều người nữa) là những trường hợp tự diễn biến và tự chuyển hóa. Trong lời tuyên bố rời đảng, Nhà văn Nguyên Ngọc chỉ ra rằng vì đảng đã xa rời lí tưởng ban đầu mà ông đồng tình. Nếu "Đổi Mới" là một chánh sách đúng thì hà cớ gì phải chỉ trích những người 'tự diễn biến' vì họ cũng chỉ tự làm mới mình thôi. 

Tóm lại, trong cái thế giới mà tất cả vạn vật đều đổi thay ("vật đổi sao dời"), thì sự chuyển biến về nhận thức và tư tưởng cá nhân hoàn toàn là một thực tế. Tự diễn biến cũng có thể xem là một phần của tiến hóa (evolution); xã hội vận hành và tiến bộ nhờ tiến hóa. Thành ra, hiểu được ý niệm vô thường hi vọng sẽ giúp cho những người chỉ trích 'tự diễn biến' khiêm tốn hơn và chấp nhận rằng chẳng có một thực thể nào là muôn năm cả. Tự diễn biến là rất cần thiết cho tiến bộ xã hội, chứ hoàn toàn chẳng có gì xấu xa. Những kẻ khăng khăng ôm chầm cái cũ lạc hậu và lớn tiếng chỉ trích người khác là tự diễn biến chỉ tự làm cho họ đau khổ thêm mà thôi. 

Xin nhắc lại câu nói của Richard Feynman "bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục."


Gs Nguyễn Tuấn
______

PS: Cũng nhân đây xin giới thiệu trang blog cá nhân của tôi (https://nguyenvantuan.info/) đã được một em sinh viên thiết kế và làm mới cho tôi. Trang web mới có nhiều đường link đến các bài giảng và bài viết, và nó cũng là một 'tự diễn biến' 🙂. Mời các bạn ghé thăm.

Không có nhận xét nào