Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MÁU CHẢY RUỘT MỀM

MÁU CHẢY RUỘT MỀM Hôm kia, mình tình cờ đọc được trên báo New York Times và báo Thanh Niên Online các bài viết về chuyện ít người biết là và...

MÁU CHẢY RUỘT MỀM

Hôm kia, mình tình cờ đọc được trên báo New York Times và báo Thanh Niên Online các bài viết về chuyện ít người biết là vào thời chiến, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và một tờ báo tư nhân ở Sài Gòn là Tin Sáng đã tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Bắc năm 1971.

Theo bài đăng trên Thanh Niên Online thì "ngày 19/8/1971, miền Bắc gặp một trận lũ lớn nhất trong vòng 250 năm. Đồng bằng Bắc bộ lâm vào cảnh thiên tai. Nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), đê bối Thanh Trì (Hà Nội) phía hữu ngạn sông Hồng. Chỉ tính riêng bốn tỉnh cũ là Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, trận lụt đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập nặng, bằng hơn 40% tổng số hộ gia đình.

Trận lụt đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng, con số người chết gấp hàng trăm lần so với mức khoảng 1.000 người của trận lũ tại miền Trung năm 1999 và trận lũ năm 2000 tại miền Nam. Thiệt hại rất lớn về giao thông, công nghiệp. Tổng số trên 120.000 công trình liên quan đến nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi. Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng từ lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất sau mưa lũ rất lớn. Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị hải dương và khí tượng Mỹ (NOAA) thì đây là một trong những trận lũ lụt lớn nhất của thế kỷ 20 trên thế giới."

Báo New York Times thời đó cũng có đưa tin về trận lũ lụt lịch sử này với bản tin trên báo giấy có tựa là "Saigon Offers Aid in Hanoi Flooding" (Sài Gòn đề nghị hỗ trợ [cho nạn nhân] lũ lụt của Hà Nội) trên số báo ra ngày 7/9/1971 với nội dung như sau:

"Đã xãy ra lũ lụt lớn ở khu vực đồng bằng giữa sông Hồng và sông Thái Bình vào tuần rồi, làm tắt nghẽn hệ thống đường bộ và đường sắt ở các khu vực xung quanh thủ đô Hà Nội của Bắc Việt, mùa màng đã bị phá hủy vì lũ lụt.
Chính quyền Nam Việt Nam (VNCH) đã đề nghị gởi thực phẩm và tiền bạc cho chính quyền Bắc Việt Nam (VNDCCH) để cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở các vùng xung quanh Hà Nội, theo công bố hồi tối qua của Bộ Ngoại giao VNCH.

Theo công bố này, VNCH sẽ gởi 50.000 đô la đến Hội Hồng Thập Tự Quốc tế để hội mua sắm "những vật phẩm thiết yếu cho công cuộc cứu trợ ở miền Bắc". Ngoài ra, VNCH cũng sẽ gởi thêm 500 tấn gạo và 1.000 thùng sữa hộp để thể hiện tình đồng bào giữa hai miền đất nước bị chia cắt.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao VNCH nói thêm: "Bởi vì chúng tôi cùng là đồng bào ruột thịt, chính phủ và nhân dân VNCH mong muốn được giúp đỡ để giảm bớt nỗi đau của đồng bào miền Bắc". 
Phát ngôn nhân cũng cho biết, "Hội Hồng Thập Tự VNCH cũng sẽ tiến hành quyên góp trên toàn cõi Nam phần để đồng bào miền Nam có cơ hội góp sức cứu trợ đồng bào miền Bắc."  (Hết)

Nhưng, đề nghị cứu trợ của VNCH đã lập tức bị phía VNDCCH từ chối thẳng thừng theo tin của số báo New York Times ra ngày hôm sau, 8/9/1971. Bài báo có tựa "Hanoi Terms Saigon Offer Of Aid ‘Shameless Dupery’" (Hà Nội đề quyết rằng đề nghị của Sài Gòn là "trò lừa bịp đáng xấu hổ"). Nội dung tóm tắt của bài báo như sau:
"Hôm nay, Hà Nội đã lên tiếng chỉ trích rằng việc chính quyền Sài Gòn đề nghị gửi cứu trợ chỉ là giả dối và là trò lừa bịp đáng xấu hổ để đánh lạc hướng công luận về những tội ác chiến tranh gây ra cho đồng bào miền Nam. Thông tấn xã VN, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Việt, đã đưa tin này và nói thêm "Thiệu muốn lợi dụng cơ hội này để gom vét của cải của đồng bào miền Nam và đánh lạc hướng cuộc đấu tranh của nhân dân chống cuộc bầu cử gian lận của Thiệu". (Hết)

Còn báo Thanh Niên Online ngày 30/10/2016 có đăng bài "Tấm lòng người Sài Gòn" của tác giả Lê Văn Nghĩa nói về vụ tờ báo tư nhân Tin Sáng ở Sài Gòn cũng đứng ra tổ chức cứu quyên góp cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Bắc như sau (mình chép lại vào đây để các bạn tiện xem, link bài báo có dẫn ở cuối bài này):
[TRÍCH]

Không phải đến bây giờ người SG mới thể hiện tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” với nhân dân cả nước, mà ngay từ lúc đất nước còn chia cắt, người SG vẫn thể hiện tinh thần đó khi đồng bào miền Bắc lâm vào cảnh thiên tai.

Trong lúc miền Bắc cố gắng tập trung khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai để lại thì tại Sài Gòn, trên tờ báo Tin Sáng đã làm đồng bào chú ý vì một mục ở trang nhất rất lạ. Đó là vào ngày 7.9.1971, dưới chân trang nhất tờ báo in khổ lớn (58 x 42 cm) có chạy một băng chữ hai dòng tám cột: “BẮC NAM RUỘT THỊT MỘT NHÀ, SỚT CƠM CHIA ÁO ĐẬM ĐÀ TÌNH THƯƠNG - Hãy nồng nhiệt hưởng ứng chiến dịch nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Bắc do Tin Sáng tổ chức”.

Cũng trong số báo ngày hôm đó, phía trái trang nhất có một cột đóng khung đăng nội dung như sau (nguyên văn):
“Tin Sáng sẽ xin phép tổ chức đi Hà Nội trao tài vật quyên góp tận tay đồng bào miền Bắc (tít). Sáng nay (7.9) chúng tôi đã nhận được số tiền sau đây để giúp đồng bào nạn nhân miền Bắc bị bão lụt: các tăng sĩ chùa Giác Nguyên 7.640 đồng, ông Trần Thanh Hiệp 1.000 đồng (51 tuổi, đường Trương Minh Giảng), bác Tám Hòa-SG 10.000 đồng. Cộng: 18.640 đồng. Trong thơ gởi đến Tin Sáng các tăng sĩ chùa Giác Nguyên còn cho biết họ tình nguyện đi trong đoàn công tác vận động cứu trợ đồng bào bị lụt miền Bắc. Xin các đoàn thể hiện đang vận động cho công tác nầy lưu ý cho điểm ấy. Chúng tôi vô cùng cảm kích cho nghĩa cử trên và xin thiết tha kêu gọi đồng bào tất cả các giới, vì tình ruột thịt hãy tích cực góp phần và cổ động góp phần cứu trợ. Xin đồng bào cứ đến tòa soạn trong buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ trưa.

Ngoài ra cũng xin thông báo, Tin Sáng sẽ xin phép tổ chức đi Hà Nội để trao số tài vật quyên góp tận tay đồng bào nạn nhân. Phái đoàn dự định sẽ gồm có hai đại diện độc giả, một ký giả và chủ nhiệm Tin Sáng. Trong trường hợp chánh phủ từ chối không cho phái đoàn đi, Tin Sáng sẽ nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế chuyển giao hoặc sẽ nhờ Tin Sáng hải ngoại cử đại diện đem số tài vật trao tận tay đồng bào miền Bắc”

Sau đó, hằng ngày trên trang nhất tờ báo đều đăng tên những người đến đóng góp. Thật cảm động khi trong danh sách đó là tên ngắn gọn chị A, ông B, anh C, chị Hai bán cơm tấm, cô Ba bán thịt heo… đóng từ 100 đến 5.000 đồng (giá sinh hoạt năm 1972: 414 đồng/USD, vàng 26.100 đồng/lượng, một chiếc xe Honda SS50 giá 20.000 đồng...). Họ là những tiểu thương, người phu xích lô cho đến thương gia, nghệ sĩ..., có cả những sinh viên, học sinh nghèo.
Đến ngày 20.10.1971, Báo Tin Sáng đã tổng kết cuộc vận động với thông tin trên trang nhất: “Cứu lụt miền Bắc kết thúc với 609.490 đồng. Chúng tôi đã quyết định khóa sổ vào 12 giờ trưa ngày 18.10. Kể đến ngày 18.10.1971 chúng tôi đã nhận được 609.490 đồng của mọi giới miền Nam”. Sau đó, không biết vì lý do gì không thấy Báo Tin Sáng đăng tin về việc xin được giấy phép đi ra Hà Nội cứu trợ hay không vì báo cứ bị tịch thu liên tục. [.....] Hay là số tiền này theo như cam kết đã gửi cho Hội Hồng Thập Tự Quốc tế để gửi cho người dân miền Bắc đến nay vẫn không biết. Một điều khiến cho mọi người không biết thêm tin tức về khoản cứu trợ này là vì đến tháng 3.1972 báo Tin Sáng bị đóng cửa.

Dù chưa biết đường đi của số tiền cứu trợ “của ít lòng nhiều” có đến được đồng bào bị lũ lụt hay không nhưng với tinh thần “Cứu trợ đồng bào bão lụt miền Bắc, máu chảy ruột mềm”, khơi gợi trong lòng đồng bào miền Nam hướng về đồng bào miền Bắc ruột thịt, quả là một nghĩa cử chỉ có thể có được ở một tờ báo từ thành phố của những người có máu nghĩa khí Sài Gòn...
[HẾT TRÍCH]

Ghi chú:
+Tin Sáng là tờ báo đối lập do dân biểu Hạ nghị viện VNCH Ngô Công Đức làm chủ biên, báo này có khuynh hướng thân Cộng nên thường đăng nhiều bài chỉ trích chính quyền VNCH rất dữ dội. Sau 30/4/1975, Báo Tin Sáng (bộ mới) được tục bản ngày 10/8/1975, vẫn do ông Ngô Công Đức làm chủ biên, đến tháng 6/1981 thì báo này "tự nguyện" ngưng xuất bản vĩnh viễn vì "đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử".

+ Ảnh 1 của New York Times, ảnh 2 của báo Thanh Niên, ảnh 3 của trang FB Nghiên cứu lịch sử (chụp màn hình phim tư liệu của VTV về trận lũ lụt lịch sử ở miền Bắc năm 1971
Thập niên 1970 chưa có Internet và báo điện tử như bây giờ, chỉ có báo in trên giấy mà thôi. Các số báo giấy ra ngày 7 và 8/9/1971 này đã được New York Times cho "số hoá" (digitalized) để lưu trữ và sẽ in ra bán cho những ai có nhu cầu sưu tầm tư liệu xưa. Mục tin về đề nghị cứu trợ của VNCH ở góc trái bên dưới (được khoanh trong ô chữ nhật màu đỏ).


Đồng Phước Lộc 
Nguồn:
https://www.nytimes.com/1971/09/07/archives/saigon-offers-aid-in-hanoi-flooding-50000-and-food-would-go-to.html?fbclid=IwAR2QlB4qYTFCY4KwcRZRlzagkO0AHnNtUGQIgKBk_Bi8zgkivmRG_9LJSOs
https://www.nytimes.com/1971/09/09/archives/hanoi-terms-saigon-offer-of-aid-shameless-dupery.html?fbclid=IwAR3TFrxHV_2zx-2ASF5g69iZYa4nWxP0PaFw1d87QCphLQ-bosKzo8YRTRU
https://thanhnien.vn/van-hoa/tam-long-nguoi-sai-gon-760087.html?fbclid=IwAR2UhVIpeKnoqnS1WG7J7WD2ON-2MoFd5aPxM6ael_7MFXJPMWeEUiuSVXk













Không có nhận xét nào