NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ TRONG LỊCH SỬ Tên một quyển sách của tác giả Cao Văn Thức vừa gửi tặng tôi. Tôi không quen biết anh, nhưng có lẽ do tr...
NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ TRONG LỊCH SỬ
Tên một quyển sách của tác giả Cao Văn Thức vừa gửi tặng tôi. Tôi không quen biết anh, nhưng có lẽ do tri âm mà anh trân trọng đề tặng tôi.
Quyển sách mỏng, chỉ 143 trang, nhưng nhiều cứ liệu lịch sử quý giá. Với tôi, điều quan trong không phải cứ liệu lịch sử mà là cách nhìn lịch sử. Lịch sử là chuyện quá khứ, các cứ liệu ghi trong sử sách xét đến cùng chỉ là diễn ngôn của một quá khứ đã hoàn tất. Với tư cách là diễn ngôn, các sự kiện chỉ là bề nổi được xử lý bởi trò chơi của quyền lực. Nó có hiệu lực đối với một đám đông bị gông xiềng của một tư tưởng hệ siết chặt thành niềm tin, và cái gông xiềng ấy hoá thành hào quang cho niềm tự hào, ngợi ca quyền lực.
Cao Văn Thức dành tâm sức nghiên cứu những nhân vật bi kịch trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Lê Văn Duyệt, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh... Bi kịch của họ thực chất là tinh thần thân dân, dân chủ, khai phóng bị cỗ máy tư tưởng hệ Nho giáo đè nát. Cái cỗ máy ấy hình thành nên đám đông trí thức mang não trạng nô lệ mà các cá nhân có tư tưởng mới, tiến bộ không thể vượt qua và bao nhiêu cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ, cơ hội để thành một quốc gia độc lập, tự cường.
Đã có quá nhiều máu và nước mắt của nhân dân đổ xuống trong chuỗi chiến tranh hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, nhưng cũng suốt hàng ngàn năm ấy, con dân đất Việt lại tự chui đầu vào cái gông xiềng khác do chính triều đại mình dựng nên, có khi còn khốc liệt và bi thảm hơn. Nhân dân sống trong nô lệ mà nhầm tưởng tự do hạnh phúc. Các cá nhân anh hùng thì bị vu oan giá hoạ. Nguyễn Trãi, Lê Văn Duyệt, Cao Bá Quát bị tru di ba họ, chưa kể bao nhiêu kẻ sĩ bị tù đày vì tội "phản loạn".
Những cơ hội bị bỏ lỡ trong lịch sử là quyển sách hay. Hay vì chuyện lịch sử không là quá khứ đã hoàn tất. Lịch sử sẽ không là nấm mồ của quá khứ mà là chuyện của thì hiện tại đang tiếp diễn. Bài học lịch sử quan trọng hơn sự kiện lịch sử. Tiếc là ít có sử gia Việt nhìn lịch sử như vậy. Họ chôn trẻ em vào chung nấm mồ của quá khứ bằng những bài học ngợi ca ánh hào quang của quyền lực mà lẽ ra sử gia phải có trách nhiệm giải phóng con người.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào