Viết thêm chút xíu về địa danh Khe Răng ở Tây Ninh và trận Xỉ Khê năm 1834 Nếu bạn chịu khó xem bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ, được cho biế...
Viết thêm chút xíu về địa danh Khe Răng ở Tây Ninh và trận Xỉ Khê năm 1834
Nếu bạn chịu khó xem bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ, được cho biết là vẽ vào năm 1838 (xem >> https://commons.wikimedia.org/wiki/File:An_Nam_Dai_Quoc_Hoa_Do_by_Jean_Louis_Taberd_1838.jpg), thì ở phần tỉnh Tây Ninh thời nay, chỉ có 3 địa danh duy nhất được viết xuống là (1) Kẻ Vang và (2) Núi Thiêng Bà Đen (3) rạch Bà Cam
Kẻ Vang trong bản đồ này chắc là địa danh Khe Răng (rạch Khe Răng, Xỉ Khê) ở Tây Ninh rồi
Và nếu ta chịu khó đọc thêm sử Đại Nam Thực Lục, thì Xỉ Khê chưa bao giờ chỉ giới hạn cho tên một con rạch nào cả. Nhất là thời Gia Long còn viết rất rõ là:
1. "Sai Hồ Văn Thất là Cai cơ đồn Xiêm binh quản ba đạo Quang Hóa, Xỉ Khê và Giao Dịch. Văn Thất vốn được binh Man ở ba đạo ấy tin phục, Nguyễn Văn Tồn tâu lên nên có mệnh ấy."
2. "Bèn hạ lệnh cho Mạc Văn Tô đem quân tiến đóng ở Quang Hóa, mà sai Đào Quang Lý dời giữ Xỉ Khê (tên đất, thuộc đạo Quang Hóa) và Thống quản đồn Uy viễn là Nguyễn Văn Tồn giữ Thông Bình, cho theo [Văn Tô] điều khiển. Văn Tô đến, xem hình thế, đắp đồn lũy, cùng Văn Năng thanh ứng với nhau. Quân Xiêm mỗi khi gặp quân ta thì sợ không dám phạm"
Như vậy Khe Răng chắc là tên một vùng đất phía bắc đạo Quang Hóa xưa. Nhưng quan trọng hơn, rất có thể Khe Răng chính là vùng đất giáp giới với phủ Ba Cầu Nam (巴求南 - tức tỉnh Prey Veng ngày nay), nơi do đó mà mới có đoạn sử Đại Nam Thực Lục về trận đánh năm 1834 khi quân Xiêm "...sắp qua sông, do Xỉ Khê kéo xuống". Mà đoạn quân Xiêm "sắp qua sông, do Xỉ Khê kéo xuống" có đúng là ngay chóc ở rạch Tây Ninh không ? Thì không hẳn là vậy. Vì theo sử sách xưa, thì các đoàn sứ Cao Miên thường cống voi sang Việt Nam theo con đường bến Tầm Long tức là xã Trí Bình huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh ngày nay. Như vậy rất có thể quân bộ Xiêm La đã từ phủ Ba Cầu Nam, theo con đường bộ bên Cao Miên, đi theo tới bến Tầm Long, rồi chuẩn bị qua sông tại đây, để mà tiến theo con đường thiên lý để đi xuống miền Nam đánh đạo Quang Hóa (tức Gò Dầu ngày nay). Nhưng ngay tại nơi đây, đã bị quân Cao Miên mai phục và đánh đuổi ngược về lại bên Cao Miên, chứ không có chuyện quân Xiêm La phải đi qua rạch Xỉ Khê (hay rạch Tây Ninh bây giờ) cả.
Có lẽ cả vùng đất này có tên gọi thường là Xỉ Khê, nên các sử gia nhà Nguyễn viết là Xỉ Khê "...sắp qua sông, do Xỉ Khê kéo xuống", chứ không hẳn chính xác là quân bộ Xiêm sang sông ở rạch Xỉ Khê nào cả. Nói cho chính xác hơn nữa, đáng lẽ chúng ta nên đọc đoạn sử trên là "Quân Xiêm ... sắp qua sông, (sẽ) từ Xỉ Khê mà (đánh) xuống", tức là quân bộ Xiêm đang chuẩn bị qua con sông (có thể dùng thuyền kéo qua hay là có cây cầu đã có sẵn), rồi sẽ dùng đường bộ Xỉ Khê mà đánh xuống đạo Quang Hóa (tức Gò Dầu), chứ không phải là ngồi thuyền có cả voi mà đem đi đánh đạo Quang Hóa.
Mời các bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Brian
Không có nhận xét nào