Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BẤT ỔN MÔI SINH ĐẾN MỨC CHIM LÀNH CŨNG THÀNH KẺ PHÁ HOẠI

BẤT ỔN MÔI SINH ĐẾN MỨC CHIM LÀNH CŨNG THÀNH KẺ PHÁ HOẠI Anh bạn tôi vừa khoe đã tiêu diệt lần lượt “hai kẻ phá hoại”. Chúng phá hoại vườn ...

BẤT ỔN MÔI SINH ĐẾN MỨC CHIM LÀNH CŨNG THÀNH KẺ PHÁ HOẠI

BẤT ỔN MÔI SINH ĐẾN MỨC CHIM LÀNH CŨNG THÀNH KẺ PHÁ HOẠI

Anh bạn tôi vừa khoe đã tiêu diệt lần lượt “hai kẻ phá hoại”. Chúng phá hoại vườn rau, hoa phong lan. Thật khó ngờ đó là một cặp chim trông rất quen thuộc, gần gũi. 

Quê tôi gọi giống chim này là Chóp quạch. Nó thuộc họ nhà Chào mào nhưng không có mào. Tuổi thơ của tôi từng gắn liền với loài chim này. Thời hợp tác xã, bọn trẻ con chúng tôi hay đánh bẫy loại chim này để nuôi hoặc nướng ăn. Thịt nó rất ngon. Khi lớn lên, đã qua cái thời đói khát thì mới thấy ăn thịt nó là có tội.

Giống chim này khác với loài chào mào mũ cao đít đỏ. Nó thuần một màu xám, không có mào, không đẹp, nhưng rất gần với con người. Cũng như chào mào, nó toàn ăn quả chín, cào cào và sâu bọ. Tiếng kêu của nó không hay như chào mào, chỉ "quạch quạch" nhưng kêu suốt ngày, vui tai. Nuôi từ bé thì nó rất khôn, coi mái nhà của con người là tổ ấm của chính nó.

Quê tôi gần sát núi, loài chim này sinh nở rất đông và tràn vào làng. Nó không phá hoại mà chỉ chờ quả chín thì ăn vài miếng. Vả lại núi đồi thời đó rất đa dạng sinh thái, mùa nào cũng có các loại quả chín cho chim ăn: sim, mua, trâm, chim chim, dủ dẻ... Cũng nhờ loài chim này mà cào cào châu chấu và sâu bọ cũng bị quét sạch.

Nhìn đôi chim anh bạn tôi bẫy được, tôi không khỏi giật mình vì cái vườn nhỏ bé nhà tôi cũng có một đôi. Suốt ngày nó kêu “quạch quạch” rất vui tai. Nó nhảy nhót trên cây xoài, các giò phong lan và thường thấy nó ăn trái cây mai tứ quý. Và giàn phong lan nhà tôi cũng có hiện tượng bị ăn tước đọt, ăn luôn cả ngồng hoa. Lâu nay tôi cứ tưởng thủ phạm là ốc sên hoặc lũ chuột. Thì ra là Chóp quạch! Tôi cũng từng nhử một con bằng một quả chuối bỏ trong lồng. Nó đói nên chui thẳng vào lồng ngay. Nhưng tôi lại thả ra vì thương con còn lại lẻ loi.

Có cần phải giết giống chim này nhưng anh bạn tôi đã làm không? Tôi nghĩ rằng không. Tôi nhìn lên phía núi Vũng Chua, rồi liên tưởng đến toàn bộ rừng trên đất nước này, thấy một màu đồng phục bạch đàn mà xót xa không chỉ cho loài chim Chóp quạch mà cho các loài chim. Các loài chim không còn gì để ăn khi môi trường sống của chúng đang bị thống trị bởi một thứ cây chỉ hút khô chất màu và thải ra chất độc. Hậu quả, loài chim hiền lành, thân thuộc với con người nhất như Chóp quạch khi bị dồn vào đường cùng cũng tha hóa thành loài phá hoại.

Chu Mộng Long


Không có nhận xét nào