Tập 1 Sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước do chính chúa Nguyễn (Ánh) viết xuống theo Xiêm La Thực Lục #xiem_la_thuc_luc_dong_ho_nguyen_phuo...
Tập 1 Sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước do chính chúa Nguyễn (Ánh) viết xuống theo Xiêm La Thực Lục
#xiem_la_thuc_luc_dong_ho_nguyen_phuoc
Bạn chắc là bạn hiểu rõ sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước thiệt à ?
Mời bạn đọc bản sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước, do chính Nguyễn Vương (tức chúa Nguyễn Ánh) và quần thần đã chép lại để dâng lên cho vua Xiêm khi họ tỵ nạn chính trị bên Xiêm những năm 1780s. Những điều này đã được chép lại trong bộ Xiêm La Thực Lục.
Mà chẳng những những dòng sử này liên quan đến dòng họ Nguyễn Phước, mà còn về 3 anh em Tây Sơn nữa kìa. Hóa ra ngài Nguyễn Lữ đâu có vô dụng hay lu mờ gì đâu há, có khi chính ngài Nguyễn Lữ (tức Ông Bảy trong đây) mới là linh hồn của nhà Tây Sơn thời sơ khởi đó bạn.
Mời bạn đọc chơi vài dòng Việt ngữ mình tạm dịch
Brian
****
Vua [Xiêm] yêu cầu Ông Thượng Sư [Brian chú: tức chúa Nguyễn Ánh] viết xuống về lịch sử của dòng họ hoàng gia Việt Nam, để biết về các đời vua cai trị đất nước (Việt Nam) này cho đến khi bị đánh bại bởi những người theo Ông Tây Sơn [Ong Tayson]. Ông Thượng Sư đã lệnh cho Ong Bet Chat [Nguyễn Văn Trị ?] và Ong Bet Trung [Lưu Văn Trung ?], là những vị nhân sĩ Việt Nam, và các vị quan lại Việt Nam khác hợp tác cùng nhau để viết về biên niên sử của các hoàng gia Việt Nam và để dâng lên cho vua [Xiêm]. Biên niên sử (Việt Nam) đã được trình bày như sau:
... ...
Trải qua nhiều năm, mối quan hệ giữa Tonkin [Đàng Ngoài] và Huế [Đàng Trong] đã không còn nữa. Mỗi vùng là một khu tự trị (riêng rẽ) đối nhau.
Ông Hiếu Võ Vương (Ong Hieo Hu Wiang) có 5 người con trai: con cả là Ông Đức Mụ (Ong Duk Mu), thứ hai là Ông Chưởng Võ (Ong Khang Wuang), thứ ba là Ông Thuần Vương (Ong Thoeng Kwang), thứ tư là Ông Thượng Xuân (Ong Chiang Sun), (và) thứ 5 là Ông Thăng (Ong Thang).
Ông Đức Mụ, người con trai cả, có một người con trai tên là Ông Hoàng Tôn (Ong Wang Ton). Ông Đức Mụ mất và để lại người con trai (này).
Ông Chưởng Võ, người con trai thứ hai, có 3 trai: Ông Ya Ba (Ong Ya Ba), Ông Thượng Sư [Brian chú: tức chúa Nguyễn Ánh], và Ông Mân (Ong Man). Bản thân Ông Chưởng Võ đã mất trước cha [Brian chú: tức là Nguyễn Phước Luân đã mất trước cha mình là chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát).
Khi người cha là Ông Hiếu Võ Vương mất, một viên quan cao cấp là Ông Quốc Phó [Ong Kwak Pho], đã ủng hộ và đưa người con trai thứ 3 là Ông Thuận Vương (Ong Thoeng Kwang) lên ngôi của triều đình Huế. Ông Quốc Phó, trong vai trò nhiếp chính, đã nắm giữ toàn bộ quyền lực trong tay ông ấy. Những quần thần trong triều đình và dân chúng đều bất mãn, và đất nước rơi vào tình trạng hỗn lộn khắp nơi.
Một thời gian sau, ngày tháng chính xác không thể xác định, có một kẻ sống ngoài vòng pháp luật (the outlaw) tên là Anh Nhạc (Ai Yak) (sống) trong một khu rừng gần biên giới Phú Yên (Kui Yen). Anh Nhạc có hai người em trai: Anh Bảy (Ai Bai) và Anh Tám (Ai Dam). Khi Ai Krum Huat, cha của Anh Nhạc, Anh Bảy, và Anh Tám mất, 3 anh em đã hỏi ý kiến một vị chiêm tinh gia cho một địa điểm tốt để chôn cất cha họ. Vị chiêm tinh gia này nói với họ rằng một khu vực đặc biệt ở miền núi Quảng Nam sẽ là một mảnh đất âm phần tuyệt vời. Ông nói rằng (nơi đó) có một ngọn đồi có hình dáng giống như miệng rồng. Kẻ nào chôn cha mẹ họ nơi đó sẽ có được những điều tuyệt vời / to tát trong tương lai. Anh Nhạc và 2 em trai đã đem hài cốt của cha họ và chôn cất ông tại ngọn đồi có hình dáng miệng rồng này. Họ đào lỗ và tìm thấy hai hủ vàng tại đây, và họ đã chôn cha họ nơi đây.
Anh Nhạc đã bán số vàng này và dùng chúng để mua lại nô lệ và giải phóng họ. Ba anh em này (vì vậy) mà đã có thể tuyển mộ một số lớn dân chúng để đi theo họ. Ba anh em đã bàn luận cùng nhau và đưa ra các kế hoạch để soán ngôi quyền bính của triều đình Huế. Họ thấy là cả hai Ông Quốc Phó và Ông Thuần Vương không còn lưu tâm đến việc nước, mà lại chú tâm vào việc hưởng thụ. (Do vậy mà), toàn bộ quần thần trong triều đình đều đã xa lánh họ. Anh Nhạc và 2 em của ông, thấy được tình trạng này, đã quyết định rằng là do vì một phần lớn dân chúng đã đồng ý theo họ (nổi dậy), họ có thể thực hiện kế hoạch vĩ đại (lật đổ triều đình Huế) này.
Anh Bảy được cử đến để gặp vị trấn thủ (dinh) Quảng Nam (the governor of Quang Nam), và đem theo một hộp đựng một số thỏi vàng, mỗi thỏi nặng khoảng 10 tamlung Trung Quốc [Brian chú: 1 tamlung = 60 gram > 10 tamlung = 600 gram > mỗi thỏi vàng nặng khoảng 600 gram] (để làm quà cho vị trấn thủ này). Anh Bảy đề nghị được cho vào làm dưới sự điều hành của vị trấn thủ Quang Nam. Vị trấn thủ này đã đồng ý nhận Anh Bảy và Anh Bảy đã làm (quan) dưới tay vị trấn thủ Quảng Nam này trong một thời gian rất lâu. Thấy Anh Bảy là một người thông minh và làm việc chăm chỉ, vị trấn thủ này đã ban cho anh ta một tước quan và đã cho anh thay thế mình làm trấn thủ Quảng Nam, vì vị trấn thủ này đã già. Bắt đầu từ đây, dân chúng đã gọi 3 anh em này, từ Anh Nhạc, Anh Bảy, và Anh Tám, bằng tước Ông [Brian chú: tức Ông Nhạc, Ông Bảy, và Ông Tám]. [Với vai trò trấn thủ Quảng Nam], Ông Bảy đã được nhiều người dân thường tôn sùng và ông đã có được một số lượng người ủng hộ khổng lồ.
Trong khi đó, Ông Nhạc và Ông Tám, đã tụ hợp lại với nhau một nhóm người dân thường trong một khu rừng. Cả hai quyết định rằng là Ông Thuần Vương, người đang cai trị tại Huế, hoàn toàn bất chính (unjust). Hai anh em này đã đi đến Quảng Nam để gặp người anh em của họ. Ba anh em đã đưa ra một kế hoạch rằng là họ sẽ đặt Ông Hoàng Tôn, người con trai của Ông Đức Mụ, lên ngôi [Chúa ở Huế]. Ông Hoàng Tôn rất được dân chúng yêu thương, và kế hoạch đưa ông Hoàng Tôn lên ngôi này có được sự ủng hộ nơi nơi.
[Sau đó], ba anh em lập đồn lũy tại Quảng Nam. Tin tức về hoạt động của họ đã tai của Ông Thuần Vương [the ruler of Hue]. Ngài chỉ định một quan chức cấp cao, Ông Phò Mã [Ong Pho Ma], chỉ huy một đoàn quân tấn công Quảng Nam. Khi Ông Phò Mã (đang) tiến đến Quảng Nam, Ông Bảy, người cai trị nơi này, đã gửi một bức thư đến vị chỉ huy đoàn quân Huế, và thuyết phục vị này rằng là chiến lược chính trị này (của 3 anh em) là để đưa ông Hoàng Tôn lên ngôi và tôn ông Hoàng Tôn làm vua. Do lý do này mà Ông Phò Mã đã đồng ý hợp lực cùng Ông Bảy.
Ông Bảy [lúc này] gởi tin đến nhóm phiến quân và những kẻ khác mà 3 anh em đã thuyết phục gia nhập cùng họ, để kết hợp lực lượng của họ cùng đội quân dưới sự chỉ huy của Ông Phò Mã để hợp thành một lực lượng hợp nhất. Ông Bảy cũng đã gởi thơ ra Tonkin [Đàng Ngoài], nói rằng Chúa Nguyễn [the ruler of Hue] bất chính, và rằng là họ dự định lập ra một đoàn quân để lật đổ ông ta và thay thế ông ta bằng Ông Hoàng Tôn. Ông Bảy yêu cầu Đàng Ngoài gởi một đoàn quân vào hỗ trợ. Chúa Trịnh [the ruler of Tonkin] đồng ý và đã đưa Ông Quốc Lão (Ong Kwak Lao) chỉ huy một đoàn quân đến hỗ trợ. Bản thân Ông Bảy lãnh đạo dân chúng Quảng Nam (nổi dậy). Phiến quân dễ dàng chiếm giữ Huế, vì các nhân sĩ cũng như thường dân tại đây đều khinh ghét vị vua (Chúa Nguyễn) này. Không một ai chiến đấu chống lại đoàn (phiến) quân đang kéo đến cả.
Thấy được tình trạng này, Ông Thuần Vương, vị Chúa Nguyễn, đã trốn vào Sài Gòn, đem theo với ông người em trai là Ông Chưởng Xuân và 3 người cháu trai: Ông Ya Ba, Ông Thượng Sư, và Ông Mân. Tuy vậy, Ông Hoàng Tôn đã không trốn theo, vì ông nghe nói là nhóm nổi loạn đang có kế hoạch đưa ông lên làm vị Chúa (Nguyễn) mới. Nhưng sau khi Huế đã rơi vào tay Ông Nhạc, Ông Bảy, và Ông Tám, bọn họ đã đưa Ông Hoàng Tôn đến Qui Nhơn. Còn với Ông Thăng, người con trai thứ 5 (của chúa Võ Vương), thì không thể trốn thoát và đã bị bắt rồi đem ra Đàng Ngoài bởi Ông Quốc Lão, vị chỉ huy của đoàn quân (đội) Đàng Ngoài.
[Lúc này], Ông Hoàng Tôn cảm thấy ba anh em (Ông Nhạc) không có thành ý (trong việc đưa ông lên ngôi), (và) họ chỉ dùng ông ta như một kẻ bù nhìn, và rằng là sau khi ba anh em này đã đạt được mục đích của họ, họ có thể sẽ sát hại ông. Do vậy mà ông đã lập kế hoạch cùng các cộng sự thân thiết của mình, tìm một chiếc thuyền nhỏ và trốn vào Sài Gòn, nơi ông trở lại cùng Ông Thuần Vương.
Ông Thuần Vương đã bàn luận cùng người thân và các vị quan lại của mình về việc lập cháu trai của mình là Ông Hoàng Tôn lên làm vị lãnh đạo tại Sài Gòn [the ruler of Saigon] bởi vì rõ ràng Ông Hoàng Tôn rất được lòng người dân thường. [Làm được điều này], họ có thể bắt lính, tấn công và tái chiếm Huế.
[Nhưng] đội quân Saigon còn chưa bắt đầu hành quân thì các lực lượng của Ông Nhạc, Ông Bảy, và Ông Tám đã tiếp cận và đánh chiếm Sài Gòn. (Cả hai) Ông Thuần Vương và Ông Hoàng Tôn đều bị xử tử.
Ông Thượng Xuân thì chạy trốn đến Banteay Meas [Brian chú: tức Hà Tiên]. Ông có một người con trai tên là Ông Trát (Ong Klak) và một cô con gái tên là Mụ Se ? (Mu Se), người Thái gọi là Ko Ngoen (Cô Nguyễn ?). Khi vị vua Thonburi [Brian chú: tức vua Taksin của Xiêm La] dẫn quân tấn công Banteay Meas, ông đã dời Ông Thượng Xuân và gia đình đến Thonburi, và triều đình Thonburi đã cung cấp việc ăn ở cho gia đình ông Thượng Xuân.
Tập 2 Sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước do chính chúa Nguyễn (Ánh) viết xuống theo Xiêm La Thực Lục
#xiem_la_thuc_luc_dong_ho_Nguyen_Phuoc
Nếu ở Tập 1, Nguyễn Vương và bầy tôi của ông, lúc tỵ nạn tại Xiêm La, đã viết về lý lịch dòng họ Nguyễn Phước nhà ông, để dâng lên cho vua Xiêm La, rất khác với những gì đã được viết (lại) trong sử Đại Nam Thực Lục sau này, thì ở tập 2, lại có những tình tiết góc khuất mà nhờ những dòng sơ yếu lý lịch này, mà chúng ta hiểu rõ thêm (khác) nữa về thời kỳ gian khổ của Nguyễn Vương. Ví dụ sau khi bị quân Tây Sơn đánh tan tác và trước khi trốn sang Xiêm tỵ nạn, Nguyễn Ánh đã trốn chạy vào rừng mà sống trong đó hơn 3 năm, nhờ những người Việt đi "ăn ong" phát hiện ra và cung cấp thực phẩm, chia ngọt xẻ bùi, rồi sau đó thì được một người Hoa là That (mà theo chính sử Đại Nam Thực Lục là Đỗ Thanh Nhơn), đã hội tập những người Hoa khác để ủng hộ Nguyễn Ánh trong công cuộc dành lại ngai vàng.
Đọc các đoạn sơ yếu lý lịch này do chính Nguyễn Vương và bầy tôi của ông viết khi tỵ nạn bên Xiêm La, bạn thấy rõ hình ảnh rất đời thường và gian nan thời bấy giờ của Nguyễn Vương, chứ không hề có những ánh hào quang của Thái phó, thiếu phó, ngoại hữu chưởng dinh gì gì đó mà sau này đã được viết lại và đánh bóng lên trong sử Đại Nam Thực Lục. Một ông hoàng người Việt khốn khổ đến nỗi phải chạy vào rừng sống bữa đói bữa no, và chính những người Việt "ăn ong" đã chia sẻ lương thực cùng ông. Và những mưu đồ chính trị của người Hoa ở miền Nam Việt Nam, và tầm ảnh hưởng của người Hoa ở miền Nam, nó không chỉ với triều đình Đàng Trong, mà là cả một thế giới Sài Gòn + Hà Tiên + Thonburi bên Xiêm La và chắc là cả khu Mã Lai luôn kìa. Đọc sơ yếu lý lịch này, bạn đặt ra dấu chấm hỏi là thế thì những người Việt (có dòng máu Việt 100%) thượng lưu đang ở đâu tại miền Nam vào thời này vậy ? Những "con cháu vua Hùng" đâu mất rồi ? Những "4 vạn hộ" gì đó thời Nguyễn Hữu Cảnh sao không thấy có mặt cùng Nguyễn Vương ? Mà hóa ra, những nhóm người sơ khởi đồng cam chịu khổ cùng Nguyễn Vương chính là những người Việt nghèo "ăn ong" và những nhóm hội người Hoa đầy rẫy ở miền Nam thời bấy giờ.
Mời bạn đọc vài dòng mình tạm dịch
Enjoy,
Brian
****
Ông Thượng Xuân thì chạy trốn đến Banteay Meas [Brian chú: tức Hà Tiên]. Ông có một người con trai tên là Ông Trát (Ong Klak) và một cô con gái tên là Mụ Se ? (Mu Se), người Thái gọi là Ko Ngoen (Cô Nguyễn ?). Khi vị vua Thonburi [Brian chú: tức vua Taksin của Xiêm La] dẫn quân tấn công Banteay Meas, ông đã dời Ông Thượng Xuân và gia đình đến Thonburi, và triều đình Thonburi đã cung cấp việc ăn ở cho gia đình ông Thượng Xuân.
Vào giai đoạn cuối triều đại của mình, vua Thonburi [Brian chú: tức vua Taksin] bị điên. Trong cơn mê sảng, ngài đã nghĩ rằng mình trông thấy Ông Thượng Xuân nuốt một viên kim cương lớn vào bụng. Ngài gọi Ông Thượng Xuân đến để điều tra việc này. Ông Thượng Xuân, khi bị thẩm vấn, đã không thừa nhận mình nuốt viên kim cương. Sau đó thì ai đó đã nói cho vua rằng là Ông Thượng Xuân có ý định trốn chạy. Do đó mà nhà vua đã ra lệnh xử tử Ông Thượng Xuân cùng con trai ông, nhưng cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy không hề có viên kim cương (trong bụng Ông Thượng Xuân). Ko Ngoen (Cô Nguyễn ?), người con gái của Ông Thượng Xuân, đã được gởi vào hoàng cung để nuôi dưỡng.
[Về phần anh em Ông Thượng Sư], Ong Ya Ba, Ông Thượng Sư và Ông Mân [Brian chú: tức là 3 anh em ngài Nguyễn Ánh] đã trốn chạy (quân) Ông Nhạc vào một khu rừng nằm ở vùng ven Saigon. Ông Nhạc ra lệnh tiếp tục cuộc truy tìm 3 người này, nhưng chỉ bắt được Ong Ya Ba và ông Mân. Cả hai đều bị sát hại. (Còn) Ông Thượng Sư thì trốn thoát được.
Sau khi đã hoàn toàn dẹp loạn tại Saigon, Ông Nhạc đã tự tuyên bố mình là kẻ cầm quyền mới [của chính quyền] với tên gọi là Tây Sơn. Ông dời đến Qui Nhơn và lập Qui Nhơn làm đô thành (capital city), và tự phong mình làm hoàng đế (tiếng Thái - phrachaophaendinyai). Ông bổ nhiệm Ông Bảy, người em trai thứ, (làm) một ông hoàng với tên gọi là Bắc Bình Vương (Bak Bin Yuang). Người em trai này được chỉ định ở Saigon. Ông bổ nhiệm Ông Tám, người em trai út, (làm) một ông hoàng với tên gọi là Long Tương (Long Yuang). Người em trai này thì (được sai) đi và giữ (đất) Huế.
Ông Long Tương (Ong Long Yuang), nay là kẻ cầm quyền (đất) Huế, đã quyết định tấn công Đàng Ngoài. (Người) Đàng Ngoài tức giận vì họ đã bị lừa gạt khi gởi quân đến giúp (Tây Sơn) chiếm giữ Huế, vì sau khi (triều đình) Huế sụp đổ, thay vì Ông Hoàng Tôn được đưa lên làm vua như đã hứa, thì nhóm phiến loạn (Tây Sơn) này bản thân họ lại nắm giữ lấy quyền lực. (Người) Đàng Ngoài từ đây trở nên cảnh giác và thù địch (với quân Tây Sơn).
[Để đánh Đàng Ngoài], Ông Long Tương đã nghĩ ra một mẹo đánh lừa (người) Đàng Ngoài. Ông đã cho ghi tên Ông Thượng Sư lên trên các lá cờ hiệu của quân mình và cứ thế mà quân đội ông hành quân. Người và các quan chức Đàng Ngoài nhìn thấy những lá cờ hiệu này và nghĩ rằng Ông Thượng Sư đã có thể lập ra một đội quân và nhóm quân này chính là nhóm quân của Ông Thượng Sư. Họ không nghi ngờ gì về điều này và đã mở cửa thành cho quân đội của Ông Long Tương vào Đàng Ngoài.
Ông Long Tương ra lệnh chỉ bắt giữ các quan chức và những người thân cận của vị cầm quyền (the ruler) (Đàng Ngoài). Họ đã bị xử tử. Nhưng vị cầm quyền Đàng Ngoài thì tự nôn ra máu và qua đời. Chúa (tiếng Thái: upparal) thì tự sát bằng cách tự cắt cổ mình. Ông Long Tương bổ nhiệm Ông Chiêu Thống (Ong Chiao Thong), con trai của Ong Duy Vỹ (Ong Quang Tri) và cháu nội của vị cầm quyền quá cố Đàng Ngoài, làm vua Đàng Ngoài mới để ở lại và canh giữ Đàng Ngoài. Ông Long Tương sau đó đã tịch thâu tất cả các vật dụng có giá trị và vũ khí rồi đem về lại Huế.
Ông Chiêu Thống, cháu trai của vị cầm quyền quá cố Đàng Ngoài, muốn trả thù. Ngài đã gởi một bức thư đến hoàng đế Trung Quốc thỉnh cầu (triều đình Trung Quốc) gởi một đội quân đến hỗ trợ mình. Theo đó, vị phó vương Quảng Đông (the Viceroy of Kwangtung) đã được lệnh dẫn một đội quân đến giao chiến cùng Ông Long Tương. Ông Long Tương đã xuất quân đối đầu và đuổi quân Trung Quốc chạy tan tác về lại (Trung Quốc). Đến lúc này, thì Ông Chiêu Thống và quần thần của ông ta đã trốn sang Trung Quốc. Do vậy, Ông Long Tương đã bổ nhiệm cho con trai mình là Ông Quang Thùy (Ong Ka Wi), làm kẻ cầm quyền mới tại Đàng Ngoài rồi (Ông Long Tương) về lại Huế. Sau này Ông (Long Tương) bị bệnh qua đời, và các quan chức đã bổ nhiệm con trai thứ hai của ông, là Ông Trát (Ong Klak), làm kẻ cầm quyền ở Huế thay cho cha mình.
Trong khi đó, Ông Thượng Sư, người mà quân đội đã bị đánh tan tác và đã bị tách khỏi anh em của mình, đã trốn vào một khu rừng gọi là Ban Kai Tao, tại một khu vực khó tiếp cận (inaccessible area) trong lãnh thổ Cao Miên. Khi họ hết lương thực, Ông Thượng Sư đã cho Ai Chu, kẻ hầu thân cận của mình, đi tìm thực phẩm. Ai Chu đi thuyền đến Teksia, và tại đó đã gặp Ong Tri, vị trấn thủ nơi này (its governor). Ai Chu nói với Ong Tri rằng là Ông Thượng Sư đang sống tại Ban Kai Tao và đã lệnh cho mình đi tìm thực phẩm. Sau khi biết được tình hình này, Ông Tri đã thu xếp và cung cấp thực phẩm để Ai Chu đem về cho Ông Thượng Sư. Ong Tri còn nói với Ai Chu rằng là bất cứ khi nào họ hết lương thực, thì họ có thể đến lấy từ ông, vì ông lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp thực phẩm cho họ.
Ông Thượng Sư đã sống ẩn náu tại Cao Miên khoảng 3 năm. Trong khoảng thời gian này, nhiều nhóm người Việt Nam (thường) vào các khu rừng này để tìm mật ong. Họ nhận ra rằng Ông Thượng Sư (chính) là một người của hoàng tộc Việt Nam, hiện đang sống ẩn náu trong lãnh thổ Cao Miên, và ông đang chịu đựng rất nhiều gian khổ. (Do vậy mà) tất cả bọn họ đều chia sẻ nguồn lương thực của họ với Ông Thượng Sư.
Một người Trung Hoa tên là That và một số người Việt Nam bàn với nhau về việc ông Tây Sơn (Ong Tayson) đã nổi lên, giết chết những người của hoàng tộc Việt Nam, và đã tự lên làm hoàng đế Việt Nam, và rằng là hiện giờ Ông Thượng Sư, cháu của vị vua quá cố, đã phải trốn chạy vào rừng và chịu rất nhiều gian khổ. Họ vạch ra một kế hoạch để lấy lại nước cho Ông Thượng Sư.
Tập 3 Sơ yếu lý lịch dòng họ Nguyễn Phước do chính chúa Nguyễn (Ánh) viết xuống theo Xiêm La Thực Lục
#xiem_la_thuc_luc_dong_ho_Nguyen_Phuoc
Nếu ở Tập 2, chúng ta được thấy hình ảnh một ông hoàng người Việt trốn chui trốn nhủi sống trong rừng rậm, nhờ những người Việt "ăn ong" cứu giúp, thì ở Tập 3 này, là đoạn viết rất rõ về hành tung của một nhơn vật rất quen thuộc với người miền Nam , đó là một trong Gia Định tam hùng - Đỗ Thanh Nhơn.
Nhưng Đỗ Thanh Nhơn trong Xiêm La Thực Lục, được viết bởi chính chúa Nguyễn Ánh và tùy tòng của ông dâng lên cho vua Xiêm tham khảo, rất rất khác với 1 Đỗ Thanh Nhơn trong sử Đại Nam Thực Lục. Đỗ Thanh Nhơn của Xiêm La Thực Lục là một người Hoa, và nhóm Đông Sơn của ông hóa ra là nhóm của người Hoa kìa. Và sự sát hại Đỗ Thanh Nhơn trong Xiêm La Thực Lục, hóa ra không là do sự vượt quyền và xem thường Chúa như trong sử Đại Nam Thực Lục đã ghi, mà là do chính Đỗ Thanh Nhơn đã có ý định muốn sát hại Nguyễn Vương (để mà soán ngôi) luôn kìa.
Và đặc biệt hơn, là theo những lời kể của Nguyễn Vương trong Xiêm La Thực Lục, sau khi đã xử tử Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Vương còn muốn giết hết toàn bộ tòng đảng người Hoa của Đỗ Thanh Nhơn. Và chính vì ông lo sợ khi đánh Tây Sơn đằng trước, mà đằng sau thì lại có người Hoa nổi loạn, nên với việc khó lưỡng đầu thọ địch, ông chọn quyết định đi Xiêm La để tránh và để tụ họp quân binh lại để phục hồi lại quyền lực của ông đó chứ.
Nên càng đọc Xiêm La Thực Lục và sử liệu ngoài này, chúng ta lại càng thấy rõ sự tương phản giữa sử Đại Nam Thực Lục và nhiều sử liệu ngoài này.
Và mình phát hiện ra là thầy Nguyễn Duy Chính đã có viết các bài Tương quan Xiêm Việt thật hay mà không biết người Việt đã có tranh luận gì về các vấn đề này chưa ? Ví dụ đoạn dịch dưới đây phần lớn là từ bài viết này của thầy >> https://nghiencuulichsu.com/2017/09/08/tuong-quan-xiem-viet-cuoi-the-ki-xviii/.
Và nếu đúng là có một Đỗ Thanh Nhơn và một nhóm Đông Sơn người Hoa như thế, rồi có nhóm Hòa Nghĩa Lý Tài như thế, và nhóm họ Mạc Hà Tiên như thế, rồi nhóm vua Xiêm La người Hoa Taksin như thế, thì liệu khi bạn nghiên cứu về sử Đàng Trong ở miền Nam thời này, nó có còn liên quan gì đến "con cháu vua Hùng" gì đó không ? Hay hầu như toàn bộ sử kiện thời này đều liên quan đến người Hoa và sự tranh giành quyền lực chính trị giữa các phe nhóm người Hoa quyền lực tại miền đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Đông Nam Á nói chung lúc này ? Thế còn con số "4 vạn hộ" người Việt di dân vào Nam nào đó có từ thời những năm 1698 còn ghi trong bộ Gia Định Thành Thông Chí đã biến đâu mất hết rồi trong cuộc tranh giành quyền lực này bạn nhỉ ?
Mời bạn đọc
Enjoy
Brian
****
Một người Trung Hoa tên là That và một số người Việt Nam bàn với nhau về việc ông Tây Sơn (Ong Tayson) đã nổi lên, giết chết những người của hoàng tộc Việt Nam, và đã tự lên làm hoàng đế Việt Nam, và rằng là hiện giờ Ông Thượng Sư, cháu của vị vua quá cố, đã phải trốn chạy vào rừng và chịu rất nhiều gian khổ. Họ vạch ra một kế hoạch để lấy lại nước cho Ông Thượng Sư.
Do đó, người Hoa kia (tức That) huy động được nhiều người Việt và Hoa ở Sài Gòn và chiêu tập một số đông người đi theo. Họ tấn công và lấy được Saigon. Ông Bảy [Ong Bai] tức là Bắc Bình Vương [Bak Bin Yuang] bỏ chạy về Qui Nhơn. Người Hoa tên That kia tự xưng là Ông Ðông Sơn [Ong Kong Soen] và sai sứ giả đi đón Ông Thượng Sư về Saigon. Ông Thượng Sư phong cho người Hoa tên That này – bây giờ là ông Ðông Sơn – tước Ông Thượng Công [Ong Thuang Kong], và cho làm quan to.
Tuy nhiên về sau, Ông Thượng Công âm mưu cùng đám người Hoa theo y định hại Ông Thượng Sư. Một hôm, người đầy tớ của Ông Thượng Sư là Ai Chu say rượu nằm ngủ ở một hội quán người Hoa. Y nghe được những người Hoa đó nói chuyện với nhau rằng Ông Thượng Công, vị quan lớn kia, đang toan tính giết Ông Thượng Sư để loại trừ ông này. Ai Chu kể lại cho Ông Thượng Sư việc y nghe thấy.
Biết được việc đó rồi, Ông Thượng Sư mới sắp xếp ba lớp màn che, lớp nọ ngăn sau lớp kia treo tại nơi ông ở rồi ra lệnh cho 20 vệ sĩ nấp ở đó. Ông Thượng Sư khi ấy mới giả vờ ốm nằm bên trong lớp màn rồi nói với thủ túc rằng: “Nếu Ông Thượng Công vào thăm ta bên trong lớp màn này, và nếu như y quả thực muốn phản loạn, thể nào y chẳng mang thuốc độc để dụ cho ta uống. Do đó khi nhận thuốc từ tay Ông Thượng Công rồi, ta sẽ thử xem có phải thuốc độc chăng, nếu là thuốc độc ta sẽ đổ vào ống nhổ. Kế đó ta sẽ gõ lên thành ống nhổ làm hiệu để cho các ngươi bước ra khỏi màn, bắt và giết Ông Thượng Công”.
Khi Ông Thượng Công nghe tin Ông Thượng Sư ngã bệnh, y liền đến thăm, mang theo một bao thuốc bột. Khi y bước vào trong màn nơi Ông Thượng Sư đang nằm, [Ông Thượng Sư] cất tiếng chào: “Ông Thượng Công đến thăm ta đấy ư?”. Ông Thượng Công đáp: “Thần nghe tin chúa thượng bị bệnh nên vội vào hầu, có đem theo một ít thuốc để cho chúa thượng chóng khỏi”. Y vừa nói vừa lấy ra gói thuốc y đã mang đưa cho Ông Thượng Sư kiểm tra.
Ông Thượng Công mới gọi người mang một chiếc siêu nhỏ đến để sắc thuốc. Y nhân đó đổ luôn cả gói thuộc độc vào trong siêu rồi chắt thuốc ra một cái chén dâng lên Ông Thượng Sư.
Ông Thượng Sư thấy sự việc quả như đã dự kiến. Ông nhận chén thuốc và nhúng một chiếc đũa ngà vào trong đó, lập tức chiếc đũa phủ một lớp váng màu đen. Do đó ông biết chắc đây là thuốc độc nên đổ chén thuốc vào ống nhổ rồi gõ lên ra hiệu. Các vệ sĩ nghe hiệu lệnh bèn xông ra, bắt Ông Thượng Công và xử tử ngay hôm đó.
Ông Thượng Sư khi đó mới ra lệnh giết sạch tất cả tòng đảng người Hoa của Ông Thượng Công. Hai khách thương người Tàu có quyền thế ở Sài Gòn tên là Chae và Lek mới đến gặp Ông Thượng Sư nói rằng nếu chúa Nguyễn ra lệnh giết hết tất cả người Trung Hoa ở Sài Gòn thì người Hoa sẽ bất phục và nổi loạn. Quân Tây Sơn sẽ nhân đó quay lại chiếm Gia Ðịnh và một khi thù trong chưa xong, giặc ngoài đã tới thì Ông Thượng Sư sẽ lưỡng đầu thọ địch. Họ khuyên chúa Nguyễn nên thân thiện với người Hoa trước. Ông Thượng Sư đồng ý và không tiến hành kế hoạch tàn sát đó nữa.
Sau đó, quả thực Tây Sơn đã ra lệnh cho các võ quan cấp cao của họ tuyển mộ binh lính và hành quân bằng đường bộ để tấn công Saigon. Ông Thượng Sư nghe được điều này và đã bàn luận cùng tùy tòng của mình. Nếu như ông đối đầu đánh nhau cùng quân Tây Sơn vào lúc này, thì ông sẽ gặp 2 nỗi bận tâm trong một tình cảnh bấp bênh. Đó là (1) trong khi ông đang đối đầu với Tây Sơn thì (2) nhóm người Hoa có thể nổi loạn (tấn công ông) ở phía sau. Những nỗi bận tâm này, chúng đặt ông vào một tình thế khó mà có thể tự gỡ mình thoát ra. Do vậy mà ông cảm thấy nhất thiết là cần trốn sang Bangkok để tìm sự bảo hộ của vị vua bên đó trong một thời gian, và để đặt ra các kế hoạch mới để phục hồi lại quyền lực của ông, bởi vì nếu hiện giờ mà đánh nhau thì có lẽ sẽ chỉ đem tới sự thất bại hoàn toàn (cho ông). Và toàn thể mọi người đều đồng ý, nên Ông Thượng Sư đã giong một con tàu đi biển và trốn đi từ cửa sông Mỹ Tho. Họ đã đến và neo tàu tại đảo Krabu (Krabu Island). (Hai viên quan Xiêm La là) Phraya Chonburi và Phra Rayong đã gặp họ nơi đây và thúc giục Ông Thượng Sư đến triều đình Xiêm La để gặp vua họ [Brian chú: vua Xiêm La này là vua mới Chakri tức Rama I].
Và đây là đoạn kết thúc của biên niên sử Ông Thượng Sư (At this point ends the chronicles of Ong Chiang Su.).
Không có nhận xét nào