THƯỞNG CHO CÔNG BỐ KHOA HỌC: CON RUỘT VÀ CON NUÔI Báo Tuổi Trẻ hôm qua có hỏi tôi về chánh sách khen thưởng cho công bố khoa học của Bộ GDĐT...
THƯỞNG CHO CÔNG BỐ KHOA HỌC: CON RUỘT VÀ CON NUÔI
Báo Tuổi Trẻ hôm qua có hỏi tôi về chánh sách khen thưởng cho công bố khoa học của Bộ GDĐT, và tôi có nói rằng nên cẩn thận chuyện mà xã hội có thể hiểu theo nghĩa 'con ruột, con nuôi'.
Không rõ tôi có phải là người đầu tiên đề nghị chánh sách khen thưởng cho công bố khoa học, nhưng trong một bài báo hơn 10 năm trước (hình như là trên Tia Sáng) tôi đề nghị như thế. Dạo đó, tôi thấy các nước Á châu (và cả Úc) các đại học đều có chánh sách thưởng cho công bố khoa học xuất sắc. Chẳng hạn như Viện Garvan thưởng 1000 đôla cho tác giả có bài báo trên tập san với chỉ số impact factor (IF) trên 10. Nhờ chánh sách này mà năm nào công bố khoa học của Garvan đều có IF trung bình khá cao hơn các đại học. Nhìn thấy vậy, tôi mới đề nghị Bộ GDĐT là nên thưởng cho công bố khoa học theo một số tiêu chuẩn cụ thể.
Sau đó thì thời ông NTNhân có thưởng cho công bố khoa học, nhưng số tiền thưởng thì thú thật là ... quá bèo. Nếu tôi nhớ không lầm thì tiền thưởng chỉ 100 USD (hay cỡ đó) cho một bài báo. Ngoài ra, tiêu chuẩn thưởng cũng chẳng có gì là đúng 'luật chơi'. Chánh sách đó hình như không thành công. Do đó, các đại học họ tự đề ra chánh sách khen thưởng, và rõ ràng là đã thành động lực để nâng cao công bố khoa học.
Nay Bộ GDĐT công bố danh sách 34 đại học do họ quản lí được thưởng về công bố khoa học. Nhưng vấn đề làm cho nhiều người cảm thấy khó hiểu là họ chỉ thưởng cho các trường đại học học họ quản lí. Còn các trường có công bố khoa học mạnh hơn thì Bộ không thưởng. Nói ví von, họ chỉ thưởng cho 'con ruột', còn 'con nuôi' thì lờ đi, dù 'con nuôi' có thành tích công bố mạnh hơn và tốt hơn những đứa 'con ruột'!
Theo TT [1] tổng số tiền thưởng là 10.8 tỉ đồng (tức khoảng 500,000 USD) cho 3627 bài báo. Tính trung bình mỗi bài được 137 USD (tức khoảng 3 triệu đồng), tức là không tăng bao nhiêu so với 10 năm trước. Con số trung bình này có vẻ rất đồng đều giữa các đại học. Điều này nói lên rằng có vẻ (a) tiêu chuẩn thưởng dựa vào số lượng hơn là chất lượng, hoặc là (b) chất lượng các bài báo khá tương đương nhau.
Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn số lượng và chất lượng là vai trò của tác giả. Nếu một bài báo do người Việt chủ trì và thực hiện thì nên thưởng. Nếu một bài báo mang tính hợp tác mà người nước ngoài chủ trì thì không nên thưởng, hay nếu thưởng thì phải có cách đánh giá cho công bằng.
Xin nói thêm là Giải thưởng Alexandre Yersin for Outstanding Publication [2] mà Hội y học Thuỵ Sĩ - Việt Nam đề xướng, chúng tôi đánh giá một bài báo khoa học dựa theo 5 tiêu chuẩn:
• chất lượng khoa học;
• tầm ảnh hưởng;
• tính cách tân, sáng tạo;
• tác động trong khoa học; và
• uy tín của tập san.
nhưng các tiêu chuẩn này có trọng số khác nhau. Tôi làm chair hội đồng chấm giải thưởng cho Hiệp hội loãng xương Úc châu, và tôi cũng đề ra 5 tiêu chuẩn như thế. Dựa vào cách đánh giá này, chúng tôi mới chọn được các bài báo quan trọng và xứng đáng để thưởng. Thiết nghĩ Bộ GDĐT nên tham khảo cách làm của chúng tôi để cho chánh sách công bằng hơn trong tương lai.
Nguyễn Tuấn
____
[1] https://tuoitre.vn/gan-11-ti-dong-khen-thuong-bai-bao-khoa-hoc-quoc-te-nam-2020-20210113151942728.htm
[2] https://helvietmed.org/wp-content/uploads/2019/07/Alexandre-Yersin-Prize-for-outstanding-medical-publications-2019-2020.pdf
Không có nhận xét nào