VỞ KỊCH "CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHÀO HÀNG" Đi dạo mấy cửa hàng sách cũ, gặp cuốn sách này. Đó là kịch bản CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHÀO HÀNG...
VỞ KỊCH "CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHÀO HÀNG"
Đi dạo mấy cửa hàng sách cũ, gặp cuốn sách này. Đó là kịch bản CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHÀO HÀNG của nhà văn Mỹ Arthur Miller. Ông là nhà viết kịch vĩ đại, là người chồng một thuở của diễn viên điện ảnh huyền thoại Marilyn Monroe, cũng là Chủ tịch Hội văn bút quốc tế một thời. Với vở kịch "Cái chết của người chào hàng", ông được coi là người đặt nền móng cho nền kịch nghệ đương thời của nước Mỹ.
Nhớ lại cuối năm 1975, tui dựng vở kịch này ở sân khấu Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và sau đó cũng đưa đến cho tui nhiều hệ luỵ dù lúc đấy vở kịch đã được Đoàn trường Sư phạm đồng ý cho diễn. Những diễn viên của vở kịch này giờ đã tản mác khắp bốn phương trời, nhưng nếu gặp nhau, nhắc lại chắc hẳn ai cũng còn nhớ. Bởi đây là một kịch bản hay, tui liều lĩnh làm đạo diễn đồng thời đóng vai chính là ông già Willy Loman. Đó là một ông già 60 tuổi cô đơn, làm nghề chào hàng được Miller xây dựng bằng những nét khắc họa sắc sảo không kém những nhân vật trong bi kịch của Shakespeare. Trong xã hội con người bị biến thành hàng hoá và ông đã chọn cái chết để vợ con ông có thể lãnh tiền bảo hiểm, hi vọng thoát cảnh bế tắc trong đời sống. Trong vở kịch một nhân vật là bạn của ông tên Charley đã từng nói “Điều duy nhất ta có trên cuộc đời này là những gì ta có thể bán được. Thật buồn cười, anh là người chào hàng mà lại không biết điều đó”.
Ngoài tui đóng vai chính Willy Loman, còn có Nông thị Ngọc Liễu vai vợ của Willy Loman. Cô này hồi đấy đã có một thân hình đẫy đà, mũm mĩm, da trắng, chỉ cần thêm chút son và má hồng vào thì không khác gì một phụ nữ Mỹ. Ngọc Liễu hiện làm luật sư ở Úc. Ngọc Hoàng vai Charley, bạn của Willy Loman, anh chàng này có đài từ khá tốt, ấm và ăn micro, hiện ở Mỹ. Bạn Trần Việt Sơn, giọng Bắc di cư đặc sệt đóng vai con trai ngỗ ngược của người chào hàng, hiện ở Florida, Mỹ. Ngoài ra còn có Lê Ngọc Điệp vai người phục vụ, giờ đã về hưu, trước đây là Trưởng phòng Tiểu học thuộc Sở Giáo dục thành phố. Khải đã mất ở Việt Nam. Trần Đình Hàng phụ trách trang trí sân khấu. Bạn này một thời là Hiệu trưởng trường Võ Minh Đức, Bình Dương, giờ cũng đã hưu trí. Còn có Hồng Nhạn, đang ở Bỉ, Năng đang ở Seattle, Đoàn Hoàng em của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt phụ trách âm nhạc. Các nhân vật được hóa trang rất kỹ, tui nhờ có sẵn râu, tóc nên chỉ cần làm cho bạc với bộ veste cũ là xong. Lúc ấy mà tui đã cho nhân vật chính từ ngoài đi vào rạp, bước lên sân khấu, diễn từ dưới diễn lên, đèn spotligt chạy theo, gây bất ngờ cho khán giả, vừa mở màn cả rạp đã vỗ tay rần rần.
Vở kịch được dựng rất chuyên nghiệp, trang bị âm thanh, ánh sáng như một đoàn hát quy mô do vậy cũng đã gây được tiếng vang trong dư luận lúc bấy giờ và xem như đã thành công. Giờ nghĩ lại tui cũng thấy mình đúng là liều thật. Thế mà sau buổi diễn, tui bị Đảng uỷ, Đoàn trường phê bình kịch liệt vì dám lấy một vở kịch của Mỹ mà trình diễn, thời kỳ tư duy thật là ấu trĩ cộng với kiến thức nông cạn. May là tui không bị bắt đi cải tạo, nhưng nó cũng là một trong nhiều lý do tui không được Sở Giáo dục Cà Mau cho phép làm giáo viên ở Bạc Liêu.
Giờ nằm đọc lại kịch bản, suy ngẫm thêm nhiều điều từ vở kịch này mới thấy hơn 45 năm trước đúng là tui dám chơi với lửa. Dám dựng một vở kịch nổi tiếng thế giới, một tác phẩm đã mang về cho Miller giải thưởng Pulitzer vào năm 1949. Và năm 1999 được trình diễn lần đầu, nó lại nhận được giải thưởng Tony Award cho những vở kịch hay nhất tái diễn trên sân khấu Broadway. Như vậy, tui dựng vở này còn trước cả sân khấu Broadway, ghê thiệt. Đài truyền hình thành phố cũng đã dựng vở kịch này đâu khoảng cuối thập niên 90 với diễn viên Thương Tín đóng vai ông già chào hàng Willy Loman.
Tui nhớ là tui vẫn còn giữ một poster quảng cáo đêm diễn, bỏ đâu đó mà chưa tìm ra. Hi vọng mai mốt tìm thấy, sẽ scan lại để giữ lại làm kỷ niệm của một thời. Cũng mong có một buổi tụ tập lại dàn diễn viên của vở kịch này để xem thời gian đã bào mòn những nhan sắc thời trai trẻ như thế nào khi tất cả đã vào tuổi bảy mươi. Một đoạn đời liều lĩnh nhưng vui. Có ai là khán giả đêm hôm ấy còn nhớ vở kịch này không?
22.1.2021
DODUYNGOC
#LINHTINHDODUYNGOC
Không có nhận xét nào