BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ MYANMAR Theo thông tin các toà báo khắp thế giới đưa tin thì bà Aung San Suu Kyi đã vừa bị quân đội bắt giữ ngày hôm nay...
BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ MYANMAR
Theo thông tin các toà báo khắp thế giới đưa tin thì bà Aung San Suu Kyi đã vừa bị quân đội bắt giữ ngày hôm nay và quân đội đã trở lại nắm chính quyền như thời kỳ năm mươi năm trước của họ. Myanmar lại rơi vào sự khủng hoảng chính trị tiền dân chủ và trở lại quỹ đạo độc tài quân phiệt.
Nhưng dù thế nào thì họ vẫn còn có hy vọng vì người dân nơi này đã thấm đẫm tinh thần dân chủ và sức mạnh đấu tranh trong tinh thần của mình. Thành quả dân chủ bước đầu đã đạt được có thể chỉ là tạm thời bị đình chỉ vì những vấn đề nảy sinh hậu “tiền dân chủ” của nó.
Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi bị bắt vì quân đội cáo buộc có gian lận trong bầu cử, chứ không phải hành vi liên quan gì tới việc diệt chủng dân tộc thiểu số Rohingya. Mà sự khủng hoảng liên quan tới vấn đề người Hồi giáo này đã xảy ra bắt đầu từ năm 2012 kéo dài cho đến bây giờ.
Việc cáo buộc cho bà Suu Kyi bị bắt vì có liên quan tới vấn đề diệt chủng (hàng nghìn) người Rohingya là một sự không thoả đáng và có phần là gượng ép vô cớ.
Bà Suu Kyi chưa nắm được quân đội, mà thực tế là bà đang bị quân đội “đảo chính” dựa vào cáo buộc gian lận bầu cử, có nghĩa bà Suu Kyi không thể đóng góp gì vào cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya đã xảy ra và vẫn là thực tế không có phương cách giải quyết.
Mặc dù bà Suu Kyi có thể lên tiếng để chống lại quân đội về những hành động của họ (mà bà đã nói những quân nhân vẫn bị điều tra và xét xử theo thủ tục tư pháp của Myanmar) như một nghĩa vụ đạo đức, nhưng với việc quân đội vẫn là lực lượng chi phối chính quyền ở đất nước này, nếu nói bà ấy ủng hộ (bảo vệ) quân đội chỉ vì bà ấy đã không thực sự lên tiếng về sự kiện đó là không đúng với những gì thực tế đang xảy ra vào lúc này - bà bị bắt vì quân đội lật đổ để không cho đảng của bà trở thành thành phần chính trong chính quyền.
Mỗi nhân vật đấu tranh chính trị đều có thể bị đàn áp bởi cả hai phía - phía chống lại họ và phía những người ủng hộ họ - cả hai phía đều có những phẩm chất hay đòi hỏi đạo đức đối nghịch nhau, chỉ người đang đứng ở vị trí của sự tranh đấu với cương vị chính trị mới bị giằng xé bởi chúng với tư cách sẵn sàng trở thành nạn nhân của cả hai. Nhưng dù gì, phía quân đội vẫn có đủ sức mạnh để thực hiện các chiêu trò và thủ thuật chính trị để dẫn dắt cuộc chơi vương quyền theo ý họ.
Bởi lý do đó mà quân đội không bao giờ được phép tham chính để hệ thống quyền lực nhà nước trở thành một nhà nước dân sự đúng nghĩa, chỉ trừ trường hợp quốc gia đứng vào tình trạng khẩn cấp do chiến tranh hoặc bởi sự phản quốc từ chính chính quyền đang nắm quyền điều hành đất nước.
Lê Luân
Không có nhận xét nào