Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHÚT BĂN KHOĂN

CHÚT BĂN KHOĂN Thông tin về việc 5 người trong đội bốc xếp của sân bay Tân Sơn Nhất bị nhiễm cúm Tàu cho thấy, nhiều người vui mừng là các a...

CHÚT BĂN KHOĂN

Thông tin về việc 5 người trong đội bốc xếp của sân bay Tân Sơn Nhất bị nhiễm cúm Tàu cho thấy, nhiều người vui mừng là các anh này không trực tiếp tiếp xúc với hành khách, nên số lượng F1, F2 của các anh không nhiều lắm, dù làm ở sân bay.

Tôi chỉ hơi lo lắng một điều. Nếu cơ chế lây lan của con virus cúm Tàu này là việc các giọt bẩn chứa virus từ người mang chúng lan sang người chưa mắc, rồi người chưa mắc hít vào phổi và nhiễm bệnh, thì việc lây lan vẫn có thể xảy ra ngay cả khi không có tiếp xúc trực tiếp giữa người lây và người bị lây. Việc lây lan này sẽ thông qua cơ chế bề mặt. Có nghĩa là các giọt bẩn chứa virus của người lây dính trên các bề mặt, rồi qua tay và chui vô phổi của người bị lây. 

Có một yếu tố thuận lợi cho việc lây lan theo kiểu này, là các anh bị nhiễm đều làm ở đội bốc xếp. Có nghĩa là các anh tiếp xúc với hành lí kí gởi của hành khách. Đó là những bề mặt khá lí tưởng để lây lan. Nên không thể vui mừng vì các anh không trực tiếp tiếp xúc với hành khách được.

Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng, vì nếu các anh có mang khẩu trang đúng cách khi làm việc (điều này thì chỉ có các anh mới biết), thì số lượng giọt bẩn mà các anh mang đến cho hành khách sẽ ít hơn. Ngoài ra, nếu hành khách chịu khó rửa tay thường xuyên, thì nguy cơ các giọt bẩn dính trên hành lí chui vô phổi thấp hơn nhiều.

Ở đây, tôi muốn nói đến việc khử trùng hành lí của hành khách sau quá trình vận chuyển, hoặc việc ngăn ngừa lây lan từ nhân viên vận chuyển hành lí của sân bay cho hành khách. Không biết sân bay Tân Sơn Nhất có áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn con đường lây lan này hay không? Tuy nhiên, từ việc cách li của ngành hàng không trước đây, tôi có chút băn khoăn về khả năng này của sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng, và ngành hàng không của Việt nam nói chung.

Vấn đề tiếp theo là tránh lây lan theo con đường bề mặt của từng cá nhân. Nếu các hành khách lưu ý đến việc khử trùng bề mặt đồng thời với rửa tay, thì nguy cơ bị lây nhiễm sẽ giảm đi đáng kể. Trong suốt năm qua, mỗi khi đi siêu thị, cần dùng đến xe đẩy (troley), tôi đều dùng cồn sát trùng tay nắm. 

Ban đầu, một số nhân viên bảo vệ siêu thị tỏ vẻ khó chịu (có thể việc này gây tốn cồn nhiều). Ở một số siêu thị, sợi dây cột lọ cồn càng ngày càng ngắn lại. Sau đó thì tôi mua riêng cho mình lọ cồn, và thường xuyên làm động tác khử trùng tay cầm các xe đẩy trước khi sử dụng. Tương tự vậy, mỗi khi đi máy bay, tôi cũng dùng cồn lau các chỗ để tay, tựa lưng và mặt ghế ngồi. Tiếc rằng cái khăn cồn của Vietnam airline có mùi quá gắt, gây hắt xì, nên tôi không dám dùng.

Cách đây mấy hôm, người trông coi mộ cho em tôi ở Lái Thiêu cho biết, nghĩa trang cấm không cho viếng mộ trong mấy ngày Tết. Năm nào gia đình tôi cũng đi viếng mộ em tôi và ba tôi vào ngày 29 Tết, năm nào không có 30 thì đi vào 28, tức là ngày trước ngày giao thừa. Như vậy, năm nay, chúng tôi không thể đi viếng mộ em tôi.

Khi đọc được cái công văn của nghĩa trang ban hành ngày 03/02/2021, tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Cơ sở để nghĩa trang không cho thăm viếng là Chỉ thị 15/CT-TTg ban hành ngày 27/03/2020 của Thủ tướng, yêu cầu dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giao, tín ngưỡng, thờ tự...

Thực tình thì tôi không biết các nhà quản lí nghĩa trang này quá dốt và quá vô trách nhiệm, hay họ muốn nghỉ cho khỏe, bất chấp nhu cầu tình cảm của người dân. Hoặc cũng có thể nguyên nhân liên quan đến chính trị, vì tại nghĩa trang đó có mộ của nhiều người trong gia đình cũng như mộ của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. 

Nhưng khi tôi được nghe kể về phản ứng của những người có trách nhiệm ở Bình Dương, dẫn đến sự lúng túng và hỗn loạn trong hoạt động cách li khi có một bệnh nhân ở Bệnh viện bị nhiễm cúm Tàu, thì tôi thiên về vế thứ nhất. Có vẻ như sự chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương không thấu đáo, mạnh ai nấy làm. Không có sự chuẩn bị cho các kịch bản, nên khi sự việc xảy ra, mọi thứ trở nên lộn xộn.

Cho nên, tôi vẫn có chút suy nghĩ, rằng những thành công trong chống dịch của chúng ta có sự góp sức không nhỏ của Thần May Mắn. Dù gì thì cũng xin được cám ơn ông, Thần May Mắn.

Bs Võ Xuân Sơn

CHÚT BĂN KHOĂN


Không có nhận xét nào