HIỆN TƯỢNG QUÁ MẪN Mấy ngày nay, tôi theo dõi tình hình dịch bệnh theo một cách khác với trước đây. Tôi luôn nghĩ TPHCM là nơi phòng chống d...
HIỆN TƯỢNG QUÁ MẪN
Mấy ngày nay, tôi theo dõi tình hình dịch bệnh theo một cách khác với trước đây. Tôi luôn nghĩ TPHCM là nơi phòng chống dịch cúm Tàu tích cực và rất hiệu quả. Tôi rất ngạc nhiên khi Bộ Y tế và cả người của Chính phủ, đánh giá về ổ dịch TPHCM theo cách đã bị bỏ lâu ngày không phòng ngừa.
Không biết tôi hiểu có đúng ý của Bộ Y tế và Chính phủ hay không, nhưng những thông tin tôi đọc được thì có vẻ đó là “tâm tư” của Bộ Y tế và Chính phủ. Tôi còn khá ngạc nhiên, khi Bộ Y tế công bố, Hải Dương đã có thể tự lo cho mình, và lực lượng chi viện của Bộ Y tế đang chi viện cho Hải Dương phải rút về để tập trung chi viện cho TPHCM.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng con số lây nhiễm của TPHCM sẽ bùng phát rất mạnh. Nhưng không, liên tiếp mấy ngày qua, mỗi ngày TPHCM chỉ có 1, 2 ca mắc mới hoặc không có ca mới nào. Trong khi đó thì ở Hải Dương, con số lây nhiễm mới phát hiện vẫn cứ khá khá, trên chục mỗi ngày, tất nhiên là trừ ngày Mùng Một Tết. Như vậy, ổ dịch nào là đáng lo ngại?
Nhưng có thể Bộ Y tế và Chính phủ có đủ thông tin hơn tôi, và vì lí do gì đó, họ không công bố các thông tin ấy. Tuy nhiên, việc một số tỉnh như Bắc Giang, Quảng trị, Huế, Đắc nông… bắt tất cả người dân từ TPHCM về phải cách li, đặc biệt là Bắc Giang và Huế, cách li tập trung luôn, liệu có liên quan đến việc đánh giá nguy cơ quá cao về ổ dịch ở TPHCM hay không?
Qua mấy lần dịch bùng phát, chúng ta thấy rõ nguy cơ của dịch, bao gồm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ trở nặng, nguy cơ tử vong, và nguy cơ sụp đổ nền kinh tế. Trong miễn dịch có một khái niệm, gọi là quá mẫn. Tức là hệ miễn dịch phản ứng thái quá với tác nhân gây bệnh, và gây hại cho cơ thể, chính là đối tượng mà nó bảo vệ.
Vì vậy, nếu chúng ta phòng và chống dịch để bảo vệ cộng đồng, mà áp dụng những biện pháp thái quá, sẽ gây hại cho cộng đồng, giống như hiện tượng quá mẫn của hệ miễn dịch. Người dân TPHCM, bao gồm tất cả những người dân thường trú và dân tạm cư, đã tạo ra một giá trị kinh tế lớn nhất nước so với tất cả các tỉnh thành khác. Đã thế, mức độ đóng góp cho ngân sách quốc gia cũng lớn nhất, chiếm 82% những gì họ làm ra. Hãy thử tưởng tượng, nếu nền kinh tế của TPHCM sụp đổ, thì tác động của nó đối với nền kinh tế của cả nước sẽ như thế nào.
Không những thế, bây giờ người dân TPHCM, kể cả tạm cư, lại bị kì thị ở nhiều địa phương, trong đó có cả những địa phương đang sống nhờ ngân sách (phần lớn nhất là từ TPHCM). Tôi có suy nghĩ, có thể sự sợ hãi dẫn đến phản ứng thái quá của một số tỉnh xuất phát từ những đánh giá khá đáng sợ của Bộ Y tế và Chính phủ về nguy cơ dịch bệnh của TPHCM.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào