ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT CỦA DỐI LỪA Một người bạn trong nước hỏi tui rằng bác có xem táo quân đầu năm bữa rồi không ? Người bạn nầy có vẻ yêu th...
ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT CỦA DỐI LỪA
Một người bạn trong nước hỏi tui rằng bác có xem táo quân đầu năm bữa rồi không ? Người bạn nầy có vẻ yêu thích nó giống như đại đa số người dân Việt khác...Tiếc thay, từ rất lâu rồi tui đã không còn quan tâm đến chương trình nầy nên chả biết năm nay nó ra làm sao !
Mà kịch bản thì năm nào chả giống năm nào, một đám hề chèo ậm ọe diễn trò vua quan, một chút trào phúng về thói hư tật xấu của nhà cầm quyền để rồi chốt lại vấn đề là cái anh gì đó đóng vai ngọc hoàng được mớm nhời đứng ra làm lễ " truyền mồm" lão tổng bí ra vẻ nghiêm khắc "kiểm điểm", rồi "chỉ đạo", " định hướng " ...thật khôi hài hết sức !
Khi người ta đưa cả chính trị vào trong sân khấu thì câu chuyện trở nên đặc biệt. "Họ" diễn như thật và "họ" làm thật như diễn, thực hư hư thực khiến cho người dân không biết thế nào mà lần. Đó chính là cái sự cao tay của nghệ thuật tuyên truyền cộng sản ! Tui nói rằng chương trình táo quân chính là một con bài tẩy tuyên truyền siêu cấp và cũng siêu độc của " nhà nước"! Vì sao ư?
Chương trình nầy được tuyên truyền là qua đó nói lên được sự yếu kém, thiếu sót và bất cập của bộ máy cầm quyền. Tuy nhiên cá nhân tui nhận định đó chỉ là bề nổi. Cái sự nguy hại và độc địa nhất của nó là gì ? Đó chính là " sự bình thường, tầm thường hóa các vấn đề nghiêm trọng " một cách tuần hoàn lặp đi lặp lại.
Ta có thể hiểu như thế nầy : Đứng trước một vấn đề xấu xa nghiêm trọng thì cộng đồng cần phải nhìn nhận và lên án chúng một cách hết sức gay gắt, buộc nó phải được sửa chữa chóng vánh, kịp thời và hiệu quả. Thay vì làm vậy thì "họ" khéo léo đẩy chúng lên sân khấu tuồng, qua các thủ thuật nhà nghề để biến nó thành một vấn đề mang tính khôi hài, người người nhà nhà ai cũng cười nhạo nó, lâu dần thành quen. Người ta thấy vấn đề đó không còn nghiêm trọng nữa, thậm chí mặc định nó là một phần không thể thiếu của xã hội !
Thật nguy tai ! Kẻ tỉnh thức thấy vậy mà cười không nổi. Chỉ biết nén tiếng thở dài.
Thuở tại thế Đức Thế Tôn có dạy rằng " Với kẻ tu hành mà nói thì âm nhạc là liều thuốc độc ". Rất nhiều người phản đối bởi thi ca, âm nhạc hình tướng lẫn âm sắc nó quá đẹp. Rất ít người nhìn được ra mặt trái của nó. Ngày nay thì sân khấu cũng vậy. Nó quá lung linh và rực rỡ. Các diễn viên rồi ca sĩ, các bộ phim, bài hát được đông đảo người đón nhận. Nó quả là thứ dễ gây nghiện còn hơn thuốc phiện gấp nhiều lần, nhất là đối với các bạn trẻ.
Với người tỉnh thức mà nói thì sân khấu cũng giống như mặt nạ trang điểm lòe loẹt của một ả gái làng chơi hết thời với thân hình xập xệ xuống cấp ẩn chứa đầy bệnh tật bên trong. Người ta lợi dụng nó để tuyên truyền, để quảng cáo cho một cái xã hội tốt đẹp hư ảo không có thực. Nghĩ cũng nực cười thay với những thứ đương thời, xem phim ảnh hay ca nhạc thì toàn thấy những cảnh xa hoa, sang trọng thời thượng, trai gái son phấn sexy uốn éo...sách truyện thì toàn nội dung ngôn tình tràn ngập ái dục, sống sượng và xu thế , dạy làm giàu các kiểu ...mở tivi coi phóng sự giáo dục thì thấy các cháu học trường điểm chia sẻ kinh nghiệm học tập ...Xem riết rồi chợt nhận ra dường như không có chỗ cho người nghèo?
Người nghèo ở đâu nhỉ? Họ vẫn tồn tại đấy thôi. Rất đông là đằng khác.Có điều họ vô hình.
Rất ít áng văn, thơ hay phim ảnh, MV, bài hát nào nói lên nỗi niềm của người nghèo hay những nỗi bất công họ phải chịu đựng. Dường như họ không còn tồn tại.
Tui thấy đông đảo những người nông dân quanh năm vất vả một nắng hai sương với thu nhập chưa nổi 1 triệu vnđ mỗi tháng mà vẫn ráng lo cho con ăn học ...
Tui thấy những người tiểu thương 3h sáng trời hẵng mù mịt phải dậy sớm tất tả ra chợ đầu mối để nhập hàng cho kịp phiên chợ sáng ...
Tui thấy hai vợ chồng người công nhân cãi nhau vì chuyện anh chồng thích ăn quà sáng mà không chịu ăn cơm vợ nấu sáng sớm trong khi tiền sữa cho con còn thiếu ....
Tui thấy hết nhưng họ không thấy. Sân khấu che lấp hết hình ảnh của họ rồi.
Vãn chuyện đầu xuân.
Chân Từ.
Chuyện này xảy ra lâu rồi , thấm lậm tim gan phèo phổi người dân .
Trả lờiXóaAi cũng thuộc lòng và chấp nhận rồi " xử thế " y chang các vở tuồng này . Họ đều biết thủ tục " đầu tiên " , gì gì cũng đều phải CHI phải CHẠY mới thành công , mới toại nguyện .
Cái tổ chức , cái guồng máy xã hội chủ nghĩa nó là phải thế ! Muốn chấm dứt ư ? chỉ một cách duy nhất : thay đổi thể chế , thay đổi giáo dục .
Chuyện này , chó nó cũng biết , chỉ đảng và nhà nước không biết hoặc không muốn đổi .