Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ

KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ Trong buổi sáng hôm nay, có tới 5 trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ có chỉ định mổ, trong số bệnh nh...

KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ
KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ MỔ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ

Trong buổi sáng hôm nay, có tới 5 trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ có chỉ định mổ, trong số bệnh nhân tôi khám. Đây là một ngày khá đặc biệt, vì thoát vị đĩa đệm cổ ít gặp hơn so với vùng thắt lưng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn là tôi nhận thấy, sự hiểu biết về loại bệnh này của người bệnh còn có những điều lệch lạc. Có bệnh nhân nhất định bắt bẻ tôi, tại sao BS A, BS B nói như thế này mà tôi lại giải thích khác. Tất nhiên, đối với những bệnh nhân như vậy, thì an toàn nhất là gởi bệnh nhân về với bác sĩ mà họ tin tưởng. Nhưng tôi nghĩ, cũng nên viết thêm về điều này, để tránh những hiểu biết lệch lạc về căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm cổ là trường hợp đĩa đệm cổ bị vỡ ra, mảnh vỡ chèn ép vào tủy hay rễ thần kinh gây ra các triệu chứng.

KHI NÀO THÌ PHẢI MỔ.

Nếu sự chèn ép gây ra bệnh lí tủy, gây tê và/hoặc yếu tay và/hoặc chân, giảm hoặc mất cảm giác tay và/hoặc chân, và/hoặc một vùng thân thể, rối loạn tiêu, tiểu, và/hoặc khó thở, thì nhất định phải mổ. Nếu chèn ép gây ra bệnh lí rễ, biểu hiện bằng đau hay tê, yếu nhẹ một khu vực của tay, và trên điện cơ chưa có thương tổn thần kinh rõ, thì có thể chưa cần mổ. Nhưng nếu đã có yếu cơ rõ và/hoặc teo cơ, kéo dài hoặc đang tiến triển nặng lên, thì cũng phải mổ. Ngoài ra, dù triệu chứng nhẹ, nhưng trên  hình ảnh có nhồi máu tủy, thì cũng nên mổ ngay, để tránh bị thương tổn tủy vĩnh viễn.

MỔ NHƯ THẾ NÀO

Có thể mổ lối trước hoặc mổ lối sau. Mổ lối trước là rạch da đi vào từ phía trước, vén thực quản, khí quản và các mạch máu, dây thần kinh sang bên, rồi lấy hết đĩa đệm. Sau khi lấy hết đĩa đệm sẽ có 3 cách xử lí chỗ đã lấy hết đĩa đệm đi như sau:

- Không làm gì cả. Thường thì khe đĩa đệm rộng từ 4 đến 8mm. Nếu không làm gì cả, hai đầu xương sẽ sụp xuống, dây chằng phía sau có thể bị cuộn lại và chèn vào tủy, gây ra bệnh lí tủy, hoặc làm nặng thêm bệnh lí tủy có sẵn. Ngoài ra, việc hai đầu xương không được cố định chắc chắn có thể không liền với nhau được, gây đau kéo dài.

- Ghép: Dùng một mảnh ghép để ghép vào khoảng trống do đĩa đệm bị lấy hết để lại. Mảnh ghép này có thể là xương của chính bệnh nhân (lấy từ xương chậu hoặc xương chân, tay), xương của người khác, xương trâu, bò, san hô, hoặc các mảnh ghép bằng kim loại, nhựa, hoặc các vật liệu nhân tạo khác. Các bác sĩ có thể phải bắt nẹp vào các đốt sống ở phía hai đầu của mảnh ghép. Các mảnh ghép này sẽ là cầu nối để xương mọc ra từ hai đầu đốt sống, hàn dính hai đốt sống lại với nhau. Khi đó, vận động cổ sẽ bị hạn chế.

- Thay đĩa đệm nhân tạo. Đĩa đệm nhân tạo được chế tạo từ titanium và/hoặc nhựa, sứ hoặc các vật liệu chống mài mòn khác. Đó thực chất là hai mảnh kim loại úp lên nhau. Nếu áp dụng thay đĩa đệm nhân tạo, hai đầu xương sẽ không dính vào với nhau, hai đốt sống hai đầu không bị hàn cứng mà vẫn cử động được. Tuy nhiên, khi đó thì toàn bộ sự vững chắc của cột sống được dồn cho hai khớp hoạt dịch phía sau. Nếu hai khớp hoạt dịch phía sau còn tốt thì có thể thay đĩa đệm nhân tạo. Nhưng nếu hai khớp này không tốt, hoặc người bệnh có bệnh về khớp, hai khớp này có nguy cơ mất ổn định, thì cột sống sẽ mất vững. Và khi đó, việc thay đĩa đệm nhân tạo sẽ là thảm họa. Ngoài ra, nhiều bác sĩ không thay đĩa đệm cho hai đốt sống liên tục vì nguy cơ mất vững trong tương lai là rất cao. Nhiều bác sĩ cũng không thay đĩa đệm nhân tạo cho đĩa đệm kế cận với chỗ được hàn xương.

Do đặc điểm giải phẫu đặc biệt mà đa số trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nằm ở trung tâm, nên chúng cần được mổ lối trước, vì đối với các trường hợp đó, mổ lối sau sẽ phải vén tủy qua bên gây liệt. Nhưng không phải lúc nào thoát vị đĩa đệm cổ cũng được mổ lối trước. Những trường hợp thoát vị đĩa đệm nằm hẳn một bên và chèn vào lỗ liên hợp có thể mổ bằng lối sau để lấy đi khối thoát vị (giống như đối với cột sống thắt lưng), mà không phải lấy đi toàn bộ đĩa đệm. Ngoài ra, khi thoát vị đĩa đệm nhiều tầng, thì nếu mổ lối trước, nguy cơ thương tổn dây thần kinh quặt ngược hoặc thực quản quá cao, để lại di chứng nặng nề hoặc dễ tử vong sau mổ, các bác sĩ chủ trương mổ lối sau. Nhiều bác sĩ chủ trương mổ lối sau khi có 3 tầng thoát vị đĩa đệm cổ trở lên. Và gần như không có bác sĩ nào dám mổ lối trước cho trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ 4 hoặc nhiều tầng hơn (ngoại trừ các bác sĩ đủ “dũng cảm” đến mức không sợ súng).

Nếu mổ lối sau cho trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ nhiều tầng, các bác sĩ không lấy đi thương tổn (khối đĩa đệm thoát vị), mà mở rộng ống sống từ phía sau ra để tủy và các rễ thần kinh có chỗ “tránh” các khối chèn ép. Trong khoang ống sống có tủy, các rễ thần kinh, mạch máu và dịch não tủy. Nếu khoang này rộng, thì khoang đó vẫn đủ chỗ cho mọi thứ, bao gồm cả các khối thoát vị đĩa đệm. Nếu nó chật, thì khối đĩa đệm thoát vị sẽ chèn ép các cấu trúc kia, gây ra bệnh. Mổ lối sau trong trường hợp này là tạo ra một khoang ống sống đủ rộng cho mọi thành phần sống chung với nhau. Mổ kiểu này chỉ giải ép gián tiếp, nhưng an toàn hơn mổ nhiều tầng lối trước.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THỰC TẾ

Ở Việt nam, nhiều người, trong đó có cả các bác sĩ và các hãng dụng cụ, dùng thuật ngữ “thay đĩa đệm” cho các trường hợp ghép hàn xương. Tương tự vậy, mảnh ghép nhân tạo được nhiều người gọi là đĩa đệm nhân tạo. Gọi như vậy nghe sang chảnh hơn, lấy tiền cũng dễ hơn, vì đĩa đệm nhân tạo thường mắc hơn mảnh ghép nhân tạo khá nhiều. Tuy nhiên, điều này tạo ra sự lẫn lộn và khó hiểu cho người bệnh.

Trong tiếng Anh, người ta phân biệt rất rõ hai loại này, kĩ thuật mổ lối trước đặt mảnh ghép hàn xương được gọi là ACDF (Anterior Cervical Discectomy and Fusion), trong khi kĩ thuật mổ thay đĩa đệm được gọi là TDR (Total Disc Replacement). Tương tự vậy, mảnh ghép nhân tạo được gọi là Artificial Graf, còn đĩa đệm nhân tạo thì được gọi là Artificial Disc.

Hi vọng bài viết này giúp ích được những ai đang phải cân nhắc việc mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.


Bs Võ Xuân Sơn


Không có nhận xét nào